Các cấp công đoàn: Đồng hành với doanh nghiệp, hỗ trợ công nhân
(BDO) Nâng cao ý thức phòng dịch
Tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I (VSIP I), Ban giám đốc yêu cầu toàn thể 3.500 lao động của công ty phải cài đặt phần mềm ứng dụng khai báo thông tin y tế do bộ phận công nghệ thông tin của DN lập trình. Hàng ngày trước khi vào ca, CNLĐ phải khai báo thông tin những nơi đi đến, có tiếp xúc với những ca nghi nhiễm dịch bệnh theo thông báo của cơ quan y tế để được sàng lọc. Đồng thời, công ty đã đầu tư lắp đặt máy đo thân nhiệt và xịt dung dịch rửa tay sát khuẩn tự động để kiểm tra sức khỏe của CNLĐ trước khi vào làm việc, góp phần tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Những trường hợp đi hoặc đến những vùng có dịch hay tiếp xúc với người đi đến từ vùng dịch hoặc có những dấu hiệu nhiệt độ cơ thể cao sẽ được đưa xuống phòng y tế của công ty theo dõi và hướng dẫn đến trung tâm y tế gần nhất để kiểm tra sức khỏe. Đối với những nhân viên văn phòng ở TP.Hồ Chí Minh tạm thời công ty đang áp dụng hình thức ở nhà làm việc trực tuyến. Những trường hợp Ban giám đốc công ty yêu cầu tạm nghỉ việc ở nhà cách ly hoặc làm việc trực tuyến, CNLĐ vẫn được hưởng đủ lương và các chế độ khác.
LĐLĐ tỉnh và Công đoàn VSIP trao hỗ trợ cho 18 trường hợp CNLĐ ở Công ty TNHH Dunlopillo Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Mỹ Thương, Phó Giám đốc bộ phận xưởng vụ, Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam, cho biết công tác phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc đang được Ban giám đốc áp dụng mức độ cao nhất, rất nghiêm ngặt nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm trong CNLĐ. Do vậy, CNLĐ giữa các nhà máy, các xưởng sản xuất trong công ty, khách hàng cũng rất hạn chế việc qua lại tiếp xúc gần và liên hệ công việc trực tiếp. Việc ăn ca của CNLĐ cũng được chia nhỏ ra thành những múi giờ khác nhau, giữ khoảng cách, hạn chế tập trung đông người cùng một lúc... Đồng thời, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh theo những khuyến cáo của Bộ Y tế đã được công ty đẩy mạnh và tăng cường phát trên loa phát thanh nội bộ, cũng như treo băng rôn, baner và dán thông tin trong khu vực nhà xưởng, cổng ra vào để CNLĐ tiện theo dõi và làm theo.
Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc cũng đang được Công ty TNHH Tombow Việt Nam (VSIP I) triển khai nghiêm ngặt với phương châm “Vừa sản xuất vừa chống dịch”. Bà Đinh Thị Thoa, Chủ tịch CĐ cơ sở Công ty TNHH Tombow Việt Nam, cho biết ngoài đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng dịch trong CNLĐ, thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế, công ty còn quy định tất cả CNLĐ cũng như khách hàng trước khi vào công ty, ngoài công tác kiểm tra sức khỏe phải thực hiện khai báo y tế trên giấy hoặc qua hệ thông khai báo y tế online bằng mã QR. Khi CNLĐ khai báo có liên quan các trường hợp F hoặc đi đến vùng dịch tễ, sau khi rà soát, lập danh sách chi tiết bao gồm tất cả thông tin của người tiếp xúc, công ty sắp xếp làm việc ở khu vực riêng để theo dõi tình trạng sức khỏe.
Chăm lo cho CNLĐ
Để bảo vệ sức khỏe CNLĐ và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các DN, ngoài công tác đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, các cấp CĐ tỉnh cũng thường xuyên có khuyến cáo tới cán bộ, đoàn viên, CNLĐ về việc chủ động khai báo y tế khi có quá trình di chuyển, tiếp xúc liên quan đến các nơi có nguy cơ dịch tễ và trường hợp nghi nhiễm, những trường hợp đến hoặc trở về từ các vùng có dịch. Các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, CNLĐ tại DN hoặc nơi cách ly, phong tỏa cũng phải bảo đảm yêu cầu phòng dịch theo khuyến cáo của ngành y tế để ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm.
Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các CĐ cấp trên cơ sở chủ động thăm hỏi, động viên, chi hỗ trợ lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch, đoàn viên, CNLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 kể từ ngày 27-4. Theo đó, mức hỗ trợ cho đoàn viên, CNLĐ khu vực có quan hệ lao động (bao gồm cả DN, đơn vị chưa có tổ chức CĐ) là F0 đang điều trị bệnh, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch được hỗ trợ tối đa là 3 triệu đồng/người. Đoàn viên, CNLĐ (tại các DN, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí CĐ) là F1 phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, DN), không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người. Đoàn viên, CNLĐ có quyết định phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, có hoàn cảnh khó khăn; lao động nữ đang mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, mức hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/người...
ĐỖ TRỌNG