Bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc ta

Thứ năm, ngày 06/01/2022

(BDO) Ngày vui sướng của đồng bào ta

Dù đã 76 năm trôi qua nhưng với ông Mai Thanh Chí (tức Mai Sơn Việt), một cán bộ tiền khởi nghĩa hiện ở phường Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một) không khỏi bồi hồi với những cảm xúc dâng trào khi nhớ về thời điểm lịch sử ngày 6-1-1946. Bởi, ông vinh dự là một trong những cử tri tham gia trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta. Qua lời kể của ông, bối cảnh lịch sử của Việt Nam lúc bấy giờ, cuộc tổng tuyển cử được tổ chức càng sớm càng tốt. Vì sau ngày 2-9-1945, Việt Nam đã thành một nước độc lập, tự do; việc ban hành Hiến pháp, thành lập Chính phủ chính thức là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền của nhân dân. Do đó, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết, trong đó phải tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội chính thức và cử ra Chính phủ của dân, đồng thời thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp.

Cử tri là công nhân lao động tại Khu công nghiệp Mỹ Phước, TX.Bến Cát bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 14-SL, quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Sắc lệnh ghi rõ: “Chiếu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16, 17-8-1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng, nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên”. Tiếp đó, ngày 26-9-1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 39-SL về thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17-10-1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín; Sắc lệnh số 71-SL ngày 2-12-1945 bổ khuyết Điều 11 chương V của Sắc lệnh số 51 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người ứng cử.

Việc chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết những nhiệm vụ rất cấp bách hàng ngày đặt ra, vừa thực hiện sách lược tạm hòa hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc; đồng thời lại vừa phải đấu tranh để chống lại những hành động phá hoại điên cuồng của chúng. Việc Chính phủ lâm thời ban hành một loạt các sắc lệnh đã thể hiện sự quyết tâm để cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên giành thắng lợi. Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”. Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử, ngày 6-1-1946 đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội.

Ông Mai Thanh Chí nhớ lại: Ngày 6-1-1946 đã trở thành một mốc son trong lịch sử nước ta khi người dân từ đủ 18 tuổi trở lên lần đầu tiên trong đời được cầm trên tay lá phiếu đi bầu cử, lựa chọn ra những người đại biểu cho mình tại Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam với những nguyên tắc bầu cử dân chủ, tiến bộ nhất là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Điều đặc biệt nhất trong cuộc Tổng tuyển cử này là tổ chức bầu cử cả ở vùng Nam bộ - khi mà cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam đã bắt đầu.

Điều này đã thể hiện quyết tâm và ý chí mãnh liệt của đồng bào, đồng chí vùng Nam bộ. Bất chấp sự ngăn cản và đàn áp của kẻ thù, ở Nam bộ, cuộc Tổng tuyển cử vẫn diễn ra và thành công tốt đẹp, bầu được 73 đại biểu Quốc hội thuộc nhiều dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp xã hội, ngành nghề khác nhau. Lá phiếu trong cuộc bầu cử này được gọi là “lá phiếu máu” vì nó thấm đẫm máu của những chiến sĩ đã quên mình cho nền độc lập của Tổ quốc, vì sự nghiệp kháng chiến cứu nước, vì công cuộc xây dựng chính quyền cách mạng. Nhiều cán bộ Ban tổ chức bầu cử đã ngã xuống để bảo vệ những thùng phiếu và những cử tri của mình.

Cuộc Tổng tuyển cử được thực hiện trong điều kiện hết sức khó khăn. Ở miền Bắc bị sự phá hoại của bọn phản động. Phía Nam là cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp. Nhưng cuộc Tổng tuyển cử đã thành công. Tổng số cử tri đi bỏ phiếu vẫn đạt tỷ lệ rất cao (89%), bầu được 333 đại biểu đại diện cho đủ các thành phần, các giới trên cả nước.

Khẳng định sự trưởng thành

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử cũng đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - Nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đến nay, trải qua 15 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội Việt Nam không ngừng trưởng thành, đã đạt được những thành tựu quan trọng trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần to lớn vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Hòa chung dòng chảy đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đoàn đã phát huy mạnh mẽ vai trò là cầu nối giữa tâm nguyện, ý chí của nhân dân với Quốc hội; đồng thời góp tiếng nói quan trọng trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, gắn với thực tiễn sinh động của địa phương.

Có thể nói, 76 năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, hoạt động ngày càng chất lượng, tạo lập được sự tin tưởng và những ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri cả nước. Những thành quả này tiếp tục tạo tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của Quốc hội thời gian tới, là cơ sở quan trọng để bảo đảm thành công cho sự phát triển đất nước. 

Ông Mai Thanh Chí sinh ra ở mảnh đất cù lao Rùa, xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên. Ông tham gia cách mạng từ năm 1944 với danh nghĩa hội viên Hội Truyền bá quốc ngữ ở quận Tân Uyên, thuộc tỉnh Biên Hòa xưa (nay thuộc TX.Tân Uyên). Khi đó, ông được giao nhiệm vụ về xã Thạnh Hội - quê ông, mở thí điểm lớp truyền bá quốc ngữ. Hội đứng ra tổ chức các cuộc diễn thuyết nhằm giảng dạy, phổ biến những điều thường thức cho đồng bào. Dưới danh nghĩa là một hội văn hóa giáo dục chống mù chữ cho dân nhưng thực chất đây là một tổ chức chính trị có sự tham gia của nhiều nhà hoạt động cách mạng. Thông qua đó, hội tuyên truyền giáo dục, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh trong toàn thể quần chúng nhân dân. Vì vậy, tuy mới ra đời (ở Nam bộ, hội được cấp phép hoạt động ngày 18-8-1944) nhưng hội đã được các tầng lớp nhân dân đón nhận và ủng hộ.

THU THẢO