Bước tiến văn hóa sau 10 năm của TP.Thủ Dầu Một
TP.Thủ Dầu Một với những phát triển vượt bậc và phố phường ngày một khang trang hơn là điều mà người dân có thể ghi nhận và tự hào. Đóng góp một phần không nhỏ vào điều này là kết quả của 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020...
(BDO)
Các cá nhân, doanh nghiệp được lãnh đạo thành phố tuyên dương trong cuộc vận động xây dựng khu phố văn hóa - văn minh và trang trí đường phố năm 2019
Tập trung chiến lược phát triển văn hóa
Các chương trình hành động của “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” nhằm cụ thể hóa đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, xác lập những mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu. Đây cũng là cơ sở hoạch định để từng bước thực hiện việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Theo bà Trần Mỹ Lệ, Phó phòng Văn hóa- Thông tin TP.Thủ Dầu Một, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm, hỗ trợ ngành văn hóa để từng bước xây dựng nền văn hóa và con người phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa luôn là nền tảng tinh thần vững chắc của xãhội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...
Những năm qua, cùng với sự phát triển về kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng không ngừng phát triển. Trong đó văn hóa đã duy trì các hoạt động phong phú, đa dạng góp phần cải thiện đời sống tinh thần của nhân dân. Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật được nâng lên. Sự quan tâm đầu tư cho hoạt động văn học, nghệ thuật nhiều hơn trước. Các hoạt động văn học, nghệ thuật bán chuyên nghiệp có bước phát triển mới. Các hoạt động phong trào văn hóa, nghệ thuật có bước phát triển sâu rộng, thu hút ngày càng đông cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia, phục vụ có hiệu quả các sự kiện chính trị của địa phương, góp phần định hướng tư tưởng, thẩm mỹ của nhân dân.
Nổi bật nhất trong giai đoạn 10 năm qua có thể kể đến dấu ấn của năm 2017. Đó là năm TP.Thủ Dầu Một tập trung triển khai thực hiện cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị” gắn với các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố và Nghị quyết số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương về “Tiếp tục xây dựng và phát triển đô thị Thủ Dầu Một giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo”. Các hoạt động của văn hóa trong giai đoạn từ 2017 đến nay nhằm xây dựng một thành phố văn minh, giàu đẹp và hiện đại. Tính riêng năm 2017, toàn thành phố huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp cùng ngân sách Nhà nước làm mới 22 công viên, hoa viên phục vụ người dân. Những khu đất trước nay bị bỏ hoang, bị chiếm dụng và nhếch nhác đã trở thành nơi vui chơi, luyện tập thể dục thể thao, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thành phố. Đây cũng là điều được người dân hoan nghênh nhất. Và, Tết Nguyên đán năm 2018 cũng là năm ghi dấu ấn trong việc xã hội hóa trang trí đường phố với tổng vốn đầu tư trên 14 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa đã là 10 tỷ đồng...
Những thành tựu đáng trân trọng
Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020” trên địa bàn Thủ Dầu Một và xây dựng cơ chế hoạt động, chính sách đãi ngộ cho văn nghệ sĩ, hỗ trợ kinh phí hoạt động… cũng được lãnh đạo thành phố quan tâm sâu sắc. Hoạt động sáng tác, phổ biến tác phẩm mới có chuyển biến tích cực. Năm 2016-2017, thành phố tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc chủ đề “Thủ Dầu Một, thành phố tôi yêu” được đông đảo thành viên của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh và các tỉnh, thành lân cận tham gia. Có 11 tác phẩm đạt giải đã được trình diễn trước công chúng. Đây là một hình thức quảng bá về hình ảnh của một thành phố năng động, sáng tạo rất hiệu quả.
Bên cạnh đó, ngành văn hóa TP.Thủ Dầu Một đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm, chương trình biểu diễn; xuất bản sách, báo… phục vụ kịp thời các sự kiện chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Trong đó, có các hoạt động lớn như: Cuộc thi sáng tác “Tượng điêu khắc”, “Tác phẩm sơn mài” chủ đề về TP.Thủ Dầu Một thu hút nhiều nghệ nhân tham gia. Các hội thi này đã được tổng kết, trao giải vào dịp mừng Đảng, mừng xuân Mậu Tuất 2018, nhân dịp chào mừng TP.Thủ Dầu Một là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Có thể nói, tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa là những lĩnh vực then chốt, từ đó có những chuyển biến quan trọng trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Cùng với việc triển khai cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị” tại các phường, xã, người dân đã ý thức hơn về việc xây dựng môi trường sống văn minh, sạch đẹp. “Cuộc đua” giữa các phường về xây dựng mô hình khu phố văn hóa điển hình cũng tạo nên phong trào thi đua tích cực, từ đó có những khu phố có cách làm hay như: Dựng bảng tiểu sử của danh nhân mang tên đường, trồng hoa, bồn cây trên vỉa hè, phân loại rác thải tại hộ dân... Điều đáng mừng là tính chủ động, sáng tạo, tính tích cực xã hội của nhân dân được phát huy. Sự tham gia tích cực, tự giác của nhân dân vào các hoạt động văn hóa đã tạo được chuyển biến tích cực trong việc xây dựng một thành phố công viên, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thành phố hiện có trên 90 câu lạc bộ, nhóm hoạt động văn hóa, nghệ thuật thu hút trên 5.300 người tham gia. Trong đó, có 12 câu lạc bộ đờn ca tài tử với 161 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Tính đến nay, TP.Thủ Dầu Một có 11 di tích được xếp hạng, gồm: 5 di tích cấp quốc gia, 6 di tích cấp tỉnh. Các di tích tiêu biểu là Nhà tù Phú Lợi, Chùa Hội Khánh, Lò lu Đại Hưng, Đình Bà Lụa…
QUỲNH NHƯ