Các con về thăm má

Thứ ba, ngày 28/04/2015

Dịp kỷ niệm 30-4 năm nay, các cựu chiến binh (CCB) thuộc Trung đoàn 27 (còn gọi là Trung đoàn Triệu Hải), Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 đã vượt hàng ngàn cây số từ mọi miền của Tổ quốc về Lái Thiêu cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa và dâng hương tưởng nhớ má Sáu Ngẫu, bà má miền Nam có công với nước, rất thân thiết với trung đoàn. Vẫn chiếc ba lô khoác lên bộ quân phục màu xanh, các chiến sĩ năm xưa nay tóc đã bạc, nét mặt ai cũng bồi hồi xúc động. Họ trở lại chiến trường xưa, về bên má với biết bao ký ức về một thời đạn lửa đang trỗi dậy trong mỗi tấm lòng…

(BDO)

Các CCB Trung đoàn 27 trên đường ra viếng mộ…

…và kính cẩn nghiêng mình trước phần mộ má Sáu Ngẫu Ảnh: X.THI

Từ 7 giờ sáng, tại ngôi nhà anh Huỳnh Văn Đức (khu phố Thanh Bình, phường An Thạnh, TX.Thuận An ), con trai má Sáu Ngẫu đã thấy những đoàn xe chở đông đảo CCB, xếp thành hàng dài. Sau những giây phút đồng đội gặp lại nhau trong niềm vui và cả nỗi buồn thương nhớ các đồng chí đã hy sinh, các CCB cùng nhau tìm đến khu mộ của má Sáu Ngẫu dâng hương, tỏ lòng tri ân bà má miền Nam trung hậu, kiên cường. Sau khi má Sáu qua đời (1989), tỉnh Bình Dương đã cấp một lô đất và phối hợp với Trung đoàn 27 xây cho má ngôi mộ tại quê nhà, nằm giữa bạt ngàn cây trái Lái Thiêu. Trên tấm bia mộ có dòng chữ: “Trung đoàn Triệu Hải - Đại đoàn Đồng bằng ghi công má đã dẫn đường cho trung đoàn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Trong ngày vui toàn thắng mùa xuân năm ấy, dưới mái nhà đơn sơ, bà má Nam bộ đã ôm những đứa con miền Bắc vừa trở về từ đạn lửa, nước mắt má tuôn trào trong hạnh phúc. 30 năm má chờ ngày đoàn tụ là đây. 30 năm má khắc khoải, chờ mong ngày thống nhất là đây…

Tháng tư, đất Bình Dương nắng chang chang, mình ướt đẫm mồ hôi, các CCB tề tựu bên mộ má. Họ kể rằng, sau khi được má Sáu trao cho tấm bản đồ đô thành Sài Gòn và thông tin cụ thể về quân địch, Trung đoàn 27 đã xung trận, đập tan tuyến tử thủ phía bắc Sài Gòn, tiến vào sào huyệt quân thù, hòa chung vào niềm vui đại thắng. Nhớ lời hẹn ước, hôm sau (1-5), các chiến sĩ của trung đoàn ngược về Lái Thiêu thăm má và 2 em Phước, Đức - con của má. Trong ngày vui toàn thắng mùa xuân năm ấy, dưới mái nhà đơn sơ, bà má Nam bộ đã ôm những đứa con miền Bắc vừa trở về từ đạn lửa, nước mắt má tuôn trào trong hạnh phúc. 30 năm má chờ ngày đoàn tụ là đây. 30 năm má khắc khoải, chờ mong ngày thống nhất là đây. Má yêu quý và biết ơn những đứa con không do má đứt ruột đẻ ra nhưng đã “trả thù” thay cho má, đã thực hiện thành công chí hướng của chồng má, của má và của bao người con trung hiếu đất thành đồng Nam bộ một cách vẻ vang. Rồi má ra chợ, trưa hôm đó, má đãi những người con miền Bắc một bữa thịnh soạn là thịt ba rọi cuốn bánh tráng, món ăn quen thuộc của người Bình Dương!

