Các địa phương chuẩn bị chu đáo cho học sinh trở lại trường
(BDO) Theo kế hoạch năm học 2021-2022 của Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), đầu tháng 11 này học sinh (HS) các địa phương sẽ trở lại trường học trực tiếp sau 2 tháng học trực tuyến để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo dự kiến của sở, các địa bàn “vùng xanh” thuộc những huyện phía Bắc của tỉnh sẽ triển khai dạy trực tiếp trước. Trong khi chờ quyết định chính thức của tỉnh, các địa phương này đang khẩn trương chuẩn bị trường lớp sạch sẽ, an toàn đón HS trở lại.
Giáo viên trường Tiểu học Long Bình, huyện Bàu Bàng sửa sang trường lớp, bàn ghế sẵn sàng đón HS trở lại trường. Ảnh: ÁNH SÁNG
Trường lớp sẵn sàng
Trong tâm thế sẵn sàng đón HS trở lại trường khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, các đơn vị, trường học những địa phương phía Bắc của tỉnh gồm: Huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên đã và đang kiểm tra lại cơ sở vật chất, bảo đảm thật an toàn khi HS đến trường.
Tại huyện Dầu Tiếng, 22 trường học các cấp đã được bàn giao cho Phòng GD-ĐT từ ngày 30-9. Ngay sau đó, ngành phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện và các ngành thực hiện khử khuẩn, vệ sinh trường lớp, sửa chữa, thay thế các thiết bị hư hỏng... “Chậm nhất đến ngày 30-10 tất cả các trường phải được sửa chữa xong để đón HS trở lại. Chúng tôi cam kết đáp ứng được tính an toàn cho HS nếu ngày 1-11 được trở lại trường”, ông Tạ Tấn Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Dầu Tiếng cho hay.
Là một trong những địa phương sớm trở thành “vùng xanh” của tỉnh, huyện Phú Giáo cũng sẵn sàng cho ngày HS trở lại. Hiện tại giáo viên nơi đây vừa dạy trực tuyến, vừa tranh thủ thời gian đến trường dọn dẹp vệ sinh trường lớp. Tuy vất vả nhưng vì sự an toàn của thầy trò, giáo viên đã khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ dạy học và phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trong khi đó huyện Bàu Bàng vẫn còn 2 “vùng vàng” là khu phố Bàu Bàng và Đồng Sổ của thị trấn Lai Uyên. Do đó, ngành GD-ĐT huyện đã xây dựng các phương án khi tổ chức học trực tiếp phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh của địa phương. Đối với huyện Bắc Tân Uyên, ngành GD-ĐT huyện này cũng đã chủ động các bước để đáp ứng việc tổ chức dạy học trực tiếp khi có quyết định chính thức của tỉnh. “Chúng tôi xem đây là thời gian vàng phải thực hiện 100% học trực tiếp và chỉ triển khai dạy trực tuyến với những nội dung không phải chương trình chính khóa, như: Dạy nâng cao kiến thức, bổ trợ, phụ đạo HS yếu kém, nâng cao kiến thức cho HS trung bình và bồi dưỡng HS khá, giỏi”, ông Nguyễn Tấn Anh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bắc Tân Uyên cho biết.
Thời gian qua, gần như tất cả các trường THPT các huyện phía Bắc đều được sử dụng làm khu cách ly tập trung. Thầy Nguyễn Cảnh Thủy, Hiệu trưởng trường THPT Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng cho biết, khi cơ sở được ngành y tế trả lại, nhà trường kiểm tra và sửa chữa quạt, đèn, nhà vệ sinh, rèm cửa...; tổ chức cắt tỉa cây cảnh, dọn cỏ rác xung quanh trường, đồng thời tổ chức vệ sinh lớp học thường xuyên cho đến khi HS trở lại trường.
Bảo đảm an toàn cho thầy và trò
Trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, lúc cao điểm toàn tỉnh có 198 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh được trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Hiện nay khi tỉnh trở về trạng thái “bình thường mới”, các trường được ngành y tế trả lại cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ dạy học. |
Rõ ràng, thầy trò các trường học trong tỉnh nói chung, các huyện phía Bắc nói riêng rất nôn nóng trở lại trường để việc dạy và học đạt hiệu quả cao nhất. Các địa phương cũng xác định, khi HS trở lại trường học trực tiếp, yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Giáo chia sẻ, ngành đã tham mưu UBND huyện vào ngày 18-10 cho 50% HS 5 xã “vùng xanh” học trực tiếp, đến 1-11 sẽ thực hiện học trực tiếp đối với 50% HS còn lại. Nhưng qua ý kiến của phụ huynh HS, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn cho thấy, cha mẹ HS không yên tâm khi con em trở lại trường vào ngày 18-10 nên phòng đã ngừng thực hiện.
Học trực tiếp là mong muốn của giáo viên và học sinh khi tỉnh trở về trạng thái “bình thường mới”. Đối với các địa bàn đã được xanh hóa, thầy trò các trường càng mong mỏi điều này. Tuy nhiên, khi các em trở lại trường phải bảo đảm thật sự an toàn. Một trong những lo lắng của phụ huynh HS là các em chưa được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Qua khảo sát của các trường, phụ huynh HS đều có tư tưởng chờ cho HS THCS, THPT được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trước khi trở lại trường.
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài và phức tạp, ảnh hưởng đến việc học tập của HS. Để các em yên tâm học trực tiếp, các trường mong muốn ngành GD-ĐT nên tổ chức tư vấn tâm lý cho giáo viên, HS để thầy trò các trường không còn tâm lý căng thẳng khi phải tiếp xúc với máy tính thường xuyên, cũng như phải ở trong nhà trong một thời gian dài.
HỒNG THÁI