Buồn vui quanh quả bóng tròn!
Các CLB bóng đá của Việt Nam hiện nay, đa phần là do các ông chủ tư nhân đầu tư. Tất cả các ông bầu tư nhân lẫn Nhà nước ở các CLB, cho đến nay đều chưa kiếm được lợi nhuận từ thuần túy kinh doanh đội bóng mà mình sở hữu.
Chuyện xứ người
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An, thẳng thắn: “Tôi nói điều này có thể động chạm đến nhiều người đang làm bóng đá. Đó là sự lãng phí rất lớn từ thị trường bóng đá đang biến dạng bởi một cuộc đua tiền không lành mạnh trong khi đời sống xã hội còn rất nhiều khó khăn. Tôi đi các nước, ngồi với nhiều nhà làm bóng đá và xót khi họ hỏi bình quân thu nhập của người dân Việt Nam, sau đó họ hỏi sang tiền chi cho các CLB, cho mua cầu thủ, cho lót tay... Nghe xong, họ nhíu mày và không tin được chúng ta đang làm bóng đá kiểu gì. Tiền làm ra từ mồ hôi và nước mắt chứ đâu phải rác mà cứ vung vít bừa bãi, trong khi xã hội còn nhiều người nghèo khổ, chỉ vài trăm ngàn đồng một tháng lương mà có khi vẫn bị thất nghiệp. Bóng đá ta giờ có nhiều người nướng tiền kiểu đấy và tôi không biết sẽ nướng đến bao giờ”.Muốn mang về những nụ cười chiến thắng cho đội nhà, nhiều ông chủ mê bóng đá ở Việt Nam phải đầu tư rất nhiều tiền
Lo lắng của ông Thắng là xác đáng. Bởi khác xa tính nghiệp dư của chuyện “xã hội hóa” ở ngành thể thao Việt Nam, các CLB ở châu Âu đều tự kiếm sống và làm giàu bằng nghề kinh doanh bóng đá. Dĩ nhiên hàng năm có báo cáo lãi, lỗ rất đàng hoàng. Mới đây nhất, ông bầu Houllier đang đứng trước nguy cơ phải thu nhỏ đội hình khi đội bóng Aston Villa của Vương quốc Anh đang tìm cách giảm bớt gánh nặng tiền lương sau khi công bố mức lỗ 37,6 triệu bảng trong năm tài khóa vừa kết thúc. Các khoản lương tại CLB tăng 9 triệu bảng, lên mức gần 80 triệu bảng và nay chiếm tới 88% tổng doanh thu 90 triệu bảng của Villa, vốn đã tăng 6 triệu trong mùa giải trước. Con số này gồm khoản 52 triệu bảng tiền truyền hình, 24 triệu tiền bán vé các trận đấu và 14,4 triệu bảng từ hoạt động kinh doanh thương mại. Doanh thu tăng khiến Villa lần đầu tiên được lọt vào nhóm 20 CLB kiếm được nhiều tiền nhất ở Âu châu.
Tuy nhiên, khoản thua lỗ hồi mùa bóng vừa rồi thấp hơn 9 triệu bảng so với mùa trước nữa, nhưng chủ nhân của Aston Villa đã cung cấp thêm 12,5 triệu bảng cho CLB với việc phát hành cổ phiếu mới và thêm 12,5 triệu bảng nữa dưới dạng khoản vay. Khoản tiền triệu đó rót vào CLB nhằm đáp ứng các quy định, sẽ có hiệu lực từ mùa bóng 2012-2013, đòi hỏi những đội tham dự các giải đấu Âu châu phải bảo đảm cân đối thu chi trong mỗi thời gian 3 năm. Các CLB sẽ chỉ được phép thua lỗ khoảng 39 triệu bảng trong tổng mỗi giai đoạn 3 mùa bóng liên tiếp.
Doanh nghiệp “đá bóng”
Cánh phóng viên kinh tế đùa rằng các CLB bóng đá Việt Nam ra sân để cho các ông chủ đội bóng “đá” trên chốn thương trường là chính. “Đầu tư vào bóng đá là một vốn bốn lời. Lời thứ nhất là thương hiệu, thứ hai là ấn tượng thương hiệu trong lòng người xem, thứ ba là hiệu quả kinh doanh và thứ tư là thể hiện được nội lực của doanh nghiệp (DN)” - một doanh nhân xác nhận vậy.
