Bước đi chiến lược trong vận chuyển hàng hóa

Thứ sáu, ngày 01/03/2024

(BDO) Trong bối cảnh phức tạp, bất lợi do một số cuộc xung đột lớn trên toàn cầu đã và đang diễn ra, việc tính toán “đường đi” cho hàng hóa xuất nhập khẩu là bước chiến lược đang nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.

 

Đầu tư phát triển các loại hình vận chuyển hàng hóa sẽ góp phần xây dựng tỉnh nhà có những trung tâm logistics đạt chuẩn. Trong ảnh: Vận chuyển hàng hóa tại ICD Sóng Thần 2

 Hạ giá thành logistics

Chuyến xuất hàng hóa bằng đường sắt của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tại ga Sóng Thần những ngày sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã tạo ra sự kỳ vọng mới cho cộng đồng DN về hạ giá thành vận chuyển, thúc đẩy hàng hóa lưu thông thuận lợi. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Sang, Thư ký Hiệp hội Logistics tỉnh, cho biết hiện tại đa số các DN đang chọn phương án vận chuyển hàng hóa là đường bộ và đường sông, phương thức vận chuyển hàng hóa qua ga liên vận quốc tế Sóng Thần sẽ có những ưu điểm nổi bật, nhất là về chi phí vận chuyển.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Sang, đã đến lúc ngành đường sắt cũng như các DN, hiệp hội cần tăng cường hơn nữa việc trao đổi thông tin về tuyến đường, dịch vụ vận chuyển, có những chính sách ưu đãi giá phù hợp khi có đơn hàng vận chuyển lâu dài và quy mô lớn. Việc này nhằm bảo đảm công suất vận chuyển được đầy tải, không có những toa tàu nằm chờ hàng hoặc lãng phí nguồn lực, không chỉ đối với ngành nông sản mà cả những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh.

Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cho rằng việc lựa chọn kênh đường sắt để xuất khẩu sang Trung Quốc cũng mở ra cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước Trung Á, châu Âu thông qua tuyến đường sắt liên vận. Đặc biệt trong bối cảnh đường vận tải biển đang gặp nhiều rủi ro, giá cước leo thang thì việc đa dạng các tuyến đường vận chuyển sẽ giúp DN giảm thiểu rủi ro. Bà Trương Thị Thúy Liên cũng bày tỏ quan điểm mong muốn nhận được nhiều thông tin về phương thức vận tải đường sắt, so sánh được những ưu điểm của phương thức này về chi phí, thuận tiện trong việc lưu thông hàng hóa.

Dưới góc nhìn của DN logistics, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc TBS Logistics, cho rằng: “Vấn đề mà DN hiện đang quan tâm là chi phí vận chuyển bằng đường sắt. Việc xây dựng chi phí vận chuyển phải căn cứ vào tình hình thực tế của từng DN. Việc kết nối với các phương thức vận chuyển khác để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng cũng được công ty triển khai thực hiện”.

Xác nhận vấn đề việc kết nối vận chuyển đường sắt đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng DN, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, cho biết việc xúc tiến xuất nhập khẩu hàng hóa qua ga liên vận quốc tế Sóng Thần đang được DN quan tâm, có thêm một phương thức để lựa chọn vận chuyển, giảm chi phí, rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa và bảo đảm an toàn.

Tầm nhìn xa

Bình Dương xác định việc phát triển logistics bền vững là nền tảng giúp tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ, đô thị thông minh. Tỉnh nỗ lực hiện thực hóa quyết tâm trở thành trung tâm vệ tinh, nơi tập kết hàng hóa và dịch vụ logistics, đồng thời hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa, thúc đẩy phân phối, xuất khẩu ra nước ngoài, tạo ra các trung tâm logistics có quy mô cấp khu vực trên địa bàn. Bình Dương đang nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt nội tỉnh hoàn chỉnh nhất.

Cụ thể, tỉnh đang lựa chọn tư vấn nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt quy mô lớn kết nối 5 đô thị nội tỉnh. Dự án đường sắt này bắt đầu từ ga Bàu Bàng đến ga An Bình, đi qua huyện Bàu Bàng, TX.Bến Cát, TP.Tân Uyên, TP.Thuận An và TP.Dĩ An. Tuyến đường sắt nội tỉnh kết nối này có chiều dài 52,2km, với 6 ga: An Bình, Bình Chuẩn, Bình Dương, Chánh Lưu, Tân Hưng, Bàu Bàng và 4 trạm khách gồm: Tân Bình, An Phú, Tân Vĩnh Hiệp, Hòa Lợi. Trung tâm huyện Bàu Bàng là điểm đầu của đường sắt Bình Dương nối Bà Rịa - Vũng Tàu.

Không chỉ xây dựng tuyến đường sắt kết nối đô thị nội tỉnh, lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương thống nhất kéo dài tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên về TP.Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai và TP.Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương. Trong đó nhánh tới Bình Dương dài gần 30km, được xây dựng trên cao, từ nút giao Bình Chuẩn đi TX.Bến Cát, TP.Tân Uyên và TP.Thủ Dầu Một. Với kết nối này, vùng trọng điểm kinh tế Đông Nam bộ sẽ tạo thêm động lực mới, liên kết vùng rất thuận lợi để cùng nhau phát triển.

Bình Dương cũng đã có kế hoạch đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng tuyến đường sắt kết nối với Bà Rịa - Vũng Tàu. Để thực hiện tuyến đường sắt kết nối này, mới đây UBND tỉnh Bình Dương đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, lập báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt từ huyện Bàu Bàng đến TP.Dĩ An để kết nối đường sắt từ TP.Dĩ An đến TP.Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai, nút giao có tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 83km, điểm dừng cuối là cảng Cái Mép - Thị Vải.

 Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, cho biết mới đây Bộ Giao thông - Vận tải có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Dương. Trong đó có nội dung đề nghị Bình Dương và Tây Ninh rà soát nhu cầu vận tải để nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài vào quy hoạch địa phương và quy hoạch vùng Đông Nam bộ, làm cơ sở quản lý quỹ đất và chủ động huy động nguồn lực đầu tư.

 TIỂU MY - CẨM TÚ