“Bức tử” kênh Ông Tiếp
(BDO) Trên địa bàn phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên, kênh Ông Tiếp có vai trò quan trọng trong hệ thống thoát nước đô thị và sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, thời gian gần đây, con kênh này bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương.
Một số người dân ngang nhiên đổ đất lấn kênh Ông Tiếp để xây dựng, gây ảnh hưởng đến dòng chảy và hệ sinh thái của dòng kênh
Con kênh bị “bức tử”!
Theo tìm hiểu của P.V, kênh Ông Tiếp có chiều dài khoảng 2km, bắt nguồn từ KP.Tân Mỹ chảy qua KP.Tân Ba (phường Thái Hòa) rồi đổ ra sông Đồng Nai. Tại phường Thái Hòa, kênh Ông Tiếp có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước cho hàng chục ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, kênh Ông Tiếp bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Trần Văn Tám (ngụ KP.Tân Ba) bức xúc cho biết: “Cuộc sống của chúng tôi gắn bó với kênh Ông Tiếp. Lúc trước, chúng tôi có thể lấy nước từ kênh để tắm rửa, giặt quần áo nhưng thời gian gần đây nước của con kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mỗi lần triều cường xuống, nước kênh chuyển sang màu đen như mực, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Tôm cá dần chết hết”. Chị Lê Thị Hải Yến, một cư dân tại địa phương, phản ánh: “Trước đây kênh Ông Tiếp vốn rất sạch, tôm cá nhiều vô kể và là nguồn thu nhập của nhiều hộ gia đình. Nhưng gần đây, nước kênh bị ô nhiễm, ngay cả con đẻn (giống con lươn, sống dưới bùn đất) cũng chết huống chi là tôm cá!”.
Bên cạnh tình trạng ô nhiễm, một số người dân còn ngang nhiên lấn chiếm trái phép hành lang an toàn của kênh Ông Tiếp để xây dựng các công trình kiên cố. Thậm chí, theo ghi nhận của P.V, để có mặt bằng xây dựng, các hộ dân ở tổ 1, KP.Tân Ba chở hàng trăm m3 đất đổ xuống lòng kênh, “lấn” hàng trăm m2 diện tích lòng kênh. Ngoài ra, một số người dân trong lúc đào ao nuôi cá còn vô tư đổ đất xuống lòng kênh. Trong quá trình đổ đất lấn kênh, do tác động lên xuống của thủy triều, nhiều m3 đất bị nước cuốn gây bồi đắp lòng kênh, ảnh hưởng đến dòng chảy và hệ sinh thái của kênh Ông Tiếp.
Theo phản ánh của một số người hành ghề đánh bắt cá lâu năm tại dòng kênh này thì trước đây kênh Ông Tiếp vốn rất sâu, nhưng từ khi xảy ra tình trạng một số hộ dân tại KP.Tân Ba đổ đất xuống kênh khiến độ sâu của kênh giảm đi nhiều. Mặc dù triều cường lên nhưng ghe xuồng cũng không thể lưu thông. Không những thế, do bị “thắt nút cổ chai” nên một số đoạn nước kênh chảy rất xiết, khiến quá trình xâm thực đất dọc hành lang an toàn của kênh Ông Tiếp diễn biến phức tạp.
Bà Nguyễn Thị L. (ngụ tổ 1, KP.Tân Ba), bức xúc: “Mặc dù chúng tôi sử dụng nhiều biện pháp để chống xâm thực như trồng cây, đóng cọc,… nhưng hàng trăm m2 đất vẫn bị nước cuốn trôi. Giờ nhà cửa, ruộng vườn của chúng tôi chỉ cách mép nước chưa đến 5m. Chúng tôi đang nơm nớp lo sợ vì không biết lúc nào nhà bị nước cuốn trôi”.
Người dân lao đao
Từ ngày kênh Ông Tiếp bị ô nhiễm, nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản lao đao vì cá chết hàng loạt, gây thiệt hại kinh tế hàng chục tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Khen (ngụ KP.Tân Mỹ) đau xót cho biết: “Chúng tôi đầu tư hàng tỷ đồng để nuôi cá lóc thương phẩm. Sau gần một năm chăm sóc, cá đạt trọng lượng hơn 1kg và có thể kéo lưới bán cho thương lái. Tuy nhiên, sau một đêm lấy nước từ kênh Ông Tiếp vào ao thì sáng hôm sau hơn 7 tấn cá lóc phơi bụng trắng ao. Bao nhiêu tiền bạc của cải và công sức của chúng tôi đều đổ sông, đổ bể”.
Để biết nguyên nhân, ông Khen mời kỹ sư có kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản đến tìm hiểu. Sau khi mổ mẫu vật cá lóc, kỹ sư chẩn đoán cá chết do xuất huyết và gan nhiễm mủ nghi do nhiễm vi khuẩn Edwardstella (gây bệnh gan thận mủ ở cá). “Tôi nuôi cá luôn tuân thủ theo đúng quy trình, sử dụng thức ăn của cơ sở có uy tín sao lại nhiễm bệnh này. Không bằng lòng với kết quả trên, tôi lấy mẫu bệnh phẩm, nước ao và thức ăn mang đến Trung tâm Chẩn đoán xét nghiệm động vật (cơ quan Quản lý Thú y vùng VI) xét nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân cá chết. Kết quả cho biết cá chết không phải do nhiễm vi khuẩn Edwardstella mà vì một nguyên nhân nào đó mà đến giờ tôi cũng không biết. Trong khi đó kết quả phân tích mẫu thức ăn vẫn bình thường. Còn nước thì bị ô nhiễm…”, ông Khen nói.
