Cả nước có 2.100 doanh nghiệp ra đời trong tuần đầu tiên năm 2021

Thứ sáu, ngày 08/01/2021

(BDO)

 

Nơi làm thủ tục thành lập doanh nghiệp của Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Trong tuần làm việc đầu tiên năm 2021, cả nước đã có 18.000 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được xử lý với 2.100 doanh nghiệp thành lập, tăng 46% so với năm ngoái và tăng 55% so với cùng thời điểm bắt đầu thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2015.

Đây là thông tin được ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho biết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, tổ chức chiều 8/1, tại Hà Nội.

Theo ông Bùi Anh Tuấn, Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ 1/1/2021, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 01 năm 2021 về đăng ký doanh nghiệp với nhiều điểm đổi mới.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp với nhiều thủ tục khác.

“Việc Chính phủ ban hành Nghị định đầu tiên của năm mới về đăng ký doanh nghiệp ngay trong ngày làm việc đầu tiên (4/1) đã mở ra những hy vọng khởi sắc cho hoạt động phát triển doanh nghiệp,” ông Bùi Anh Tuấn bày tỏ.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, 5 năm qua, Bộ đã triển khai toàn diện các mặt về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; xây dựng, điều hành thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới sáng tạo, xây dựng các mô hình kinh tế mới và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

“Các đề án, báo cáo, kiến nghị tham mưu của Bộ đều nhất quán quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ, tập trung tháo gỡ khó khăn, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo nhằm tận dụng tối đa các cơ hội phát triển đất nước,” Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.

Trong bối cảnh tình hình trọng và ngoài nước thường xuyên có nhiều biến động, Bộ đã theo dõi sát sao và thường xuyên phân tích, dự báo tình hình để kịp thời đề xuất các giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ đã tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tận dụng tối đa các cơ hội phát triển từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong số các bài học kinh nghiệm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, tư tưởng đổi mới, sáng tạo, tư duy phát triển, có tầm nhìn là những phẩm chất thiết yếu của một người cán bộ kế hoạch và đầu tư.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp, trong năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong việc điều hành hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Theo dõi sát diễn biến, tình hình trong nước và quốc tế, kịp thời dự báo và chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó hiệu quả với những biến động, vấn đề mới phát sinh.

Tại hội nghị, lãnh đạo các vụ, cục của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày một số lưu ý quan trọng trong thực hiện các quy định về thi hành Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư…

Nhiều kiến nghị được các địa phương đưa ra tại Hội nghị, như hoàn thiện cơ chế điều phối phát triển các vùng kinh tế, tiếp tục hoàn thiện các quy định với các quy định hướng dẫn các luật mới…/.

Theo TTXVN

Từ khóa: