Cả cuộc đời hy sinh thầm lặng cho cách mạng
Như bao bà mẹ khác, mẹ Nguyễn Thị Nghị và mẹ Phạm Thị Năm cũng vất vả một nắng hai sương để nuôi con. Chiến tranh đi qua, mẹ đã cống hiến những người thân yêu của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hình ảnh của mẹ luôn được Tổ quốc và nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn.
(BDO)
Sáng ngời tấm gương gia đình cách mạng!
Mẹ Nguyễn Thị Nghị (SN 1927, ngụ ấp 4, xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên) và các thành viên trong gia đình đều trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia cách mạng, được Nhà nước ghi nhận công lao, trong đó có 2 liệt sĩ đã ngã xuống cho hòa bình, độc lập của Tổ quốc.
Mẹ ôn tồn kể lại: “Tôi với ông nhà có tất cả 12 người con thì đa số đều tham gia kháng chiến, trong đó có 2 liệt sĩ, 1 đứa là thương binh, 2 đứa khác là người có công với cách mạng, được tặng thưởng huân chương kháng chiến. Còn bản thân tôi và ông nhà Võ Văn Gìn đều tham gia kháng chiến với vai trò là cơ sở mật” .
Câu chuyện đến đây có thêm sự tham gia của ông Võ Văn Dững (SN 1955), thoát ly từ năm 1968 gia nhập lực lượng hậu cần 814 của tỉnh, sau này là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3, Đại đội 3, Tiểu đoàn Phú Lợi, được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng II. Ông Dững là con trai thứ 5 của mẹ, cho biết: “Anh trai tôi là Võ Văn Dự thoát ly theo cách mạng khi chưa đầy 18 tuổi, tham gia Ban hậu cần 814 của tỉnh. Anh Dự hy sinh vào năm 20 tuổi (năm 1969) tại khu vực suối Ông Lấp (ấp 1, Vĩnh Tân ngày nay) khi đang trên đường cùng đồng đội nhận hàng tiếp tế cho đơn vị. Khi đến khu vực trên thì bị máy bay Mỹ phát hiện, bao vây xả đạn như vãi trấu vào người 2 chiến sĩ hậu cần. Người đồng đội đi cùng hy sinh, bản thân anh Dự bị thương nặng nhưng vẫn cố gắng dùng trái pháo dù ném trả quân giặc đang quần đảo quyết bắt sống cho được anh Việt cộng kiên cường, làm chúng tử thương không ít. Quyết không để rơi vào tay giặc, anh Dự vừa chiến đấu vừa giấu tài liệu, sổ sách dưới bờ suối sau đó chống trả oanh liệt với kẻ thù trước khi gục xuống. Sợ hãi và điên cuồng trước khí tiết của người cộng sản, giặc Mỹ đã dùng các sợi dây kẽm chì cột cứng tứ chi và đầu, căng anh tôi vào gốc cây cho đến chết. Sau đó, ông chú là Võ Văn Giờ, thuộc lực lượng C62, ở gần đó đã đến lấy xác, mang về chôn cất tại ấp 1”.
Con trai lớn hy sinh, nhưng mẹ Nghị vẫn không sờn lòng, mà càng cẩn thận hơn trong vai trò là mẹ chiến sĩ, cơ sở mật nuôi giấu bộ đội, cán bộ của ta. Ông Dững còn nhớ, sau đợt Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, thủ trưởng của ông là ông Tâm cùng ông Hai Lượng được mẹ ông dùng áo bà ba hóa trang thành 2 bà mua gánh bán bưng rồi mẹ đưa họ vượt qua khỏi vùng yếu địch đang cài răng lược, trở về đơn vị thành công. Nhắc đến đây mẹ nhoẻn miệng cười và kể: “Có lần tôi nuôi giấu trong hầm bí mật tại nhà mình một đồng chí cán bộ Y4 (đơn vị công tác thành, hoạt động bí mật) bị thương nặng. Sau 3 tháng, địch đánh hơi nghi ngờ cử quân ém phục gần nhà. Một đêm, chờ đến gần sáng, lựa lúc địch ngủ quên, tôi và ông nhà đưa đồng chí ấy ra khỏi vòng vây, bàn giao cho ông Sáu Phê đưa về đơn vị”. Cả 2 vợ chồng mẹ đều bị ghi vào “sổ bìa đen” của giặc, chúng đã ít nhất 1 lần bắt mẹ vào tù, tra tấn đủ kiểu suốt gần 1 tuần lễ nhưng không khai thác được nên đành thả. Riêng chồng mẹ là ông Võ Văn Gìn (cơ sở mật binh vận của Hậu cần 814, chuyên móc nối giao nhận hàng hóa) thì có đến 6 - 7 lần bị giặc bắt và tra tấn rồi thả vì không chứng cứ chứng minh “làm Việt cộng”.
