Bức tranh kinh tế Việt Nam qua đánh giá của các tổ chức quốc tế
(BDO)
Một dây chuyền may xuất khẩu. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Trong dịp cuối năm 2014, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng ANZ hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố các báo cáo cập nhật đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam, ghi nhận những chuyển biến tích cực bước đầu của nền kinh tế.
Tuy nhiên, các báo cáo cũng lưu ý về cầu nội địa còn thấp, tình trạng hoạt động chưa hiệu quả của khối doanh nghiệp trong nước cũng như các vấn đề của khu vực tài chính, kêu gọi việc đẩy mạnh tái cơ cấu, đưa nền kinh tế vươn tới quỹ đạo tăng trưởng mới.
Chuyển biến tích cực
Tại buổi công bố báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của WB ngày 3/12, ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, đánh giá kinh tế Việt Nam đang có bước tăng trưởng liên tiếp trong các quý gần đây, trong tất cả các ngành, các lĩnh vực đều có mức cải thiện đáng kể, cho thấy hiệu quả của quá trình tái cơ cấu trong thời gian qua, kinh tế vĩ mô ổn định, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hết sức khả quan, chỉ số giá tiêu dùng giảm, tỷ giá ổn định và nhờ đó đã làm tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo báo cáo của WB, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi. GDP quý 3/2014 ước tăng 6,2% so với cùng kỳ 2013, nâng mức tăng trưởng trong 9 tháng năm 2014 lên 5,6%.
Tất cả các lĩnh vực kinh tế, trừ dịch vụ, trong 9 tháng đều đạt mức tăng trưởng cao hơn so với cũng kỳ năm ngoái.
Chỉ số toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 6,7% so với cùng kỳ 2013. Ngành chế biến chế tạo dự kiến tiếp tục hưởng lợi từ việc tăng đầu tư nước ngoài và tăng cầu từ các đối tác kinh doanh chính của Việt Nam, đặc biệt là nước Mỹ.
Bên cạnh đó, sự phục hồi của ngành xây dựng cho thấy mức tăng chi đầu tư phát triển của Nhà nước. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đã khởi sắc khi dự báo Việt Nam sẽ sản xuất 45 triệu tấn thóc gạo trong năm 2014.
WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tăng từ 5,4% năm 2013 lên 5,6% năm 2014. Viễn cảnh khả quan này chủ yếu là nhờ kinh tế vĩ mô ổn định và các ngành chế biến hoạt động tốt, chế tạo hướng đến xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2014 sẽ đạt mức 5,6%, sau đó sẽ tăng lên ở mức 5,8% trong năm 2015, chủ yếu vẫn nhờ lực cầu bên ngoài. Đó là dự báo của ngân hàng ANZ trong báo cáo "Cập nhật tình hình kinh tế toàn cầu 2015" được ngân hàng này công bố ngày 3/12.
Chuyên gia kinh tế trưởng của ANZ ông Warren Hogan, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo khả quan hơn là nhờ lạm phát được kiểm soát, tình hình dự trữ được cải thiện, FDI vào các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, và xuất khẩu tăng trưởng khá hơn.
Ngoài ra, chuyên gia ANZ cũng cho rằng tỷ giá của Việt Nam cũng khá ổn định, vị thế đối ngoại của đồng tiền được cải thiện hơn.
Theo ông Glenn B.Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Nam Á, ASEAN và Thái Bình Dương của ANZ, tăng trưởng của Việt Nam bật lên vào quý 3/2014, khi đạt mức tăng trưởng 6,4%, nhưng do cầu trong nước vẫn còn yếu nên cầu bên ngoài vẫn là động lực tăng trưởng chính khi FDI vào các ngành chế tác tăng cao.
ADB trong tháng 12 cũng công bố báo cáo cập nhật tình hình cũng như đưa ra những dự báo về triển vọng kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam.
Trong báo cáo này, ADB dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,6% trong năm 2014 và 5,8% trong năm 2015, tăng từ các mức dự báo cho hai năm lần lượt là 5,5% và 5,7% được đưa ra trong bản cập nhật được công bố hồi tháng Chín.
Theo ADB, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 5,6% trong ba quý đầu năm 2014. Tiêu dùng tư nhân tăng trưởng 5,1% trong cùng kỳ, phản ánh các điều kiện kinh tế cũng như niềm tin tiêu dùng được cải thiện.
