Bước tiến mới trong sản xuất xanh
(BDO) Xác định chuyển đổi xanh là mục tiêu hướng tới trong sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp (DN) thường xuyên đánh giá, giám sát để có những điều chỉnh cần thiết, kịp thời đối với các khía cạnh như kinh tế, môi trường và xã hội.
Mô hình nhà máy “xanh” Pandora vừa triển khai xây dựng tại VSIP III
Điển hình từ doanh nghiệp FDI
Đầu tháng 7-2024, Công ty Tetra Pak (VSIP 2A) đã công bố báo cáo bền vững lần thứ 25, bám sát các kết quả công ty đã đạt được theo chương trình phát triển bền vững của mình. Bà Lương Thanh Thư, Trưởng phòng Phát triển bền vững, Tetra Pak Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi đang tích cực triển khai các hoạt động đồng hành cùng Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Năm 2024, công ty đặt mục tiêu sẽ đạt con số 500 tấn vỏ hộp giấy được thu gom và tái chế thông qua các thỏa thuận hợp tác”.
Cũng theo bà Lương Thanh Thư, công ty đã thiết lập thêm 20 điểm thu gom cố định tại các cửa hàng sữa là khách hàng của Tetra Pak, dự kiến sẽ tăng gấp đôi số lượng vỏ hộp giấy thu gom được. Công ty cũng sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động tuần lễ thu gom vỏ hộp giấy tại hệ thống các siêu thị của Aeon Mall, MM Mega Market, nhằm nâng cao nhận thức, xây dựng thói quen thu gom, phân loại vỏ hộp giấy trong cộng đồng.
Ông Alexander Christopher Falter, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ECCO Việt Nam (Bàu Bàng), cho biết công ty 100% vốn Đan Mạch, chuyên ngành sản xuất giày, túi da xuất khẩu, hiện công ty đang nỗ lực thực hiện kế hoạch chuyển đổi sản xuất xanh. Theo đó, trước mắt công ty sử dụng điện năng lượng mặt trời tại nhà máy, tiếp đến là tái sử dụng nước mưa và trang bị trạm sạc điện cho một số phương tiện. Ngoài ra, công ty còn có kế hoạch chuyển đổi máy móc sang tự động hóa, giảm nhân công, giảm rác thải ra môi trường... Công ty đang nỗ lực tích trữ nguồn điện áp mái để giữ vững ổn định sản xuất.
Tại lễ khởi công Nhà máy Pandora mới đây, ông Alexander Lacik, Tổng Giám đốc Tập đoàn Pandora, cho biết đầu tư vào VSIP III nhà máy sẽ thiết lập các tiêu chuẩn mới trong ngành trang sức toàn cầu về dấu chân sinh thái, tái chế và khí thải CO2. Đây sẽ là nhà máy dùng 100% năng lượng tái tạo thông qua việc sẽ dùng nguồn điện mặt trời cho hoạt động sản xuất. Nhà máy sẽ được trang bị công nghệ sản xuất tiên tiến và được tối ưu hóa bằng các giải pháp kỹ thuật số.
“Nhà máy được vận hành bằng 100% năng lượng tái tạo và sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn LEED Gold - chứng nhận công trình xanh hàng đầu. Điều này sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu bền vững của Pandora qua việc giảm một nửa lượng khí thải carbon trên toàn bộ chuỗi cung ứng vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040”, ông Alexander Lacik khẳng định.
Chuyện đường dài
Theo ông Huỳnh Thanh Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phẩn Leanwwears, sản xuất xanh không chỉ là nguồn nguyên liệu hợp pháp, mà còn phải chuyển đổi công nghệ, giảm bớt tiêu hao năng lượng, giảm sử dụng nguồn nhân lực. Nhưng đây cũng là thế khó đối với đa số các DN Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân song nhìn chung tập trung vào một số vấn đề như chi phí ban đầu bỏ ra lớn, năng lực công nghệ và đội ngũ nhân sự chưa đáp ứng được chuyển đổi, thiếu đối tác chuyên nghiệp, có năng lực tư vấn và giải pháp tốt. Khâu quản trị sản xuất và quản lý nhân sự đang cho thấy sự yếu kém của nhiều DN Việt hiện nay.
Công ty Tetra Park tổ chức cuộc thi thu gom vỏ hộp tái chế cho học sinh Bình Dương
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), xác định việc chuyển đổi xanh là bắt buộc, các DN ngành gỗ phải tuân theo. “Trong thời gian qua, BIFA đã tổ chức 2 hội thảo hỗ trợ tư vấn chuyên sâu giảm phát thải cho một số DN lớn chế biến gỗ. Chúng tôi cũng đã vận động các tổ chức quốc tế về môi trường hỗ trợ một phần kinh phí để tư vấn cho các DN chuyển đổi xanh. BIFA sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo tư vấn cho DN về sản xuất giảm phát thải như sản xuất tuần hoàn, sử dụng nguồn gỗ rừng trồng có chứng chỉ, liên kết chuyển đổi số để mang lại giá trị gia tăng cao… Đó là những tiêu chuẩn quan trọng trong xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ”, ông Liêm cho biết.
BIFA cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động Quỹ Việt Nam Xanh để bảo đảm DN ngành gỗ không sử dụng và kinh doanh gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp. Đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động trồng rừng, nhất là ở những khu vực có nguy cơ hủy hoại môi trường, nhằm bảo vệ và phát triển rừng bền vững. BIFA cũng sẽ đẩy mạnh truyền thông trong DN về sản xuất giảm phát thải, sản xuất tuần hoàn, sản xuất có sự liên kết gắn với chuyển đổi số để đưa ngành gỗ hướng đến phát triển bền vững, từ đó tạo được giá trị gia tăng cao.
TIỂU MY - CẨM TÚ