Nhớ lại kỷ niệm này, anh Đức kể, đến bây giờ anh vẫn còn nhớ như in các anh bộ đội cứ lúng ta lúng túng vì không biết cuốn như thế nào! Đôi tay người bộ đội chỉ quen cầm súng, nay cuốn bánh tráng mà cứ rớt hoài, cuối cùng các anh cho tất cả vào chén “xơi tuốt”! Một kỷ niệm nữa lại hiện về trong lòng các CCB, đó là bạt ngàn cây trái Lái Thiêu. Bao năm ở rừng đánh giặc, các anh có bao giờ được thưởng thức những trái cây đặc sản của vùng đất miền Đông. Nay các anh về trong ngày vui đại thắng, bà con Lái Thiêu nô nức đón chào, ai ai cũng trao vào tay các anh bộ đội giải phóng những bịch trái cây ngọt lịm, chất đầy cả thùng xe…

Cách đây 40 năm về trước, trong lúc Trung đoàn 27 đang lao động trên công trường đắp đê sông Đáy, phân lũ sông Hồng, thuộc huyện Yên Mỗ, tỉnh Ninh Bình, thì sáng ngày 16-3-1975 nhận được lệnh của sư đoàn: Trung đoàn tổ chức hành quân cơ động gấp từ vị trí đắp đê đi nhận nhiệm vụ chiến đấu. Tin đơn vị ngừng lao động, lên đường chiến đấu được truyền nhanh khắp công trường. Khi đó, không ai còn băn khoăn với câu hỏi bao giờ ra trận nữa. Việc Quân đoàn 1 vẫn chưa được giao nhiệm vụ chiến đấu là nằm trong kế hoạch nghi binh chiến lược của Bộ Tổng tư lệnh. Vì địch luôn theo dõi Quân đoàn 1 - lực lượng dự bị chiến lược của bộ. Khi thấy Quân đoàn 1 chưa động binh, địch đoán rằng ta chưa thể đánh lớn vào miền Nam và càng mù tịt, cho rằng ta chưa có ý đồ tổ chức một trận quyết chiến chiến lược đánh vào Sài Gòn để giải quyết chiến tranh.

“…các anh bộ đội cứ lúng ta lúng túng vì không biết cuốn như thế nào! Đôi tay người bộ đội chỉ quen cầm súng, nay cuốn bánh tráng mà cứ rớt hoài, cuối cùng các anh cho tất cả vào chén!”

(Anh Huỳnh Văn Đức kể)

Sau những ngày hành quân thần tốc, rừng Trường sơn rùng rùng chuyển động, dậy tiếng quân reo đưa đoàn quân tiến vào tập kết tại rừng Tân Uyên, Sông Bé, chuẩn bị bước vào trận đánh quyết tử. Họ cùng nhau thực hiện lời thề đầy khí phách: “Trong trận đánh cuối cùng này, trung đoàn chúng ta có thể chỉ còn lưu danh vào sử sách. Nếu phải hy sinh, mặt chúng ta phải hướng về Sài Gòn”. Rồi đoàn quân nắm chặt tay nhau hô lớn: Quyết tâm! Quyết tâm! Rừng Tân Uyên năm ấy như vỡ òa trước khí thế cách mạng.

40 mùa xuân đã trôi qua, tấm bản đồ mà má Sáu Ngẫu trao cho Trung đoàn 27 lúc đánh vào Chi khu Lái Thiêu, nay đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Hôm nay, cả dân tộc đang tưng bừng kỷ niệm ngày non sông thống nhất, tôi nhận thấy những CCB Trung đoàn 27 như đang sống lại những thời khắc hào hùng. Hình ảnh của má Sáu, của em Phước, em Đức đứng canh gác cho má và các anh bộ đội trao đổi vẫn còn hiện hữu trong tâm khảm của họ. Chứng kiến buổi họp mặt, trong tôi trào dâng những cảm xúc thật khó tả. Chiến tranh là thế! Khi đất nước lâm nguy, hàng triệu con người từ tiền tuyến đến hậu phương đều chung một mục đích cao cả. Họ ra đi son sắt một lời thề, lòng luôn dặn lòng “khi Tổ quốc cần chúng mình biết hy sinh…”.

Phía sau những hào quang chiến thắng là sự mất mát hy sinh không thể tả hết. Không có “nơi mô” như ở Việt Nam mình, từ Nam chí Bắc, từ huyện đến tỉnh, thậm chí là cấp xã đều có nghĩa trang liệt sĩ, ghi công thế hệ cha ông đã nằm xuống cho Tổ quốc tươi đẹp như hôm nay. Chiến tranh là tội ác! 40 năm đã trôi qua, đã đến lúc chúng ta “hãy để cho vết thương chiến tranh lành da”, hướng đến mục tiêu vì dân giàu nước mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

 

KIẾN GIANG