Bức tử suối Cầu!
Bài 1: Người dân kêu cứu!
Chúng tôi ghé thăm khu phố Tân Mỹ, TT.Thái Hòa (Tân Uyên), bà con khu phốcó dịp bày tỏ những bức xúc về dòng suối Cầu, bởi khi mùa mưa tới, nước từ con suối tràn lên đường, gây mùi hôi thối nồng nặc. Người thì trách cứ bãi rác gần đógây ô nhiễm, người khác lại khẳng định nước thải của các cụm công nghiệp thuộc 2 địa bàn TX.Thuận An, Dĩ An là nguyên nhân chính gây ra… Song, một số người dân quên mất chính họ đã đặt ống xả nước thải sinh hoạt trực tiếp ra dòng suối. Vì vậy, con suối cứ oằn mình bởi nhiều nguồn nước thải vào… mà chưa biết tìm ai để giải quyết!
Mỗi ngày ông Nguyễn Văn Khen phải nhờ nhân công dùng xuồng thu gom cá chết nổi lên từ ao
Suối Cầu chạy uốn mình, ôm trọn khu phố Tân Mỹ và cung cấp nước cho hàng chục hộ nuôi trồng thủy sản tại đây. Thế nhưng gần đây, hầu hết các hộ dân đều rất lo ngại khi sử dụng nguồn nước này do tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Với họ, nuôi trồng thủy sản đã chịu trăm bề khó khăn, nay lại hứng chịu thêm rủi ro lớn về môi trường là không thể tưởng tượng.
Khổ vì ô nhiễm
Khu phố Tân Mỹ trải dài theo dòng suối Cầu có diện tích 147 ha, trong đó có tới 40% diện tích nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng thời gian qua, việc sử dụng nước ở dòng suối này để người dân nuôi trồng thủy sản có sản lượng ngày càng thấp đi, nhiều hộ dân đầu tư hệ thống xử lý nước trước khi đưa vào ruộng ương để nuôi nhưng hiệu quả mang lại cũng chẳng là bao. Hàng chục ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, thua lỗ trầm trọng, làm cho nhiều hộ dân đối mặt với nguy cơ phá sản.
Dẫn chúng tôi tham quan các ao cá dọc theo bờ suối Cầu, ông Nguyễn Văn Khen chia sẻ: “9 năm trước, tôi từ Cà Mau về đây lập nghiệp và đào 4 ha nuôi cá lóc, cá sặc. Lúc ấy, nước suối ở đây còn rất trong, người dân còn sử dụng để sinh hoạt. Thế nhưng vài năm trở lại đây, dòng suối trở nên đen ngòm, mùi thối bốc lên nồng nặc. Điều đáng nói là dòng suối ô nhiễm làm cá của nhiều hộ dân chết và số lượng cá chết năm sau cao hơn năm trước. Từ đầu năm đến nay, sản lượng cá của gia đình tôi thu được từ 200 - 300 tấn/4 ha nhưng lượng cá chết lên đến 10 tấn; trong khi đó năm 2010 chỉ chết khoảng 3 - 4 tấn”. Cũng với tâm lý thấp thỏm âu lo, ông Trần Quang Văn Đông nói: “Chúng tôi đã phản ánh tình trạng ô nhiễm của dòng suối, nhưng 3, 4 năm nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nhà tôi nuôi hơn 1,5 ha cá lóc, cá sặc. Năm nay, tôi mất hơn 3 tấn cá chết do nước ô nhiễm, với đà này, có nguy cơ hụt vốn mất thôi”.
Các hộ dân thu hoạch cá nhưng vẫn thấp thỏm lo ngại về tình trạng ô nhiễm suối Cầu
Kể chuyện ô nhiễm của dòng suối, anh Tống Văn Tấn bùi ngùi: “Trước đây, tôi đào 3 ao nuôi cá với tổng diện tích 1 ha. Theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các ao cá này nằm cặp theo con suối nên tôi thường sử dụng nguồn nước suối để tiếp vào ao. Ban đầu, việc nuôi cá diễn ra thuận lợi nhưng càng về sau cá càng chết nhiều. Tôi cố đi tìm hiểu nguyên nhân mới biết nguồn nước mà tôi đưa vào đã bị ô nhiễm nặng, gây chết cá. Năm 2010, không chịu nổi thua lỗ, tôi đành nghỉ không nuôi nữa”.