Cùng cảnh ngộ với ông Khen, ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND phường Thái Hòa phụ trách khối kinh tế, cho biết: “Tôi đầu tư tiền tỷ vào 4 ao cá lóc với diện tích 15.000m2. Sắp đến kỳ thu hoạch thì trong một đêm cá chết hàng loạt. Hơn 20 tấn cá lóc thương phẩm thành phế phẩm. Tôi mất trắng hơn 3 tỷ đồng. Nhiều hộ dân khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Để tìm ra nguyên nhân cá chết, tôi mời nhiều chuyên gia đầu ngành đến để chẩn đoán bệnh. Chuyên gia nào đến cũng đều lắc đầu vì không biết cá chết vì lý do gì. Nhưng khi kiểm tra nguồn nước nuôi cá thì họ đều cho rằng nước ô nhiễm nặng, không thích hợp cho việc nuôi thủy sản”.
Nguyên nhân do đâu?
Theo tìm hiểu của P.V, nước tại thượng nguồn của kênh Ông Tiếp bắt nguồn từ suối Cầu. Theo ghi nhận của P.V, nước tại suối Cầu ô nhiễm nghiêm trọng, nước có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Dọc theo suối Cầu đoạn chảy qua KP.Tân Mỹ có khoảng 11 hộ chăn nuôi heo. Trong đó, đa số các hộ nuôi heo có quy mô đàn từ 30 con trở lên, thậm chí như ông Đoàn Trọng Ch. nuôi gần 600 con; hộ ông Trần Bá Th. nuôi 82 con; hộ bà Nguyễn Thị Ph. nuôi 62 con… Hầu hết các hộ chăn nuôi trên đều không có giấy xác nhận đánh giá tác động môi trường. Mặc dù, các hộ trên đều có hầm biogas để chứa chất thải chăn nuôi heo nhưng do quy mô đàn heo lớn nên hầm biogas bị quá tải, vì vậy, một số người dân trực tiếp xả thải ra suối Cầu. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm ở kênh Ông Tiếp.
Trao đổi với P.V, ông Trần Lê Quan, Chủ tịch UBND phường Thái Hòa, cho biết, “Trong thời gian qua, chính quyền địa phương nhiều lần nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm ở kênh Ông Tiếp, gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Kênh Ông Tiếp ô nhiễm có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do tình trạng ô nhiễm suối Cầu. Trước đây, UBND phường từng nhiều lần kiến nghị không đấu nối suối Cầu vào kênh Ông Tiếp vì nguy cơ ô nhiễm rất cao. Nguồn nước của suối Cầu chủ yếu là nước thải từ khu dân cư ở phường An Phú (TX.Thuận An). Nguyên nhân thứ hai là do nước thải từ quá trình chăn nuôi heo của các hộ dân dọc theo kênh Ông Tiếp. Và cuối cùng là do tình trạng ô nhiễm của sông Đồng Nai.
Trước mắt, để hạn chế tình trạng ô nhiễm ở kênh Ông Tiếp, UBND phường đang thực hiện kế hoạch di dời các hộ chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, đặc biệt là dọc kênh Ông Tiếp và suối Cầu. Thời gian cuối cùng để các hộ trên thực hiện là ngày 30-6. Ngoài ra, sắp tới, dự án nạo vét kênh Ông Tiếp cũng sẽ được triển khai. Khi dự án hoàn thành, tình trạng ô nhiễm của kênh Ông Tiếp sẽ giảm đáng kể. Đồng thời, UBND phường kiến nghị lên Sở Tài nguyên và Môi trường tìm phương án không để suối Cầu chảy xuống kênh Ông Tiếp nữa. Còn về tình trạng người dân tự ý đổ đất lấn kênh thì UBND phường chưa nghe báo cáo. UBND phường sẽ cử lực lượng chức năng xuống kiểm tra. Nếu trường hợp nào vi phạm thì UBND phường sẽ xử lý theo quy định”.
Vừa nuôi cá vừa lo
Vào tháng 3-2015, sau khi lấy nước từ kênh Ông Tiếp, các ao cá lóc của hộ ông Nguyễn Văn Long, Dương Thế Phùng, Võ Chí Hiếu, Nguyễn Văn Khen, Nguyễn Quốc Thái, Trần Quang Thái và Tân Văn Tiến đều xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Vào thời điểm trên, tổng số lượng cá chết lên đến 42 tấn cá lóc thương phẩm, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, hộ ông Nguyễn Văn Long và Nguyễn Văn Khen là thiệt hại nặng nhất. Theo những hộ trên, một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng cá chết hàng loạt là do nước kênh Ông Tiếp bị ô nhiễm.
Hiện nay, các hộ trên đang chuyển sang nuôi cá chép giòn với hy vọng “gỡ” lại số tiền bị mất trước đó. Tuy nhiên, đang vào thời điểm của mùa khô, mực nước xuống thấp càng khiến kênh Ông Tiếp thêm ô nhiễm. Vì vậy, mỗi khi lấy nước vào ao, các hộ dân trên đều nơm nớp lo sợ…
NGUYỄN HẬU