Bưu điện văn hóa, đài truyền thanh xã, phường: Cần hướng đi mới

Thứ ba, ngày 11/10/2011

 Đài truyền thanh (ĐTT) là công cụ truyền thông hữu ích của Đảng và Nhà nước trong việc chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới quần chúng nhân dân, đồng thời chuyển tải tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân lên với Đảng. Tuy nhiên hiện nay, các ĐTT cơ sở đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập khó có thể duy trì hoạt động, phát huy hiệu quả.

 Đài truyền thanh có còn hợp thời (!?)

 

Các cán bộ ĐTT công việc nhiều nhưng chế độ hỗ trợ lại quá ít

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 91 ĐTT tại các xã, phường, thị trấn, trong đó có 49 ĐTT không dây, mỗi ĐTT được đầu tư từ 1 - 2 máy phát tăng âm có công suất từ 500W - 1.000W (hệ thống loa có dây) và máy FM phát sóng tần số thấp có công suất từ 25W - 50W (hệ thống loa không dây). Các ĐTT do UBND cấp xã, phường quản lý, tổ chức hoạt động. Từ khi được đầu tư, lắp đặt, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng, các trạm truyền thanh cơ sở đã thực sự phát huy được vai trò của mình trong việc góp phần cùng với ĐTT Trung ương, tỉnh, huyện chuyển tải một cách nhanh nhất các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các thông tin thời sự, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật, các mô hình, điển hình tiên tiến tới người dân. Qua đó nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, người dân đã biết vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa trên cùng một đơn vị diện tích canh tác, qua đó từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, vươn lên xóa đói giảm nghèo.

 

Cơ sở vật chất của các ĐTT đang dần bị xuống cấp (ĐTT xã Tân Long, Phú Giáo) Ảnh: Hoàng Phạm

 

Tuy nhiên, xã hội càng ngày phát triển đã làm mất dần đi những thói quen cũ và phát sinh những nhu cầu mới. Nhu cầu nghe đài qua loa truyền thanh, nghe nhạc qua đài bán dẫn cũng dần bị thay thế bởi nhu cầu tiếp cận các phương tiện nghe nhìn mới hiện đại và chất lượng hơn. Do vậy, việc xác định hướng đi mới cho ĐTT cơ sở hiện nay là rất cần thiết. Theo ông Trần Ngọc Hải, cán bộ ĐTT xã Tân Long (Phú Giáo) tâm sự: “Trước đây, mỗi lần phát thanh, người dân tập trung nghe rất đông. Nhiều lúc đài có trục trặc kỹ thuật, tạm nghỉ vài ngày không phát thanh, người dân đến tận phòng phát thanh để hỏi thăm. Bởi vậy, người làm cán bộ truyền thanh như chúng tôi cũng cảm thấy “ấm lòng”. Hiện nay, các phương tiện thông tin, báo, đài, truyền hình phát triển manh, ít nhiều đã “chiếm lĩnh” một phần khán giả của đài, từ đó vị trí của ĐTT ngày một mất “chỗ đứng” trong lòng công chúng”.

Theo bà Hoàng Lệ Chi, Phó Chủ tịch UBND TX.Dĩ An, mỗi ĐTT chỉ có 1 biên chế nhưng phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc nên việc tập trung cho công việc chưa cao. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn của cán bộ truyền thanh xã còn hạn chế, chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ nên việc xây dựng chương trình phát thanh tại địa phương chưa thực hiện được tốt nên thiếu thu hút được sự quan tâm của nhân dân. Ngoài ra, mức thu nhập của cán bộ truyền thanh xã, phường còn thấp nên họ chưa thật sự tâm huyết với nghề. Bên cạnh đó, chương trình các buổi phát, giờ phát, điểm đặt loa, kèn sao cho người dân cảm thấy không bị âm thanh “tra tấn”, làm phiền.

Giải pháp đưa “nhà đài” gần với dân

Để “nhà đài” được người dân xem như nhà mình, trong thời gian qua, Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH) HĐND tỉnh đã tổ chức đợt khảo sát các ĐTT của 3 huyện, thị (Bến Cát, Phú Giáo, TX.Dĩ An) và tổ chức cuộc họp với lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình... để đưa ra ý kiến cụ thể. Nhiều ý kiến khẳng định, có thể nói ĐTT là một công cụ hữu ích của Đảng và Nhà nước trong việc chuyển tải thông tin đến người dân. Cho đến nay cũng chưa có một phương tiện nào có thể chuyển tải thông tin tới người dân nhanh và rộng như phát thanh và lợi ích kinh tế - xã hội của nó là không nhỏ. Tuy nhiên để cho hệ thống phát thanh, nhất là các trạm truyền thanh cơ sở hoạt động có hiệu quả rất cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương bằng những chủ trương, chính sách cụ thể. Tránh để tình trạng đầu tư xong rồi bỏ ngỏ, vừa hao tốn tiền của của Nhà nước, lại không mang lại lợi ích cho nhân dân.

Ông Nguyễn Minh Giao, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh đề nghị, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương từ nay đến năm 2012 cần phối hợp với các ban, ngành mở các lớp đào tạo cho cán bộ phụ trách ĐTT về công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng thiết bị, cách viết tin, bài để phục vụ công tác tuyên truyền ở địa phương. Bên cạnh đó, Sở TT-TT cần phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình đưa ra phương án chọn loa, kèn phù hợp để phát thanh; đồng thời các địa phương cần lựa chọn hình thức truyền thanh có dây hoặc không dây theo đặc điểm của từng địa phương, hàng tháng, Ban Tuyên giáo các huyện, thị sẽ định hướng tuyên truyền cho các ĐTT xã, phường theo sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Đối với chính sách hỗ trợ nhuận bút cho cán bộ truyền thanh, lãnh đạo các xã, phường, thị trấn cần quan tâm hơn nữa để cán bộ truyền thanh thấy được công sức mình bỏ ra là xứng đáng.

THIÊN LÝ