Với nhiều lợi thế hấp dẫn nên bóng đá đã thu hút khá nhiều DN rót tiền vào dưới nhiều hình thức khác nhau, như tài trợ, nuôi riêng đội bóng (hoặc ngắn hạn với từng mùa giải, hoặc dài hạn), thành lập các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ... Vài năm trở lại đây, có rất nhiều thương vụ kiểu như vậy. Chẳng hạn, Ngân hàng Á Châu trút hầu bao cho đội bóng đá Hà Nội để sở hữu đội bóng Hà Nội ACB, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đầu tư bạc trăm tỷ cho đội bóng HAGL, Công ty Đồng Tâm mấy mùa trước cũng mạnh tay chi cho đội bóng Đồng Tâm - Long An...
Chỉ trong 90 phút thi đấu, thương hiệu của DN tài trợ cho bóng đá sẽ để lại ấn tượng khá sâu đậm trong lòng người xem. So với chi phí cho một quảng cáo khoảng 1, 2 phút trên truyền hình mất vài trăm triệu đồng thì đây là cách làm thương hiệu vừa rẻ vừa hiệu quả. Xét ở góc độ kinh doanh, một DN có tên tuổi cũng đồng nghĩa với việc DN đó “lên hạng” rất nhanh.
Bỏ gôn, buông bóng
Ông Đoàn Nguyên Đức nhận định: “Đầu tư vào bóng đá là “con dao hai lưỡi”, bởi khi có tiêu cực bóng đá thì tên tuổi nhà tài trợ ít nhiều cũng bị ảnh hưởng”. Còn nhớ trước đây, ông Trần Phương Bình (Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á) từng cho rằng, để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh thì không gì bằng đầu tư vào bóng đá. Đội bóng dù thắng hay thua cũng vẫn được nhiều người bàn tán và trong tiềm thức của họ, thương hiệu của DN đã được nhắc đến. Song, sau vụ bê bối về việc đội bóng mua chuộc trọng tài, Ngân hàng Đông Á đã phải từ bỏ bóng đá để bảo toàn uy tín thương hiệu. Tương tự, đang tài trợ cho CLB Bóng đá Tôn Hoa Sen - Cần Thơ nhưng ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group, cũng quyết định rút lui khỏi các hoạt động tài trợ cho đội bóng Cần Thơ vì... đã quá mệt mỏi với những hiện tượng tiêu cực như việc mua bán điểm.
Ông Vũ nói: “Khi kinh doanh, tôi chọn cách xây dựng thương hiệu thông qua việc tài trợ cho bóng đá. Tuy nhiên, sau một thời gian tham gia lĩnh vực này, tôi thấy mình như một cậu học sinh ngờ nghệch lạc vào một sòng bạc. Bóng đá Việt Nam có quá nhiều chuyện tiêu cực và biến tướng thành muôn hình vạn trạng khó đoán. Tất cả những gì báo chí nêu ra chỉ là 1/10 những chuyện phức tạp bên trong khiến tôi rất mệt mỏi”.
Ở đây còn có vấn đề là nếu không đầu tư, đội bóng khó lòng thi đấu tốt nhưng đầu tư bao nhiêu là đủ và đầu tư để làm gì lại là câu hỏi mà chính các ông bầu cũng không giải quyết được. Đơn cử, để vô địch nhất định phải dốc tiền ào ào vào CLB nhưng chức vô địch ở Việt Nam ngoài danh vị ra, chẳng có thêm gì. Có năm, đội vô địch chỉ nhận phần thưởng là 1 tỷ đồng, chưa bằng tiền thưởng nóng của bầu Đức cho một trận đấu mà ông thích. Thành ra, khi đã vô địch, nhiều ông bầu phải đối diện với câu hỏi: Có nên đầu tư nữa không? Nếu không chi thêm tiền, thành tích sẽ kém, ảnh hưởng đến tên tuổi. Chính vì vậy, dù là người giàu có, mê bóng đá cực kỳ nhưng bầu Kiên chỉ đầu tư cầm chừng cho Hà Nội ACB trên tư cách cá nhân dù ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị sáng lập ra ngân hàng này.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An, nhìn nhận: “Năm nào chúng tôi cũng chi nhiều hơn năm trước, nhưng tôi xác định là sử dụng đồng tiền đúng mục đích và giá trị của nó, bởi tiền thường đi kèm với mồ hôi và nước mắt. Tôi nghĩ anh Đoàn Nguyên Đức cũng có cùng quan điểm như tôi. Ở những mùa bóng gần đây, anh ấy đủ sức bỏ ra số tiền lớn đầu tư để vô địch V-League nhưng để làm gì? Xã hội còn nhiều việc phải làm ngoài bóng đá, đặc biệt là dành cho trẻ em và người già...”.
NGUYỄN HỒNG PHÚC