Ông Võ Văn Lợi công tác ở địa bàn chiến khu Đ, khu vực Bàu Gốc, Bình Mỹ. Năm 1972, ông Lợi cùng 5 đồng đội lọt vào ổ phục kích của giặc Mỹ, chúng chấm mìn giết chết một lượt 6 người, chôn chung trong hố bom. Chị Bồ Thị Thanh Tuyền, cán bộ TBXH của xã Vĩnh Tân, cho biết thêm 1 người con hy sinh, lòng quặn đau dữ dội, nhưng mẹ động viên chồng, con hoàn thành tốt nhiệm vụ, riêng mẹ thì bám trụ địa bàn, nổi tiếng là bà mẹ hết lòng vì cách mạng. Mẹ được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng II và vừa được phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Chung một lý tưởng
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cũng là trụ sở của Tổ từ thiện thuốc nam phục vụ miễn phí cho bà con lao động nghèo, chị Đỗ Thị Bảy (người con thứ bảy trong gia đình gồm 13 người con, trong đó có 2 liệt sĩ là Đỗ Văn Dũng và Đỗ Văn Hùng cùng hy sinh trong năm 1969) cho biết: “Mẹ tôi là bà Phạm Thị Năm (SN 1920) đã không được may mắn chờ đến ngày được nhận danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Vì tuổi già sức yếu, mẹ đã mất vào năm 2014 khi thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu trên sắp sửa hoàn tất…”.
Chị Đỗ Thị Bảy kể lại: “Gia đình tôi quê gốc ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, nhưng anh tôi thì có 1 người hy sinh ở chiến trường tại Vĩnh Long. Lúc đó, tôi đã được 18 tuổi, đang là giao liên tại địa phương và được các đồng chí, đồng đội mình kể lại thì đó cái chết rất oanh liệt của anh Dũng. Sau khi các anh chị đầu mất sớm, anh Dũng trở thành anh cả trong gia đình, phụ giúp làm ruộng, chăn trâu nuôi đàn em nhỏ. Khi mới 15 tuổi, anh tôi vì không chịu được sự tàn ác của kẻ thù gây ra nên đã lên đường nhập ngũ vào tháng 1-1951 và trở thành chiến sĩ gan dạ, dũng cảm của Tiểu đoàn Trinh sát 857 chiến đấu trên chiến trường Vĩnh Long. Trong ký ức của các đồng đội, anh Dũng được nhắc mãi khi dũng cảm, mưu trí, táo bạo đột nhập sân bay Vĩnh Long và đếm chính xác số lượng và vị trí cất giấu của những chiếc máy bay địch. Trên đường trở về căn cứ, anh bị địch càn quét phát hiện, bắn gãy chân, mưu trí nhảy xuống sông, rồi bơi đi, chui vào nấp trong đống rơm gần bờ ruộng. Anh Dũng trốn trong đống rơm 1 tuần lễ trong tình trạng vết thương lở loét, mất máu nhiều, hành sốt, chỉ còn thoi thóp may được cơ sở phát hiện, đưa về tuyến sau cấp cứu nên thoát chết”.
3 tháng sau, vừa lành vết thương, anh Dũng lại xung phong trở lại nhiệm vụ trinh sát và lần thứ 2 bị chết hụt. Lúc đó anh cùng 1 đồng đội bơi xuồng trinh sát tình hình địch ở khu vực cầu xã An Khánh, huyện Bình Minh, Vĩnh Long thì bị thám báo phát hiện, bắn bị thương cả 2 người nhưng anh vẫn cố chống trả anh dũng, gây thương vong cho địch. Nhờ đồng đội tiếp ứng kịp thời nên anh và bạn chiến đấu thoát chết. Nhưng ở lần thứ 3 thì anh phải vĩnh viễn nằm xuống sau khi bị máy bay giặc dùng hỏa lực mạnh tiêu diệt cùng lúc với 4 đồng đội và rồi 5 ngôi mộ được xếp thành hàng dài ở bờ Xoài.
Vẫn lời chị Bảy, “7 tháng sau, vào ngày 7-11-1969, đến lượt người anh thứ 6 là Đỗ Văn Hùng, du kích xã An Nhơn, huyện Châu Thành, Đồng Tháp cũng hy sinh trên đường công tác. Mẹ tôi như chết lặng trước cái chết của 2 người anh chỉ diễn ra trong vòng 7 tháng. Nhưng mẹ vẫn kiên cường, nuốt nỗi đau vào trong, tiếp tục động viên chồng, con bền lòng, yên tâm công tác. Ba tôi là ông Đỗ Văn Báo, được công nhận là thương binh loại 2/4 sau khi bị thương trong nỗ lực gỡ mìn. Sau đó, em trai thứ 11 của tôi tiếp tục gia nhập lực lượng du kích xã vào năm 1974, bị thương ở chiến trường Campuchia, xếp hạng thương binh 2/4. Bản thân tôi sau năm 1969 về Bình Dương sinh sống và sau giải phóng thì đón mẹ tôi về ở cùng cho đến ngày mất”. Anh Bồ Văn Toàn, cán bộ TBXH phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên, cho biết: “Bản thân mẹ Năm và gia đình nhận được nhiều sự quan tâm phụng dưỡng từ cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương. Hiện tại, mẹ có người cháu ngoại, con cô Bảy đang là Tham mưu trưởng, Phó Chỉ huy trưởng, Ban CHQS TX.Tân Uyên (ông Lâm Minh Sử), tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình trên đất Bình Dương”.
CHÍ THANH