Các địa phương chủ động ứng phó tố lốc, mưa đá
Nguy cơ xảy ra tố lốc, mưa đá và gió giật mạnh rất cao ở nhiều địa phương.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bộ phận không khí lạnh tràn xuống khu vực phía Bắc nước ta, nền nhiệt ở nhiều địa phương hạ thấp, kèm theo mưa. Nguy cơ xảy ra tố lốc, mưa đá và gió giật mạnh rất cao. Để chủ động ứng phó với thiên tai, các địa phương đã lên kế hoạch chủ động ứng phó.
Mưa đá xuyên thủng mái nhà ở Lào CaiTại tỉnh Tuyên Quang đã chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện và nhân lực để ứng phó với mưa đá và tố lốc có thể xảy ra. Với phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và phương tiện tại chỗ), Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang tích cực phối hợp với các địa phương nắm bắt tình hình, chỉ đạo công tác cảnh báo và khắc phục hậu quả thiên tai khi thời tiết xấu xảy ra.
Ông Nguyễn Sáng Vang, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang cho biết: “Đợt này có thể xảy ra mưa đá nên chúng tôi không chủ quan, lúc nào cũng phòng với tư thế sẵn sàng. Chúng tôi thông tin cho dân biết mưa đá là rất nguy hiểm. Người và gia súc phải ở nơi an toàn. Nhà cửa phải chắc chắn. Ban phòng chống lụt bão của tỉnh nắm tình hình 24/24h. Lực lượng ứng cứu gồm dân quân tự vệ, lực lượng dự bị luôn sẵn sàng, khi xảy ra phải ứng cứu ngay”.
Theo ước tính, đợt mưa đá vừa qua đã gây thiệt hại cho tỉnh Hà Giang khoảng 30 tỷ đồng. Dự báo, đêm nay và vài ngày tới, một số nơi trong tỉnh có mưa đá kèm theo tố lốc. Chính quyền, đoàn thể và nhân dân Hà Giang đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng trực khi thiên tai xảy ra.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Ban Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Giang cho biết: Tất cả 11 huyện thị, thành phố của tỉnh đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai. Ngành chức năng cảnh báo đến từng hộ gia đình tại các điểm dân cư nằm trong khu vực nguy hiểm để có phương án sẵn sàng di chuyển đến nơi an toàn.
Hà Giang cũng đã chuẩn bị phương án sử dụng nguồn vốn dự phòng của tỉnh, huyện để xử lý những vấn đề cấp bách có thể xảy ra như hoa màu bị hư hỏng, người và gia súc bị thương, thiệt hại; xây dựng đội xung kích từ huyện đến xã, lấy dân quân tự vệ, giáo viên, thanh niên làm lực lượng nòng cốt trong việc ứng phó với tình huống xấu xảy ra.
“Chúng tôi xác định bảo vệ tính mạng con người là trên hết cho nên khi cảnh báo mưa đá trong ngày thì dân phải di chuyển ngay, không làm ở ngoài nương rấy, đồng ruộng. Trong đêm thì phải thường xuyên cảnh báo sớm để cho người dân biết và có thể sơ tán đến nơi an toàn”, ông Vinh nói.
Tại tỉnh Nghệ An, công tác ứng phó với thời tiết xấu đã được tuyên truyền tới từng thôn xã, đặc biệt là những địa phương thường xuyên xảy ra mưa đá và lốc xoáy như Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Cửa Lò, Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông và Quế Phong.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão-tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng bởi vì mùa này thường xuyên xảy ra mưa đá và lốc xoáy. Khi có thông báo của khí tượng thủy văn là chúng tôi có thông báo cảnh giới để người dân chủ động phòng chống bằng cách chằng chống lại nhà cửa. Các mái tôn có biện pháp kẹp chặt lại để khi bị tố lốc đỡ bị tốc mái. Đồng thời cảnh báo với bà con là không đi ra ngoài khi có hiện tượng mưa đá, lốc xoáy”.
Theo VOV