Ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Bình Dương khóa VIII:
Các đại biểu làm nóng hội trường bằng các câu chất vấn
(BDO)
Tại phiên chất vấn Sở Tài nguyên và Môi trường, Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Tổ đại biểu TP.TDM đặt vấn đề, Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 19-6-2013 của Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) tỉnh Bình Dương thì trên địa bàn tỉnh Bình Dương được phê duyệt diện tích đất lúa 2 vụ là 3.000ha, nhưng thống kê thực tế năm 2010 chỉ còn 1.535ha. Trong thời gian qua, hàng ngàn héc ta đất lúa 2 vụ tiếp tục bị chuyển mục đích sử dụng chưa đúng với tinh thần Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và không thông qua HĐND tỉnh theo quy định của Luật Đất đai 2003?
Quang cảnh ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Bình Dương khóa VIII
Sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất lúa phù hợp với thực tế
Ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn như sau: Theo thống kê thực tế năm 2010, diện tích đất lúa 2 vụ trên địa bàn tỉnh chỉ còn 1.535ha. Tuy nhiên, để đảm bảo chiến lược an ninh lương thực Quốc gia tại Công văn số 23/CP-KTN ngày 23-2-2012, Chính phủ đã phân bổ cho tỉnh Bình Dương diện tích đất lúa đến năm 2020 là 6.000ha, sau nhiều lần UBND tỉnh giải trình Chính phủ, tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 19-6-2013 về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) tỉnh Bình Dương, theo đó Chính phủ phê duyệt diện tích đất lúa bảo vệ đến năm 2020 tỉnh Bình Dương là 3.150ha (trong đó có 3.000ha đất lúa 2 vụ), đối với diện tích phê duyệt của Chính phủ vẫn còn chưa phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Bình Dương. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trong đó điều chỉnh diện tích đất lúa cần bảo vệ đến năm 2020 cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Bình Dương.
Ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn
Về việc chuyển mục đích đất lúa theo phản ánh của đại biểu là do người dân tự ý chuyển đổi mà không đăng ký với cơ quan nhà nước.
Đối với việc chuyển mục đích đất lúa được thực hiện tại cơ quan nhà nước, UBND tỉnh luôn tuân thủ theo các thủ tục đất đai theo quy định, cụ thể: trước Luật đất đai năm 2013, đối với các dự án có sử dụng đất lúa điều phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; sau khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực, các dự án sử dụng đất lúa dưới 10ha điều phải được thông qua HĐND tỉnh và trên 10ha phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đối với việc cho phép chuyển mục đích đất lúa thực hiện tại cơ quan nhà nước tuyệt đối không làm ảnh hưởng tới diện tích 3.150ha đất lúa cần bảo vệ đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 19-6-2013.
Về việc việc tự ý chuyển đổi mục đích đất lúa là xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân và điều kiện của tỉnh Bình Dương nên công tác phát triển bảo vệ đất lúa trên địa bàn tỉnh Bình Dương gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể năng suất và hiệu quả sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Bình Dương thấp do điều kiện tự nhiên về đất đai (đất cát, bạc màu), địa hình (dốc, phân bổ phân tán) nên diện tích sản xuất lúa của tỉnh Bình Dương không phù hợp cho việc phát triển trên diện rộng để thực hiện chuyên canh, cơ giới hóa, thủy lợi hóa… Mặt khác, hầu hết diện tích đất lúa tập trung tại các vùng hạ lưu ven các nhánh sông chính, mùa mưa thì thường xuyên bị ngập nước do ảnh hưởng xả lũ từ các hồ chứa lớn trên thượng nguồn như: hồ Dầu Tiếng nên năng suất lúa thường bấp bênh và thấp (từ 2-2,7 tạ/ha). Do hiệu quả sản xuất kém, nên thời gian qua diện tích đất trồng lúa đã giảm rất nhanh do người dân tự chuyển đổi sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn (thủy sản, rau màu, cây ăn quả, cao su…); ở những vùng trũng không chuyển đổi được người dân bỏ ruộng hoang (do thu không đủ bù đắp lại chi phí bỏ ra).
Do sức hút lao động và làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có thu nhập ổn định, nên người dân không thật sự quan tâm tới sản xuất lúa. UBND tỉnh có nhiều giải pháp (như xây dựng quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp đến năm 2020; xây dựng các chính sách khuyến nông khuyến lâm, hỗ trợ người nông dân bằng nhiều hình thức để đảm bảo diện tích sản xuất lúa), tuy nhiên những giải pháp trên vẫn chưa phát huy được hiệu quả do nguồn kinh phí hỗ trợ thấp và nhân lực sản xuất nông nghiệp thiếu nên chưa đảm bảo đời sống cho người dân trồng lúa. Nên người dân trồng lúa phải tự thay đổi sang các hình thức sản xuất khác có thể đảm bảo được đời sống.
