Cà phê sách: Không gian đọc cho người yêu sách
(BDO) Sách là kho báu tri thức quý giá của loài người. Cà phê là loại thức uống gắn liền với đời sống con người từ lâu. Sự kết hợp giữa sách và cà phê tạo ra không gian mới mẻ trong đời sống văn hóa của người đọc. Vài năm gần đây, Bình Dương đã bắt đầu xuất hiện cà phê sách, góp phần vào sự phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng nơi đây.
Nằm trong lòng đất Thủ, nhiều bạn trẻ đến với The Library Coffee (187 đường Yersin) như một điểm hẹn mới mẻ với không gian mang nét hoài cổ của nghệ thuật sắp đặt. Nơi đây có đàn, tranh, những kệ sách dọc bờ tường, sắp xếp khéo léo theo những góc ghế ấm áp, tất cả hòa quyện trong sắc màu mộc mạc. Sách và không gian hài hòa. Nhờ vậy cũng phần nào gây cảm hứng đọc. Với diện tích nhỏ gọn, trẻ trung, quán thu hút đa phần là giới trẻ. Đến đây người đọc được khám phá thế giới sách thuộc nhiều lĩnh vực, thư thả thì đọc tiểu thuyết, truyện ngắn, muốn nâng trình độ thì tìm sách chuyên ngành, giáo khoa, ngoại ngữ, ở đây cũng rất phong phú về sách thiếu nhi, truyện tranh, trinh thám...
Một góc không gian “The Library Coffee” phục vụ cho các bạn trẻ đọc sách
Để hiểu thêm cà phê sách, chúng tôi ghé qua Book Coffee (đường 30/4, P.PhúHòa, TP.Thủ Dầu Một). Theo quan sát, không hẳn những “con mọt sách” mới đến đây, bạn Trần Cẩm Tiên (đã làm việc 2 năm ở quán) cho biết, ngày thường thành phần doanh nhân, trí thức có khung làm việc tự do đến khá đông, ngoài nhu cầu đọc sách còn tìm không gian để làm việc, bàn bạc công việc. Các bạn trẻ hẹn hò, giao lưu thường chọn không gian thoáng mát ngoài trời, còn những ai đến vì sách thì chọn hai gian phòng (thư viện sách) có không gian riêng yên tĩnh để đọc. Nhiều người khi mới vào đây chủ yếu để thư giãn, nhưng lâu dần thì bắt đầu tìm sách để đọc và thành thói quen, họ thường xuyên đến đây như một chốn hẹn hò giữa người và sách. Do vậy quán phục vụ đa phần là khách quen, những người ở độ tuổi trung niên có phần nhỉnh hơn, chiếm 60%, vì ở đây có nhiều đầu sách chuyên ngành thuộc các lĩnh vực như: kinh tế, luật và kỹ thuật để họ nghiên cứu. Cuối tuần thì có các nhóm sinh hoạt ngoại ngư: Anh, Hoa, Hàn, Nhật. Không gian sách trở thành cái nôi để nuôi dưỡng và nâng cao kiến thức cho mọi người. Điểm đặc biệt là giới nữ đến đây khá đông, các bạn thiên về tiểu thuyết, sách tâm lý, một số thì mang sách ở nhà đến đọc hoặc làm việc. Bạn Nguyễn Thị Bích Trâm (cán bộ Tỉnh đoàn) tâm sự, bạn biết đến quán từ hai năm trước, đây là không gian thích hợp để bạn thư giãn, cũng tiện để học tập, làm việc riêng.
Theo nghiên cứu về“Thực trạng văn hóa đọc của thanh thiếu niên tại Bình Dương hiện nay” được Sở Khoa học và Công nghệ công bố vào tháng 5-2016, khảo sát trên hai nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên và người lao động trên địa bàn tỉnh, qua đó 45,5% học sinh, sinh viên và51% người lao động cho biết họ đang giảm dần thói quen đọc sách. Trung bình thanh thiếu niên dành khoảng 1 - 3 giờ/tuần để đọc sách, tương đương 25 phút/ngày và việc đọc này gắn liền với không gian tại nhà hay các thư viện lại khá ít. Điều đó cho thấy, để kích thích văn hóa đọc, đòi hỏi nhiều mô hình mới và phù hợp với sự phát triển xã hội, cà phê sách như không gian mát lành hòa vào dòng văn hóa đọc cho người dân trong tỉnh.
Vì còn non trẻ, những quán cà phê sách cũng đang tựthân phát triển từng ngày, các đầu sách không thể nói là đồ sộ nhưng phong phú về thể loại. Là quán cà phê nhưng các quán phục vụ đa dạng đồ ăn thức uống, chất lượng phù hợp với giá cả. Văn hóa phục vụ, thái độ của chủ lẫn khách có sự ý nhị, riêng tư, kết hợp âm nhạc nhẹ nhàng tạo được không khí khá thoải mái. Nơi đây thật sự là chốn yên tĩnh, lý tưởng cho người yêu sách học tập và làm việc.
Trước sự tiện nghi của công nghệ, sách báo, kiến thức đều được cập nhật nhanh chóng và rộng khắp bằng các phương tiện nghe nhìn hiện đại, thì đời sống của những cuốn sách vẫn có nhịp thở riêng, văn hóa đọc không hề mất đi mà tồn tại dưới nhiều hình thức mới mẻ. Cà phê sách trở thành khu vườn văn hóa, nơi đây văn hóa đọc được lưu giữ.
THÙY DƯƠNG