Bước tiến mới trong tiến trình hội nhập
(BDO) Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, với 96,7% đại biểu tán thành, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP đã thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước trong việc chủ động hội nhập, tranh thủ thời cơ, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn.
Theo các chuyên gia, về lợi ích kinh tế đến năm 2035, CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng từ 1,32 - 2,01%. Đặc biệt, trên lĩnh vực xuất khẩu, với những ưu đãi về thuế quan và sự thông thoáng trong các hàng rào kỹ thuật, CPTPP sẽ mang lại những cơ hội không nhỏ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Việt Nam. Theo đó, CPTPP có thể giúp cho xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 4,04% đến năm 2035. Trên lĩnh vực thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực đang có nhu cầu phát triển, qua đó tranh thủ nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý và trình độ công nghệ tiên tiến từ những nước có trình độ phát triển cao hơn. Về mặt thể chế, tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế. Về mặt xã hội, tham gia CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo. Theo dự tính, CPTPP có thể giúp cho Việt Nam mỗi năm tăng thêm từ 20.000 đến 26.000 việc làm; đến năm 2030 giảm 0,6 triệu người nghèo theo chuẩn nghèo ở mức 5,5 USD/ngày. Hơn thế nữa, việc tham gia CPTPP còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do khác...
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn được mở ra, việc tham gia CPTPP cũng đang đặt ra những thách thức không hề nhỏ. Trước hết đó là môi trường cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn không chỉ ở thị trường các nước tham gia CPTPP mà ngay tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó là các yêu cầu cao về tính minh bạch, bảo hộ sở hữu trí tuệ, các cơ chế giải quyết tranh chấp... những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, doanh nghiệp Nhà nước... Cạnh tranh có thể làm cho một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động nhưng đây cũng chính là động lực để tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả quản trị, giảm thiểu chi phí, nâng cao trình độ tay nghề, hiện đại hóa nền sản xuất, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng việc tham gia CPTPP là một bước tiến mới trong tiến trình hội nhập của Việt Nam. CPTPP chắc chắn sẽ mở ra những cơ hội to lớn, tạo động lực để đất nước tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập sâu rộng và bền vững với nền kinh tế toàn cầu.
ĐÀM THANH