Buồn vui chuyện nghề
Vậy rồi tôi cũng trải qua 7 năm làm báo. Thời gian và bao nhiêu sự kiện cuốn trôi, nhanh đến nỗi tôi không kịp nhận thấy mình già, nếu cơ quan không có thêm một số người trẻ và một vài đồng nghiệp cha chú cùng cơ quan ngày nào nay xấp xỉ tuổi hưu.
Làm báo tỉnh, không nặng lắm cảnh bon chen, cạnh tranh tin tức, là chuyện của cách đây 10 năm. Còn bây giờ, khi báo tỉnh của chúng tôi trở thành nhật báo và có báo mạng cập nhật thông tin hàng ngày, phóng viên chúng tôi cũng phải “đua” mọi lúc, mọi nơi, để được “bằng chị, bằng em”. Nhất là khi địa phương có sự kiện gì nổi bật, dân báo tỉnh chúng tôi tự nhiên quan trọng hẳn. Bạn bè xa nhau từ khi rời giảng đường, bao năm không liên lạc, vậy mà lùng được cả email, điện thoại, rồi í ới hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm công việc. Và điều quan trọng không quên là: “Bắn giùm thông tin liên quan đến chuyện A, chuyện B đang diễn ra ở chỗ mày, chỗ cậu... gấp nhé”. Bởi vậy mà đôi khi, chỉ sự kiện đó, cơ quan đã có cử người làm, chúng tôi vài ba người khác cũng lò dò đi lấy thông tin, để vừa bí mật, vừa công khai san sẻ với bạn bè. Cũng có khi chạy hàng chục cây số đến nơi, chỉ để gắn mình với cái sự kiện mà độc giả quan tâm đang diễn ra trên đất mình.
7 năm làm báo, tôi cũng không khác gì dân trong nghề, là chúng tôi tự mình bóc lột tối đa sức lao động của mình. Không bóc lột cũng không được vì cứ bị cuốn theo hết sự kiện này đến sự kiện khác. Cứ có vấn đề thời sự thì tất tả đi, tất tả viết để kịp thông tin đến bạn đọc. Với chúng tôi, thứ bảy, chủ nhật, lễ, tết đều là giờ hành chính. Vất vả với nghề là thế, nhưng nếu một vài ngày không viết, chúng tôi sẽ bị lãng quên do tuổi thọ của một bài báo quá ngắn. Bởi vậy, nếu không có lòng tự trọng nghề nghiệp, nhiều người sẽ rơi vào tình trạng viết vô thưởng, vô phạt, vì sợ độc giả quên mất tên mình.Làm báo, chúng tôi có điều kiện đi nhiều, gặp gỡ nhiều và chạm nhiều hơn đến những hoàn cảnh đáng thương. Mỗi một phận người khó khăn là một động lực để chúng tôi phấn đấu, vì mình còn may mắn. Đó cũng là điều mà chúng tôi không ngại xoay trở, đôi khi tự thấy mình như một người “ăn mày” hiện đại. Chúng tôi không ngại xin. Cũng may, quanh chúng tôi có khá nhiều người tốt. Họ sẵn sàng chia sẻ với những hoàn cảnh không may mà chúng tôi đã đem về: một ngôi nhà tình thương, một suất học bổng, vài món quà cho trẻ nghèo nhân dịp Tết Trung thu hay 1-6... những hạnh phúc đó đang từng ngày nhân lên hạnh phúc nghề nghiệp của chúng tôi.
Bây giờ tôi đã trưởng thành và tự tin hơn với cái nghề mà mình đã chọn. Viết báo đã trở thành một thói quen mà nếu không làm tôi cứ thấy bứt rứt. Chỉ một điều tôi vẫn chưa quen được cho đến giờ, đó là rất sợ ai đó gọi mình là nhà báo, nghe cứ thấy quan trọng và xa cách thế nào. Với tôi, nhà báo là chức danh gắn liền với trách nhiệm xã hội, đó là nghiệp chứ không đơn thuần chỉ là nghề. Tôi không muốn gắn lên mình, khi chưa thực sự xứng đáng.
NGỌC THANH