Dòng suối bị ô nhiễm không chỉ làm cho nhiều hộ nuôi trồng thủy sản bị điêu đứng mà còn tác động đến đời sống của người dân khu phố Tân Mỹ. Theo phản ánh của bà con sống ven suối, vào đêm khuya nước chảy về ồ ạt, có hôm bọt nổi trắng như xà bông, đặc biệt mùa nắng nước thải có mùi hôi không thể nào chịu được. Bà Phan Thị Hường, 77 tuổi chỉ tay xuống dòng suối đen mà nuối tiếc: “Tôi sống ở đây từ thuở cha sinh, dòng suối này gắn với tuổi thơ bắt cá, tắm suối của tôi. Thế mà bây giờ nước suối đen kịt không một ai dám đưa chân xuống. Mùa nắng thì không dám ra trước cửa nhà vì sợ mùi xộc lên, hôi tanh như xác động vật chết. Có bữa dọn cơm lên, gặp gió thổi mùi hôi thối từ suối về, làm cả nhà không ai ăn nổi chén cơm”.
“Mùa nắng con suối bốc mùi ghê lắm còn mưa dòng nước thải ô nhiễm dâng cao, chảy thẳng vào ruộng, gió thổi vào nhà mang theo nhiều độc hại. Đến khi nước rút để lại trên mặt đất một lớp màng có màu đồng. Ô nhiễm kiểu này, tôi nghĩ chắc lăng quăng dưới suối cũng không sống nổi huống chi cá và người dân chúng tôi”, bác Nguyễn Tấn Phát cho biết. Giờ đây, người dân Tân Mỹ chỉ biết “tránh mùa nắng, lánh mùa mưa” và sống chung với hiện trạng ô nhiễm dọc suối Cầu.
Lãnh đạo địa phương trăn trở
Trước thực trạng ô nhiễm dòng suối Cầu, lãnh đạo TT.Thái Hòa vô cùng trăn trở bởi 60 ha đất đang nuôi trồng thủy sản của bà con ở khu phố Tân Mỹ đang có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng. Hơn hết, ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng đến đời sống, đe dọa lá phổi xanh của cộng đồng. Cùng đi khảo sát địa bàn khu phố, ông Nguyễn Ngọc Thuận, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố Tân Mỹ nghẹn lòng: “Cả khu phố Tân Mỹ với 800 hộ dân đang phải gánh chịu hậu quả xấu từ môi trường nước bị ô nhiễm. Nhiều vườn rau, diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân bị ảnh hưởng, thả cá xuống ao thì cá chết, lâu dài dịch bệnh dễ phát sinh”.
“Trước mắt, sẽ chẳng ai thấy được tác động của môi trường đến đời sống con người nhưng sau một vài năm nữa hậu quả của nó thật khủng khiếp. Phát triển công nghiệp đi đôi với việc nâng cao đời sống của người dân, điều này đã được khẳng định, song nếu chúng ta chỉ quan tâm đến cái lợi trước mắt mà quên đi cái hại sau này thì thế hệ đời sau chúng ta là những người phải nhận hậu quả. Đừng tự mình hủy hoại môi trường sống của chính mình”, ông Ngô Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy TT.Thái Hòa.
Làm việc với chúng tôi, ông Ngô Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy TT.Thái Hòa đưa ra rất nhiều văn bản chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, khu phố ra quân bảo vệ môi trường. Nhiều lần ông lặn lội xuống tận khu phố kêu gọi bà con nâng cao ý thức bảo vệmôi trường, thành lập tổ thu gom rác, rà soát một số hộ nuôi heo trong ấp, xây dựng hầm biogas, vận động chủ nuôi heo di dời ra khỏi khu dân cư nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tái diễn và đang có dấu hiệu trầm trọng hơn. Ông Thanh quả quyết: “Vấn đề ô nhiễm suối Cầu không còn là vấn đề của TT.Thái Hòa, mà còn do rất nhiều nguồn và nguyên nhân khác nhau. Gần suối Cầu là bãi rác của Đội Công trình công cộng phường Tân Bình, TX.Dĩ An. Kế đến, ở đầu vào của con suối cắt ngang đường ĐH401 (đường liên huyện) hướng trường THPT Thái Hòa đi An Phú là 3 ống xả trực tiếp. Chính vì thế khó mà xác định được một đối tượng duy nhất đang bức tử suối Cầu”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ở đầu nối có 3 ống xả thải vào suối Cầu thì có một đường là từ phường An Phú, TX.Thuận An - nơi có hàng loạt các công ty có dấu hiệu xả thải ra môi trường và còn biết bao hộ dân, khu dân cư mặc tình cho nước thải vào cống và phó mặc cho dòng nước vềđâu thì về…
Bài 2: “Cha chung không ai khóc”
KIM HÀ