Các chuyên gia Liên Xô ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ

Thứ tư, ngày 07/05/2014

Nhân dịp hai nước Việt-Nga long trọng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam trong chiến tranh chống thực dân Pháp (7.5.1954) và 69 năm chiến thắng phátxít Đức của Hồng quân Liên Xô trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9.5.1945), phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga đã có dịp trò chuyện và lắng nghe các chuyên gia Liên Xô từng công tác tại Việt Nam trong các thời kỳ chiến tranh chia sẻ đánh giá về chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Thước phim hùng tráng

Ông Evgeni Glazunov - Tham tán công sứ Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam giai đoạn 1962-1965 kể: "Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 diễn ra khi chúng tôi đang là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường. Ngày đó, chúng tôi không nắm được nhiều thông tin về tình hình chiến sự, song tôi vẫn nhớ rất rõ chúng tôi đã nhảy lên hò reo khi biết tin nhân dân Việt Nam giành chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên. Ngày 7.5.1954, cả lớp chúng tôi đã chạy ùa ra sân và cùng hô vang “chiến thắng, chiến thắng” mặc dù nhiều người không hề biết Việt Nam nằm ở đâu trên quả địa cầu. Dĩ nhiên báo chí Liên Xô lúc đó nói và viết rất nhiều về tình hình chiến sự ở Việt Nam và qua những câu chuyện của người lớn, chúng tôi cũng được biết ít nhiều. Sau này khi đã ra công tác, tôi được các đồng nghiệp lớn tuổi hơn, những người đã trực tiếp giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kể lại rằng trận Điện Biên Phủ ở Việt Nam có thể được ví như trận Stalingrad ở Liên Xô."

 Ông Evgeni Glazunov - Tham tán công sứ Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam giai đoạn 1962-1965. (Ảnh: Cao Cường/Vietnam+)

Theo ông Evgeni Glazunov, sau 60 năm nghiên cứu giá trị và tổng kết thực tiễn, các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự khẳng định rằng chiến thắng Điện Biên Phủ là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, không chỉ mở ra con đường đi tới đàm phán Geneve giải phóng miền Bắc Việt Nam, mà còn làm thất bại chiến lược chiến tranh của đế quốc Pháp ở Đông Dương.

Các chuyên gia quân sự cũng nhận định đây là chiến thắng lịch sử, đã cho cả thế giới thấy kinh nghiệm và tài mưu lược quân sự của quân đội nhân dân Việt Nam. Giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ lớn đến mức tất cả các cường quốc dù lớn hay nhỏ đều xác nhận sự cần thiết phải nghiên cứu nghệ thuật tổ chức chiến tranh du kích và hình thức kháng chiến toàn dân của Việt Nam.

Ông Evgeni Glazunov kể tiếp: "Trong các lần đi công tác tại Việt Nam sau này, chúng tôi có nhiều dịp được tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy tài ba của quân đội Việt Nam. Qua trao đổi, chúng tôi cũng nhiều lần đề cập lại những sự kiện lịch sử của hơn nửa thế kỷ về trước. Qua câu chuyện với ông, chúng tôi hiểu tại sao Võ Nguyên Giáp lại được cả thế giới tôn vinh là bậc thầy số một về tài tổ chức chiến tranh du kích và kháng chiến nhân dân. Rất nhiều tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Tướng Giáp đã được dịch và phát hành bằng tiếng Nga và các chuyên gia quân sự của chúng tôi đến tận ngày nay vẫn còn tiếp tục nghiên cứu để phục vụ công tác lý luận và tổng kết kinh nghiệm. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một thước phim hùng tráng trong lịch sử vẻ vang của quân đội nhân dân Việt Nam."

Đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh du kích

Trong khi đó, Thiếu tướng Anatoli Pozdeev - cựu chuyên gia quân sự Liên Xô, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng của quân đội và dân nhân Việt Nam trước thực dân Pháp mà còn cả đế quốc Mỹ vì trước khi sang Việt Nam nhận nhiệm vụ, tướng Navarre đã đến Mỹ để thống nhất kế hoạch tái đô hộ Việt Nam, vi phạm cam kết hòa bình đã ký với Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đầu năm 1946.

Với kế hoạch tấn công thần tốc nhằm bẻ gãy khả năng phòng thủ của quân đội Việt Nam, quân đội Pháp đã tập trung lực lượng quân sự hùng hậu tại miền Bắc Việt Nam và ngoài khơi vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, âm mưu này đã nhanh chóng gặp thất bại đầu tiên khi phải đối mặt với chiến lược trường kỳ kháng chiến và chiến tranh du kích của quân đội Việt Nam. Bắt đầu từ vùng đồng bằng, quân đội Pháp đã dần phải rút lên vùng núi phía Bắc và sau nhiều thất bại bị dồn về cứ điểm cuối cùng là lòng chảo Điện Biên trước khi bị tiêu diệt hoàn toàn.

 Thiếu tướng Anatoly Pozdeev - cựu chuyên gia quân sự Liên Xô từng công tác tại Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. (Ảnh: Cao Cường/Vietnam+)

Theo Thiếu tướng Anatoli Pozdeev, có lẽ quân đội Pháp khi đó và cả sau này cũng không bao giờ hình dung được bức tranh một quân đội hùng mạnh với vũ khí hiện đại lại phải đối mặt và bị khuất phục trước một quân đội thô sơ, với những đoàn quân du kích ngày sản xuất đêm đánh giặc mà không ai nắm rõ được quân số thực tế. Người Pháp đã bất lực hoàn toàn trước cảnh đêm đêm hàng ngàn tấn lương thực và vũ khí được dân quân Việt Nam chuyển ra chiến trường để tập kích cho chiến dịch tổng tấn công trong khi lúc Mặt Trời lên không còn lại một dấu vết.

Cũng giống như phátxít Đức trong Thế chiến thứ hai, thực dân Pháp sau khi thất bại thảm hại ở Điện Biên đã tiến hành chiến dịch thông tin bóp méo sự thật nhằm gỡ gạc thể diện. Vì vậy, con số thiệt hại họ đưa ra thường không đúng với thực tế và chỉ những người trực tiếp cầm súng chống thực dân mới biết rõ bao nhiêu nghìn xác máy bay, xe tăng, tàu chiến và sinh mạng binh lính Pháp đã vĩnh viễn bỏ lại đất Việt Nam. Tuy nhiên, thế giới hiện đại cần và có quyền được biết sự thật để phán xét lịch sử một cách công bằng và khách quan. Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam và chiến thắng Stalingrad của Liên Xô cũng cần phải được tôn trọng và nhìn nhận như vậy.

Theo TTXVN