Ông Trịnh Đức Tài, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh

Các bệnh viện cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh

Thứ năm, ngày 17/11/2016

(BDO) Mặc dù được quan tâm đầu tư, nhưng trong quá trình hoạt động khám chữa bệnh (KCB), các cơ sở y tế (CSYT) cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc trao đổi với ông Trịnh Đức Tài, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh sau đợt giám sát các CSYT…

Ông Trịnh Đức Tài (thứ hai bên trái) cùng các thành viên Ban VH-XH HĐND tỉnh giám sát tại BV Y học cổ truyền tỉnh Ảnh:H.THUẬN

- Thưa ông, qua đợt giám sát của Ban VH-XH HĐND tỉnh tại các CSYT trên địa bàn tỉnh, ông có đánh giá như thế nào?

- Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về Chương trình hoạt động và giám sát năm 2016, Ban VH-XH HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát tình hình và kết quả thực hiện việc nâng cao chất lượng KCB tại các CSYT công lập trên địa bàn tỉnh. Mục đích đợt giám sát vừa qua đối với các CSYT trên địa bàn là nhằm xem xét việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước về việc nâng cao chất lượng KCB tại các CSYT công lập. Qua giám sát cho thấy, trước tình hình khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ công chức, viên chức của ngành y tế… nhưng ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp rất tích cực, thực hiện các quy định của Trung ương về quy trình KCB, cải tiến, nâng cao chất lượng KCB, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện KCB phục vụ nhân dân khá tốt.

- Ông có nhận xét như thế nào về chất lượng KCB của các CSYT qua đợt giám sát vừa rồi?

- Cùng với việc nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, các CSYT công lập thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực trong KCB, đổi mới thái độ phục vụ người bệnh, thực hiện đầy đủ hướng dẫn quy trình KCB, công khai các số điện thoại đường dây nóng tại các cơ sở KCB... Khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế của người dân ngày càng cải thiện, hưởng nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao tại địa phương, nhất là được KCB thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định của Bộ Y tế.

Trong công tác chuyên môn, ngành đã triển khai nhiều danh mục kỹ thuật theo phân tuyến và các kỹ thuật vượt tuyến, kỹ thuật mũi nhọn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng KCB và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngành đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình khám bệnh và cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian chờ đợi của bệnh nhân. 100% cơ sở KCB đều triển khai thực hiện việc tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ KCB thông qua đường dây nóng. Chất lượng các bệnh viện (BV) ngày càng được nâng lên, là cơ sở để UBND tỉnh phê duyệt Đề án BV vệ tinh cho các BV tuyến trên dưới sự chấp thuận của các BV hạt nhân theo quyết định của Bộ Y tế…

- Bên cạnh những kết quả đạt được, các CSYT cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình hoạt động. Điều này đã được đoàn giám sát ghi nhận như thế nào, thưa ông?

- Qua khảo sát, giám sát, Ban VH-XH HĐND tỉnh nhận thấy một số khó khăn và hạn chế mà ngành y tế đang gặp phải, như sau: Tính đến nay, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân hệ công lập là 3,08, dược sĩ đại học/vạn dân là 0,41 còn thấp so với yêu cầu của Bộ Y tế và mặt bằng chung của vùng. Việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực y tế còn bất cập so với yêu cầu hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân của ngành y tế, chủ yếu là thiếu cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao và sâu. Bên cạnh đó, năng lực đội ngũ của ngành chưa đồng đều ở các tuyến, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Tỷ lệ KCB bằng y học cổ truyền còn thấp. Việc thu hút số lượng bác sĩ chuyên khoa về công tác tại BV Đa khoa tỉnh gặp nhiều khó khăn, song số bác sĩ xin chuyển ra BV ngoài công lập ngày càng nhiều.

Hiện nay, Trung tâm Y tế của 2 huyện Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên do mới thành lập nên còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như các điều kiện, nhân lực phục vụ công tác KCB trên địa bàn; BV Y học cổ truyền tỉnh xuống cấp nặng nhưng chậm sửa chữa, nâng cấp kịp thời; một số dự án đầu tư mở rộng nhánh C của BV Đa khoa tỉnh tiến độ thực hiện chậm. Bên cạnh đó, việc thực hiện áp giá các dịch vụ KCB giữa người có BHYT và người chưa có BHYT còn nhiều bất cập. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB tuy đã được quan tâm, song vẫn còn nhiều BV chậm nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý nên dễ bị lạm dụng BHYT trong KCB để trục lợi. Việc thực hiện cấp phát thuốc và thanh toán viện phí tại các BV chưa được cải thiện nhiều, người dân còn phàn nàn vì mất nhiều thời gian chờ đợi...

- Những khó khăn đó của ngành y tế có được Ban VH-XH kiến nghị lên các cấp, các ngành thưa ông?

- Qua đợt giám sát, đoàn đã ghi nhận những khó khăn, vướng mắc mà các đơn vị đang gặp phải và sẽ có kiến nghị với các ngành chức năng, UBND tỉnh xem xét trong thời gian tới.

Với những kết quả đã đạt được và những khó khăn, hạn chế mà các CSYT đang gặp phải, Ban VH-XH HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo một số vấn đề như sau: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia mua bảo hiểm y tế và quyền lợi được KCB BHYT theo Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16-11-2015 của Bộ Y tế; đồng thời có giải pháp cụ thể nhằm thực hiện lộ trình nâng cao tỷ lệ BHYT toàn dân vào năm 2020; xây dựng và phê duyệt kế hoạch phát triển nhân lực trong hệ thống KCB giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định số 2992/QĐ- BYT ngày 17-7-2015 của Bộ Y tế; khẩn trương rà soát và điều chỉnh chính sách thu hút nguồn nhân lực của tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, trong đó có chính sách ưu tiên đối với ngành y tế; chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện “Chương trình hành động Quốc gia về nâng cao năng lực quản lý chất lượng KCB giai đoạn từ nay đến năm 2025” đã được Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 4276/ QĐ-BYT ngày 14-10-2015; rà soát lại Nghị quyết số 23/2012/ NQ-HĐND8 ngày 3-10-2012 của HĐND tỉnh khóa VIII về quy định giá một số dịch vụ KCB trong các cơ sở KCB công lập của tỉnh so với quy định Thông tư số 37/2015/ TTLT-BYT-BTC ngày 29-10- 2015 của liên Bộ Y tế và Tài chính để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy định; ngành y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thống nhất quản lý toàn diện các CSYT; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nhà nước về KCB BHYT, tránh trường hợp lạm dụng để trục lợi; các BV tuyến tỉnh, huyện cần tiếp tục nâng cao chất lượng KCB, xây dựng thương hiệu, chiến lược phát triển BV của mình để hướng tới thực hiện tự chủ hoàn toàn theo quy định của Bộ Y tế…

- Xin cảm ơn ông!

 

HỒNG THUẬN (thực hiện)