Cá nhân và pháp nhân trong bộ luật dân sự
(BDO) Địa vị pháp lý của cá nhân
Địa vị pháp lý của cá nhân thể hiện vị trí, vai trò của cá nhân đó trong quan hệ pháp luật và đi liền với nó là quyền lợi, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm pháp lý phát sinh. Là năng lực pháp luật và năng lực hành vi của cá nhân.
- Điều 16 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Năng lực dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự”. Mọi cá nhân đều bình đẳng về năng lực pháp luật và năng lực ấy có từ khi người đó sinh ra và không bị hạn chế, trừ trường hợp luật có quy định khác.
- Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân gồm: Quyền nhân thân không gắn liền với tài sản và quyền nhân thân gắn liền với tài sản; quyền sở hữu; quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản; quyền tham gia quan hệ dân sự và nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó. Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác.
- Điều 19 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự”. Năng lực hành vi của cá nhân có nhiều mức độ: Năng lực hành vi đầy đủ; năng lực hành vi một phần; không có năng lực hành vi; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi. Người đủ 18 tuổi được coi là có năng lực hành vi đầy đủ. Đối với người thành niên có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì tòa án quyết định chỉ định người giám hộ (Điều 23).
- Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Người chưa đủ 6 tuổi, giao dịch dân sự do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện; người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện hợp pháp đồng ý, trừ các giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi; người đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ các giao dịch liên quan đến tài sản phải đăng ký theo quy định của pháp luật.
- Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trường hợp mất năng lực hành vi dân sự của cá nhân (người mắc bệnh tâm thần, người mắc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình). Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Địa vị pháp lý của pháp nhân
Pháp nhân là những tổ chức có tư cách pháp lý độc lập để tham gia các hoạt động dân sự, kinh tế, xã hội... một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện: Được thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức rõ ràng; có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
- Có hai loại pháp nhân: Pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì không phân chia cho các thành viên.
- Địa vị pháp lý của pháp nhân thể hiện ở năng lực pháp luật mà pháp luật quy định cho pháp nhân. Trong đó địa vị pháp lý của pháp nhân còn được Bộ luật Dân sự 2015 quy định ở các quyền gắn liền với nhân thân của pháp nhân, như: Tên gọi, trụ sở, quốc tịch của pháp nhân; quyền thành lập, đăng ký, ban hành điều lệ của pháp nhân; quyền hợp nhất, sát nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức và giải thể pháp nhân (từ Điều 78 đến Điều 93).
- Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền và nghĩa vụ dân sự, phát sinh từ thời điểm được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập hoặc được cấp giấy đăng ký hoạt động và chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.
- Để tham gia các giao dịch dân sự, pháp nhân phải thông qua hành vi cụ thể của người đại diện. Khi pháp nhân không thực hiện đúng các quyền, nghĩa vụ dân sự của mình thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của pháp nhân.
Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Kế hoạch 711/KH-UBND ngày 13-3-2014 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.