Vì sao giải ngân cho vay Quỹ bảo vệ môi trường đạt kết quả thấp?
Đại biểu Đoàn Ngọc Như Tâm, Tổ đại biểu TP.TDM đặt vấn đề, trong năm 2014, Quỹ bảo vệ môi trường (BVMT) của tỉnh đã thẩm định chấp thuận cho vay 1 dự án với số tiền 8 tỷ đồng, đạt 14,5% kế hoạch năm; tiến hành giải ngân cho 3 dự án số tiền 514 triệu đồng, đạt 1,05% kế hoạch năm, ước tính cả năm giải ngân được 8,5 tỷ đồng, đạt trên 17% kế hoạch năm. Vậy nguyên nhân vì đâu giải ngân cho vay từ Quỹ đạt kết quả thấp, trong khi nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu lớn về vốn thực hiện các quy định Nhà nước về bảo vệ môi trường. Tại sao chất lượng xây dựng kế hoạch cho vay của Quỹ không sát thực tế và biện pháp khắc phục?
Ông Phạm Danh trả lời, Bình Dương là 1 trong 25 tỉnh có Quỹ BVMT và cũng nằm trong nhóm những tỉnh có Quỹ BVMT sớm trong cả nước. Được thành lập từ năm 2009 với số vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ, đến nay vốn hoạt động của Quỹ đã lên đến 133 tỷ đồng. Trong những năm qua, Quỹ đã cho vay được 38 dự án để đầu tư cho công tác BVMT với tổng số vốn vay của các dự án là 91 tỷ đồng, qua đó đã hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện tốt việc xử lý môi trường, góp phần vào công tác BVMT chung của tỉnh.
Trong năm 2014, Quỹ BVMT đã có các biện pháp tuyên truyền, tiếp cận trực tiếp đến các doanh nghiệp chưa đầu tư công trình xử lý chất thải trên toàn tỉnh như: các doanh nghiệp mới thành lập, các doanh nghiệp thuộc danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở cần di dời ra khỏi khu dân cư... đồng thời, đã kết hợp phổ biến hoạt động của Quỹ thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn của ngành, trên đài phát thanh, đài truyền hình... nhưng lượng doanh nghiệp đến xin vay vốn rất hạn chế. Trong năm có khoảng 10 dự án tiếp cận Quỹ để nắm thông tin, điều kiện cho vay vốn... tuy nhiên, do không đủ điều kiện (ví dụ như hệ thống xử lý đã hoặc đang xây dựng; không có tài sản đảm bảo cho khoản vay...) được vay nên không nộp đơn xin vay, chỉ có 1 dự án đủ điều kiện cho vay đã được giải quyết. Việc giải ngân cho các dự án đã được vay cũng đạt thấp.
Qua xem xét thì việc hạn chế trên có một số nguyên nhân khách quan và chủ quan như sau: về khách quan là do ảnh hưởng chung của tình hình suy thoái kinh tế đã tác động nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp, dẫn đến việc đầu tư cho sản xuất cũng như các đầu tư khác của doanh nghiệp có xu hướng giảm và trong đó vấn đề đầu tư cho bảo vệ môi trường doanh nghiệp cũng ít ưu tiên hơn do không sinh ra lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận (lãi suất cho vay không quá 50% lãi suất cho vay thương mại) nhưng phải bảo toàn vốn, do đó nhiều doanh nghiệp liên hệ vay vốn nhưng không đủ điều kiện như: không có tài sản đảm bảo cho khoản vay, tài chính của doanh nghiệp không khả thi, nợ nhiều và nợ quá hạn gây rủi ro cao thì Quỹ không thể cho vay.
Mức vốn cho vay không quá 70% vốn đầu tư của dự án, phần vốn còn lại là vốn đối ứng của doanh nghiệp, tuy nhiên những doanh nghiệp nhỏ, khó khăn không có vốn đối ứng thì cũng không giải quyết cho vay được.
