Các cấp Hội Nông dân tỉnh Bình Dương: Không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động

Thứ sáu, ngày 12/04/2013

Sáng nay (12-4), Hội Nông dân (HND) tỉnh chính thức khai mạc Đại hội Đại biểu lần thứ VIII nhiệm kỳ 2013- 2018. Nhân dịp này, P.V Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Vinh, Chủ tịch HND tỉnh về những việc đã làm được, cũng như những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Thông qua các phong trào thi đua, ND đã tích cực, chủ động sáng tạo xây dựng nhiều mô hình mới, hiệu quả. Trong ảnh: Nông dân SXKDG cấp tỉnh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm làm giàu tại Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua SXKDG tỉnh Bình Dương lần VI giai đoạn 2009-2012

- Ông có thể đánh giá những kết quả mà HND tỉnh đã làm được trong nhiệm kỳ qua?

- 5 năm qua (2008-2012), các cấp HND trong tỉnh đã năng động sáng tạo, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Các phong trào thi đua tiếp tục được phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế nông nghiệp, đổi mới nông thôn và cải thiện nâng cao đời sống ND. Các cấp HND trong tỉnh đã có những bước trưởng thành, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tổ chức hội các cấp được củng cố, đội ngũ cán bộ nhất là cán bộ chủ chốt phát triển cả về trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ. Cán bộ, hội viên ND đã có những đóng góp đáng kể vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền, khối đại đoàn kết toàn dân.

- Để đạt được kết quả đó, thời gian qua HND tỉnh đã làm gì, thưa ông?

- Để đạt được những kết quả đó, ngoài việc xây dựng, củng cố tổ chức hội, các cấp HND còn đẩy mạnh phong trào thi đua. Thông qua các phong trào thi đua lớn như phong trào ND sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng; phong trào ND thi đua xây dựng nông thôn mới; phong trào ND tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đã giúp ND có cuộc sống ngày càng ổn định, từ đó càng tin tưởng, gắn bó với tổ chức hội. Điển hình trong số đó phải kể đến phong trào ND SXKDG, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Theo số liệu thống kê, trong 5 năm, toàn tỉnh có trên 171.000 lượt ND đạt danh hiệu ND SXKDG các cấp. Đây là những ND biết phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai, tinh thần “dám nghĩ, dám làm” để vươn lên làm giàu chính đáng.

- Để HND tiếp tục là điểm tựa của ND, hội đề ra phương hướng hoạt động như thế nào?

- HND tỉnh xác định phương hướng hoạt động của hội và phong trào ND trong 5 năm tới là: Phát huy tinh thần “Dân chủ, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững”, là vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào ND và công cuộc xây dựng nông thôn mới, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng kết hợp chặt chẽ công tác tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, vận động hội viên ND tham gia xây dựng, giám sát, phản biện xã hội và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề, đáp ứng nhu cầu và lợi ích thiết thực của hội viên, ND; thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và góp phần cùng cả nước xây dựng giai cấp ND Việt Nam vững mạnh, có trình độ ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, giữ vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

- Giải pháp nào để thực hiện thành công theo định hướng đó, thưa ông?

- Trên cơ sở đó, HND tỉnh đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp gồm: Các cấp hội sẽ thực hiện nghiêm túc Kết luận số 61-KL/ TW ngày 3-12-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của HND Việt nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp ND Việt Nam giai đoạn 2010-2020”; Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10-5- 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc “HND Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”. Đồng thời, xây dựng tổ chức hội vững mạnh; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước của ND, hưởng ứng các phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”; mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ ND phát triển sản xuất; tham gia vận động, hướng dẫn ND phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

- Xin cảm ơn ông!

Toàn tỉnh hiện có 58.817 hội viên ND (trong đó có 58.752 hộ ND trực tiếp sản xuất nông nghiệp) với 530 chi hội, 2.056 tổ hội và 262 câu lạc bộ. Đa số ND đã nhanh chóng thích ứng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tiếp cận ngành nghề mới, mở mang dịch vụ, mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ giống mới vào sản xuất, nhận thức về nông nghiệp đô thị được hình thành và phát triển trong ND, đã có nhiều mô hình ND đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đô thị đạt hiệu quả.

 

THU THẢO (Thực hiện)