Các địa phương phía bắc của tỉnh: Thu hút mạnh vốn FDI

Thứ tư, ngày 18/04/2018

(BDO) Sau thành công của các khu, cụm công nghiệp phía nam của tỉnh, Bình Dương chủ trương đưa công nghiệp về phía bắc, một mặt để tạo lực thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương còn khó khăn, mặt khác để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giảm nghèo cho người dân nơi đây. Chỉ trong thời gian ngắn vừa kiến tạo hạ tầng vừa tăng cường thu hút đầu tư, các khu, cụm công nghiệp phía bắc tỉnh đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn.

 Thu hút nhiều nhà đầu tư lớn

Nhờ có sự định hướng, chỉ đạo nhất quán từ sớm của lãnh đạo tỉnh, các khu công nghiệp (KCN) phía bắc của tỉnh thời gian qua liên tục thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đến làm ăn. Đến nay, các KCN Mỹ Phước 1, 2, 3 và 4 đã thu hút gần 500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 3,5 tỷ USD. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn tập trung vào đây như Tập đoàn Kumho Asiana, Tập đoàn Maruzen Foods Corporation, Công ty giấy Graft Vina…

Vốn FDI vào các địa phương phía Bắc của tỉnh đang có thêm cơ hội tăng tốc. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Kumho Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Phước, TX.Bến Cát). Ảnh: XUÂN THI

Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng KCN Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) mau chóng trở thành một điểm sáng trong thu hút đầu tư của tỉnh. Được kỳ vọng tạo nên cú hích mạnh mẽ cho một khu vực nông thôn rộng lớn phía bắc tỉnh nhà, đến nay huyện Bàu Bàng đã thu hút được 616 dự án, trong đó có 519 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn gần 25.043 tỷ đồng và 97 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 2,437 tỷ USD. Riêng trong quý I-2018, huyện đã thu hút được 15 dự án đăng ký mới với tổng số vốn 88,1 triệu USD và 40,3 tỷ đồng, 7 dự án tăng thêm vốn 15 triệu USD và 31,1 tỷ đồng. Trong số này có những nhà đầu tư lớn, có trình độ khoa học - kỹ thuật cao như Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam, Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ Yacht Việt Nam...

KCN Tân Bình (huyện Bắc Tân Uyên) cũng ra đời theo chủ trương phát triển KCN về phía bắc của tỉnh. Chỉ vài năm trước, trên một khoảng đất rộng hàng trăm ha của xã Bình Mỹ chỉ toàn gốc cây cao su bắt đầu hình thành KCN này; đến nay đã có 52 dự án triển khai tại đây, tổng vốn đầu tư lên đến 770 tỷ đồng và khoảng 42,64 triệu USD. Các doanh nghiệp đầu tư vào KCN Tân Bình chủ yếu hoạt động trong ngành gỗ, sản xuất giày, điện tử, bao bì các loại…, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, sự có mặt của các KCN Ascendas Protrade, Việt Hương 2 cùng các cụm công nghiệp Tân Mỹ, Tam Lập, Thanh Tuyền… ở các địa phương phía bắc của tỉnh đã tạo quỹ đất sạch lớn với hạ tầng bài bản, đồng bộ, sẵn sàng đón nhà đầu tư đến đây làm ăn. Nhờ đó, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào các huyện phía bắc ngày càng tăng cao, góp phần cụ thể hóa quyết tâm, nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhằm thay đổi bộ mặt khu vực phía bắc của tỉnh.

Thêm cơ hội tăng tốc

Sự phát triển đồng bộ, bài bản của các khu, cụm công nghiệp phía bắc tỉnh nhà trong thời gian qua không chỉ làm đa dạng bản đồ thu hút đầu tư của tỉnh, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho nhà đầu tư mà còn đóng góp rất lớn vào việc thay đổi diện mạo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại đây. Có thể nói, sự phát triển các khu, cụm công nghiệp này đã và đang tạo ra cú hích giúp các địa phương phía bắc của tỉnh như Bàu Bàng, Bến Cát, Bắc Tân Uyên tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ.

