Buôn bán “vũ khí tự vệ” trên mạng xã hội: Hậu quả khó lường!

Thứ ba, ngày 09/10/2018

(BDO) Hiện tình trạng buôn bán vũ khí, công cụ hỗ trợ đang nở rộ trên mạng xã hội. Lấy danh nghĩa “vũ khí tự vệ”, “công cụ phòng vệ”... nhiều cá nhân ngang nhiên rao bán một cách công khai công cụ hỗ trợ, vũ khí, vật liệu nổ bất chấp quy định của pháp luật…


Một số loại vũ khí nguy hiểm được rao bán công khai trên mạng xã hội

Mua bán vũ khí online một cách dễ dàng

Trong vai một người cần mua một vũ khí tự vệ, P.V kết nối với một facebooker chuyên bán “hàng nóng” trên trang fanpage chuyên dịch vụ mua bán tại Bình Dương. Người bán lấy tên “P. Thái tử” sinh sống tại TP.HCM nhưng rao bán hàng vũ khí phòng vệ ở rất nhiều trang mạng xã hội, kể cả các trang mua bán, dịch vụ ở Bình Dương.

Vào trang cá nhân thì thấy người bán không để ảnh thật làm ảnh đại diện, không có thông tin cá nhân nhiều ngoài dòng giới thiệu duy nhất “làm việc tại Học viện Hàng không Việt Nam”. Khi được hỏi về các loại công cụ được rao bán thì người này tư vấn rất nhiệt tình, nào là nếu “thực chiến” thì nên dùng loại nào, nếu “tự vệ” thì nên mua loại nào, thông số và tính năng của từng loại vũ khí ra sao... 

Có một số trang còn mua bán linh kiện, các bộ phận lắp ráp súng như súng hơi, súng săn... và hướng dẫn chi tiết cách tháo ráp súng. Không khó khăn để tìm kiếm trên facebook clip với tiêu đề: “Vì sao phải mua súng bắn đạn bi để phòng thân?”. Tại đây, trong nền nhạc du dương, một nhân vật giấu mặt đã tỉ mỉ hướng dẫn thao tác sử dụng, lắp ráp súng K54 bắn đạn bi sắt 6mm. Phía trên clip, người bán để lại số điện thoại di động để tiện liên hệ. Cuối clip, nhân vật đăng phụ đề “nhắc nhở”: “Khẩu súng này rất nguy hiểm, để xa tầm tay trẻ em. Người trên 18 tuổi thận trọng khi sử dụng”. Một clip khác vừa được phát trực tiếp vài ngày gần đây rao bán mặt hàng súng điện với lời giới thiệu “đạn rất khỏe”. Nhân vật này còn “dùng súng bắn thử nghiệm cho anh em tiện hình dung” và không quên nhắn gửi “Shop không chịu trách nhiệm khi anh em dùng súng vi phạm pháp luật”.

Khi P.V hỏi “có thể gặp trực tiếp để hướng dẫn cách sử dụng không?” thì facebooker này lảng tránh và cho biết chỉ có nhân viên bên bưu điện đi giao hàng; muốn hướng dẫn thì nhắn tin trên Facebook là được. Một Facebooker khác nhiệt tình tư vấn khi được hỏi về dùi cui điện: “Bên em có dùi cui điện loại 20cm, 40cm và 60cm, giá từ 600.000 - 1.500.000 đồng, sản phẩm chất lượng tốt, giá rẻ”. Khi được hỏi về số điện thoại, địa chỉ và giao dịch trực tiếp thì nhân vật này từ chối.

Tương tự như vậy, một số trang facebook khác cũng đăng các bài viết mua bán “hàng nóng” với nhiều tên gọi như: Mua bán vũ khí tự vệ - uy tín - chất lượng; shop mua bán vũ khí tự vệ, nơi mua bán vũ khí tự vệ…Ở các trang này, hình ảnh các loại công cụ hỗ trợ được đăng công khai, khách hàng chỉ cần thao tác đơn giản là nhấp vào loại vũ khí mình cần mua và hỏi giá thì sẽ có người nhắn tin tư vấn nhiệt tình. Có trang fanpage còn để lại số điện thoại người bán trên “tường” của mình để khách hàng dễ liên hệ và tư vấn.

Trên một trang fanpage có lượt người theo dõi khá lớn, một đối tượng công khai livestream bán công cụ hỗ trợ, thậm chí còn kêu gọi mọi người chia sẻ thì sẽ được giảm giá và tặng quà khuyến mãi. Tại đây, người bán lần lượt cầm từng sản phẩm như: Kiếm Nhật, dùi cui điện, dao, đèn pin chích điện, bình xịt hơi cay… để giới thiệu về kích thước, tính năng hoạt động cũng như giá cả từng sản phẩm. Nhân vật này cho biết nếu mua hàng với số lượng lớn sẽ được giảm giá và tặng quà….