* Đối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đại biểu cho rằng thời gian qua, công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng hiệu quả chưa cao, thậm chí có nơi chưa thực hiện được. Đề nghị Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, đánh giá nguyên nhân của hạn chế nêu trên? Muốn thực hiện được thì cần phải có giải pháp gì. Đồng thời đại biểu cũng chất vấn, việc đào tạo nghề, nhất là đào tạo cho lao động nông thôn (LĐNT) thời gian qua còn nhiều hạn chế như: không tuyển đủ học viên; tỷ lệ lao động sau đào tạo sống được với nghề còn ít, các ngành học viên có nhu cầu thật sự lại không có trong danh mục đào tạo nghề; đào tạo cho đủ chỉ tiêu, chứ chưa chú trọng gắn với nhu cầu xã hội; thời gian hỗ trợ đào tạo ngắn, học viên học xong vẫn chưa rành nghề; chưa kết nối đào tạo và giải quyết việc làm… dẫn đến lãng phí trong đào tạo và việc đầu tư các thiết bị giảng dạy. |
Việc giải ngân vốn vay đối với các công trình xử lý là giải ngân cho đơn vị thi công (không giải ngân trực tiếp cho doanh nghiệp) theo tiến độ hoàn thành công việc của dự án, tuy nhiên do các dự án thi công bị chậm tiến độ, dẫn đến công tác giải ngân cũng chậm theo.
Về chủ quan, mức cho vay/dự án quy định trong vốn điều lệ khống chế không quá 15% vốn hoạt động, do đó có một số dự án lớn muốn tập trung vay một chỗ từ nguồn vốn của Quỹ nhưng không cho vay được. Trong năm 2014, Quỹ thay đổi điều kiện cho vay, theo đó chỉ cho vay những dự án mới, dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình xử lý chất thải nhưng chưa triển khai đầu tư để tránh tình trạng mặc dù doanh nghiệp có vốn đầu tư, đã xây dựng khá hoàn chỉnh hệ thống xử lý nhưng vẫn xin vay để tận dụng sự ưu đãi về lãi suất, điều này cũng làm thu hẹp đối tượng được tiếp cận vay vốn tại Quỹ.
Còn tại sao chất lượng xây dựng kế hoạch của Quỹ không sát thực tế là do kế hoạch hoạt động của Quỹ được xây dựng trên cơ sở kết quả hoạt động của năm trước và khả năng nguồn vốn đáp ứng cho vay của Quỹ, đồng thời kế hoạch xây dựng phải đảm bảo tăng trưởng. Tuy nhiên, khi triển khai kế hoạch, năm 2014 có một số biến động chưa lường hết được như tình hình kinh tế của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn; tình trạng đập phá gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp vào tháng 5-2014; tình hình ứ đọng nguồn vốn tại các ngân hàng, lãi suất cho vay của ngân hàng giảm; nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc sử dụng tài sản đảm bảo do đã cầm cố trong ngân hàng để vay vốn cho sản xuất, kinh doanh; việc thay đổi điều kiện cho vay của Quỹ; ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của Doanh nghiệp chưa cao, còn chây ỳ trong xử lý chất thải... Do đó, trong năm các doanh nghiệp tiếp cận và đủ điều kiện vay vốn ít dẫn đến chưa sát với kế hoạch đề ra.
Từ những nguyên nhân đã nêu, trong thời gian tới, Quỹ đề ra một số giải pháp nhằm tăng cường việc cho vay như sau: sửa đổi, bổ sung điều lệ Quỹ, tăng vốn điều lệ, vốn hoạt động, giảm mức khống chế cho vay/dự án... để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu vay của doanh nghiệp. Tham mưu Hội động quản lý Quỹ mở rộng điều kiện vay vốn cũng như đối tượng được vay vốn phù hợp với nhu cầu thực tế về hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; xem xét phương án giảm lãi suất cho vay ưu đãi sao cho đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của đơn vị và đáp ứng tình hình chung. Đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, tiếp cận để quảng bá sâu rộng hơn nữa về các hoạt động hỗ trợ tài chính của Quỹ đến các đối tượng; tăng cường công tác phối kết hợp giữa Quỹ BVMT và các cơ quan quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh như Chi cục BVMT, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị, thành phố, các đoàn thể tham gia hoạt động bảo vệ môi trường để nắm bắt thông tin và thúc đẩy hoạt động hỗ trợ tài chính của Quỹ. Cải tiến hơn nữa để rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ xin hỗ trợ tài chính, tiếp tục đơn giản hóa một số thủ tục hỗ trợ tài chính; tăng cường đào tạo, huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ Quỹ.
Cuối phiên chất vấn chiều 9-12, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu làm rõ thêm các nội dung chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh và giải pháp tập trung chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2015. Cụ thể giải trình về một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch và một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2015 đề ra còn thấp. Một số vấn đề đại biểu quan tâm trên lĩnh vực kinh tế như giá mủ cao su giảm; tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm chậm… Đồng thời nhấn mạnh một số nội dung, giải pháp thực hiện trong thời gian tới để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.