Các địa phương này trước đây kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nay đang đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa. Năm 2017, TX.Bến Cát có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 24% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chiếm 81% trong cơ cấu kinh tế. Còn tại huyện Bàu Bàng, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 11.420 tỷ đồng, tăng gần 18% so với năm 2016... Những kết quả này cho thấy chiến lược đưa các khu, cụm công nghiệp về phía bắc của tỉnh là đúng đắn và hiệu quả.

Để hiện thực hóa chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc phát triển công nghiệp ở các địa phương phía bắc, trong những năm gần đây Bình Dương đã đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng để xây dựng 3 tuyến đường tạo lực để phát triển các KCN và đô thị, gồm đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Đồng Phú, đường Phú Giáo - ĐT750 và đường tạo lực Bàu Bàng - Phú Giáo. Giải pháp này không những thu hẹp khoảng cách về mặt địa lý giữa khu vực thành thị và nông thôn mà còn là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư đến các khu, cụm công nghiệp phía bắc của tỉnh như các KCN Ascendas Protrade, Việt Hương 2, Tân Bình, Bàu Bàng, các cụm công nghiệp Tân Mỹ, Tam Lập, Thanh Tuyền…

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương “Điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020”, theo đó các khu, cụm công nghiệp phía bắc của tỉnh được quan tâm mở rộng đầu tư, tạo quỹ đất sạch, hạ tầng bài bản, sẵn sàng chào đón nhà đầu tư. Thực hiện chủ trương này, Bình Dương sẽ mở rộng diện tích các khu, cụm công nghiệp hiện có, để đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 33 KCN tập trung, tổng diện tích khoảng 15.730 ha nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp tỉnh nhà. Điều này góp phần khẳng định chiến lược phát triển công nghiệp lan tỏa về phía bắc của tỉnh là rất hiệu quả.

Song hành với nhiều nguồn lực lớn khác về hạ tầng, chính sách…, thương hiệu công nghiệp Bình Dương ngày càng vươn xa tạo điều kiện cho các khu, cụm công nghiệp phía bắc của tỉnh phát huy lợi thế, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Lượng vốn FDI đầu tư về đây rất lớn trong thời gian qua đã góp phần củng cố thêm niềm tin Bình Dương sẽ trở thành trung tâm công nghiệp của cả nước vào trước năm 2020 theo định hướng của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án “Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Bàu Bàng mở rộng”. Dự án này được thực hiện tại các xã Lai Uyên và Cây Trường II, huyện Bàu Bàng và xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, với diện tích 1.000 ha. Dự án được thực hiện trong 5 năm, tổng mức đầu tư 5.762 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo chủ đầu tư là Becamex IDC tiếp tục hoàn thiện dự án theo ý kiến của các bộ, ngành; thực hiện việc ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điều 42, Luật Đầu tư và Điều 27, Nghị định số 118/2015/ NĐ-CP ngày 12-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Với việc mở rộng này, quy mô diện tích của KCN Bàu Bàng sẽ lên tới trên 3.200 ha, dự kiến gia tăng quy mô dân số huyện Bàu Bàng lên tới 200.000 người, đáp ứng nhu cầu nhân lực cũng như dịch vụ đô thị cho các dự án đầu tư tại đây. Phần diện tích mở rộng đang được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư vào KCN.

Trong khi đó, KCN Tân Bình sau giai đoạn đầu phát triển khá ấn tượng cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt kế hoạch mở rộng. Theo đại diện của Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa, đơn vị này dự kiến mở rộng KCN Tân Bình ở giai đoạn 2 với diện tích tăng thêm lên đến 1.085 ha, tức gấp 7 lần diện tích hiện nay.

Việc các khu, cụm công nghiệp phía bắc của tỉnh liên tục xin điều chỉnh mở rộng không chỉ cho thấy tình hình kinh doanh khả quan cũng như nhu cầu rất lớn của nhà đầu tư trong và ngoài nước, mà còn khẳng định tính đúng đắn từ chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

 

M.NGUYỄN