Tuy là mặt hàng cấm, có thể sát thương, nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng các công cụ hỗ trợ lại được rao bán công khai, mua bán dễ dàng. Hàng ngày, vũ khí mang tính sát thương cao vẫn được rao bán tràn lan, công khai và người mua chỉ thao tác đơn giản như mua một bó rau hay cái áo. Thực tế, việc công khai rao bán những loại hung khí, công cụ hỗ trợ mà không được cấp giấy phép, cũng không hề rõ nguồn gốc xuất xứ rất đáng lo ngại và nguy cơ tiềm ẩn những hệ lụy nguy hiểm khi tồn tại việc kinh doanh trái phép mặt hàng này. Khi các loại vũ khí nguy hiểm được bán dễ dàng trên thị trường như vậy thì hậu quả ảnh hưởng đến tình hình ANTT khó ai lường trước được?

Cần xử lý nghiêm

Theo Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì bình xịt hơi cay - hơi ngạt, dùi cui điện… là công cụ hỗ trợ - nghiêm cấm tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán. Trên thực tế, hiện nay các công cụ hỗ trợ đang được công khai rao bán trên các website và mạng xã hội ngày càng phổ biến. Thượng tá Nguyễn Văn Lược, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH Công an tỉnh, cho biết: “Về tính năng, độ sát thương của các loại vũ khí tự chế rất lớn nhưng kết quả giám định của Phân viện Khoa học hình sự - Bộ Công an hầu hết xác định súng săn, súng hơi không phải là vũ khí quân dụng nên chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự đối với những người vận chuyển, mua bán. Mặt khác, khi đối tượng mua hoặc bán chưa có tiền án tiền sự thì cũng không thể xử lý hình sự được mà chỉ xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Bên cạnh đó, phương thức, thủ đoạn của đối tượng tàng trữ, buôn bán công cụ hỗ trợ, vũ khí các loại rất tinh vi trong khi nhận thức về pháp luật của nhiều người mua mặt hàng này, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên còn thấp. Từ việc mua bán vũ công cụ hỗ trợ, vũ khí một cách dễ dàng trên mạng xã hội tràn lan rất dễ phát sinh các hành vi, hoạt động phạm tội gây mất ổn định về tình hình ANTT”.

Theo ghi nhận, vừa qua Đội tuần tra thuộc lực lượng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh tuần tra đêm trên một số tuyến đường trong tỉnh đã phát hiện nhiều đối tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, ẩu đả, gây rối. Qua kiểm tra, các đối tượng, phần lớn là thanh thiếu niên đều mang theo vũ khí bên mình. Các đối tượng cho biết mua trên mạng hoặc mua từ người quen. Một số đối tượng còn dùng súng bắn đạn bi để chống lại lực lượng công an thực thi pháp luật.

Thượng tá Nguyễn Văn Lược cho biết thêm: “Nói chung, tình hình mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sản xuất, lắp ráp, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hiện nay khá phổ biến với nhiều hình thức nhưng chủ yếu là buôn bán online thông qua dịch vụ bưu chính. Giữa người bán và người mua không biết gì về nhau, tiền được thanh toán thông qua dịch vụ bưu chính. Phương thức, thủ đoạn đối tượng kinh doanh mặt hàng này ngày càng tinh vi thông qua các phần mềm miễn phí. Người bán khi thấy không ổn có thể xóa tài khoản, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý của ngành chức năng. Do tính chất vụ việc phức tạp, Công an tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo công an các đơn vị địa phương trong tỉnh chủ động phối hợp với các bưu cục xử lý 83 bưu gửi và làm việc với 86 đối tượng thừa nhận có hành vi đặt mua bộ phận, linh kiện và công cụ hỗ trợ dùng để lắp ráp súng săn. Kết quả ban đầu, các đối tượng khai nhận động cơ, mục đích mua bán vũ khí là để săn bắn chim hoặc mua, bán kiếm lời, đã được công an các đơn vị, địa phương xử lý vi phạm hành chính về ANTT theo quy định pháp luật”.

Qua công tác nghiệp vụ, trong năm 2017, Công an tỉnh Bình Dương đã phát hiện 195 bưu kiện gửi liên quan đến hoạt động mua, bán công cụ hỗ trợ và linh kiện dùng để chế tạo súng săn. Bước đầu đã tiến hành kiểm tra 20 vụ với 20 đối tượng, thu giữ 6 khẩu súng dạng bắn bằng sức căng dây thun (ná) do Trung Quốc sản xuất cùng một số bộ phận gồm: 25 ống nòng, 4 bá súng bằng gỗ, 4 bình chứa khí nén, 2 bộ phận quy láp và cò súng, 2 tay cầm kim loại, 2 ống hãm thanh, 1 thước ngắm; 3 đồng hồ đo áp suất hơi nén, 1 bộ dụng cụ tháo ráp súng tự chế, 2kg đạn chì và hơn 200 viên bi sắt. Đa số đều do Trung Quốc sản xuất.

Qua làm việc, các đối tượng khai nhận đã đặt mua hàng từ các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... Sau đó, thông qua bưu gửi chuyển phát nhanh - thu hộ (EMS- COD) để thực hiện hành vi mua bán trái phép. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ nhiều bộ phận rời có thể lắp ráp thành súng săn: ống kim loại hình trụ tròn (nòng), tay cầm bằng gỗ, bình hơi nén, ống hãm thanh, đồng hồ đo áp suất, ống ngắm, bi, sắt, đạn chì…

 

TÂM TRANG