Đầu tư nước ngoài tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm 2013, giúp tổng đầu tư tăng 4,8%, dù đầu tư trong nước bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng tín dụng chậm.
Thêm vào đó, xuất khẩu đang tăng trưởng tốt hơn nhập khẩu, hoạt động của các nhà máy ít bị ảnh hưởng bởi căng thẳng ở Biển Đông hồi tháng Năm hơn so với dự kiến ban đầu. Đợt giảm lãi suất gần đây sẽ giúp nới lỏng điều kiện tín dụng và thúc đẩy đầu tư trong nước.
Những điểm còn hạn chế
Tuy nhiên, WB cũng đánh giá kinh tế Việt Nam vẫn còn những điểm hạn chế như mức cầu nội địa tương đối thấp, khối doanh nghiệp trong nước kém hiệu quả và khu vực tài chính cũng trong tình trạng tương tự.
Ông Sandeep Mahajan cho rằng, mức cầu nội địa tương đối thấp đã hạn chế đà phục hồi của nền kinh tế. Tăng trưởng doanh số bán lẻ - chỉ số đại diện cho tiêu dùng tư nhân, chỉ đạt mức 6,1% trong 10 tháng năm 2014, so với mức 4,6% cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn đáng kể so với năm 2010.
Đặc biệt, điểm đáng lo ngại hiện nay là có sự tương phản giữa khối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Trong khi khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục là nguồn tăng trưởng quan trọng, thì khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn đang phải đương đầu với nhiều khó khăn.
Số lượng doanh nghiệp trong nước phá sản và ngừng hoạt động vẫn rất lớn và không ngừng gia tăng, trong khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới lại giảm đi.
Trong lĩnh vực tài chính, ông Sameer Goyal, chuyên gia WB, đánh giá Việt Nam có độ rủi ro về nợ thấp nhưng tổng mức nợ công và nghĩa vụ trả nợ gia tăng đang gây nhiều quan ngại. Hiện nợ công của Việt Nam đang ở mức 52% GDP và sẽ đạt đỉnh ở 60% GDP trong những năm tới.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng mặc dù tăng dần nhưng vẫn thấp hơn kỳ vọng. Tăng trưởng tín dụng thấp làm cản trở nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc mục tiêu đẩy nhanh tín dụng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu của WB, tính hết tháng 10/2014, tổng tín dụng ước tăng 8,6% so với cuối năm 2013. Tăng trưởng tín dụng phần nào vẫn bị ảnh hưởng bởi cân đối tài chính không tốt của các ngân hàng, mối lo ngại về năng lực tài chính của người đi vay, thị trường bất động sản èo uột và nhu cầu tín dụng suy yếu do niềm tin người tiêu dùng và nhà đầu tư giảm.
Đánh giá chung, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và trong lĩnh vực ngân hàng.
Bà Kwakwa cho rằng tiềm năng để kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn chỉ có thể trở thành hiện thực khi có tiến bộ thực sự trong việc giải quyết những bất cập của khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng hiện đang gây trở ngại tới hiệu quả và năng suất của nền kinh tế.
Bà Kwakwa nhấn mạnh rằng “tiếp tục đẩy mạnh tiến độ cải cách và hoàn thiện môi trường kinh doanh là mấu chốt để đưa nền kinh tế vươn tới quỹ đạo tăng trưởng mới.”
Trong khi đó, trong báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam công bố hồi tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lưu ý đến việc hoạt động kinh tế trong nước còn yếu, một phần do “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng còn kém và doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả.
Về vấn đề nợ công của Việt Nam, thiết chế tài chính này cho rằng mức nợ dự kiến sẽ tăng lên khoảng 55% GDP trong năm 2014, cao hơn đáng kể so với một vài năm trước đây và sẽ đạt 60% GDP, mức trần an toàn của nợ công. Dù vậy, nếu có những giải pháp đúng đắn, IMF cho rằng nợ công của Việt Nam có thể giảm về mức 45% trong tương lai, đúng như mục tiêu Chính phủ đề ra trong Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Còn trong báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2014 vào tháng Chín, ADB cũng đề cập tới việc tăng trưởng tín dụng thấp và những nỗ lực cải cách lĩnh vực ngân hàng vẫn chỉ diễn ra chậm. ANZ cũng cho rằng lạm phát của Việt Nam liên tục giảm trong thời gian qua là do cầu nội địa chưa lấy được đà tăng trưởng./.
Theo TTXVN