Bức thư gửi lại người đang sống
(BDO)
Bộ binh xung phong đánh xe M113 của Mỹ. Ảnh tư liệu Bảo tàng Quân đoàn 4
Trên đầu chúng tôi bầu trời cao vút đầy sao. Im lặng quá! Thanh bình quá! Chúng tôi có cảm giác như vừa rời khỏi vùng có chiến tranh. Nhưng đây chỉ là giả tạo. Quả nhiên chúng tôi ngồi chưa đến 15 phút thì từng đợt dội bom của B.52 bao trùm lên cả khu vực đồi chúng tôi đang nghỉ. Nước Mỹ giàu vũ khí bom đạn thật. Chỉ có một tiểu đội của chúng tôi thôi mà Mỹ đã dùng bao nhiêu trực thăng, khu trục, máy bay chiến lược, thả hàng trăm tấn bom, chưa kể các loại đạn khác, rồi pháo sáng, bộ binh, xe tăng, truy kích... Đợt bom cuối cùng chấm dứt không biết bao lâu, chúng tôi mới tỉnh lại và thế là chỉ có 3 chúng tôi: Vũ, Chí, Dũng mà người nào cũng thương tích đầy người, may mà còn sống. Tiểu đội trưởng và các đồng đội chúng tôi trong đó có Sơn, người biết khu củ chụp và suối nước trong đều đã hy sinh. Lúc chúng tôi gắng gượng dậy được, điểm lại quân số là lúc mặt trời đã lên khỏi ngọn cây. Có lẽ những tia nắng ấm le lói buổi sáng đã giúp chúng tôi tỉnh dậy và chuyển vào máu thịt chúng tôi một ít sinh khí của đất trời chăng. Dầu sao thì chúng tôi vẫn còn sống, ngồi dậy gần nhau và cố lê lại sát bên nhau. Thời gian trôi qua chậm chạp vô ngần hoặc giả chúng tôi trở thành chậm chạp đáng sợ. Không biết bao nhiêu lâu ngồi đó, mân mê săn sóc các vết thương của nhau rồi chúng tôi mới cố dìu nhau đứng dậy, cố dìu nhau đi tìm đồng đội. Giờ đây mỗi người chúng tôi có lẽ chỉ còn bằng không đầy một phần ba con người nên cả ba phải dựa vào nhau mà chưa bằng được sức một người. Rõ ràng giá trị sức lực con người của chúng tôi thấp đi thảm hại. Mãi chúng tôi mới gom tản mát từng bộ phận thân thể chừng bằng ba con người đồng đội chúng tôi, số khác không còn tìm đâu ra. Chúng tôi lại chôn cả vào một hố bom đào sẵn dưới một gốc cây to bị trốc lên. Bây giờ mà bảo chúng tôi đào một cái huyệt thì thật quả là quá sức rồi. Và lần này cũng không khắc được tên các đồng chí vào thân cây nữa - gốc cây hãy làm dấu giùm là 5 đồng đội chúng tôi đã nằm ở đây vậy. Lo cho đồng đội xong, chúng tôi lo cho mình. Nhưng lo gì đây, bông băng không còn, quần áo rách tả tơi, vết thương nhiều quá, thôi thì mặc thế. Chỉ vết thương nào chảy máu nhiều thì dùng một ít mảnh quần áo còn lại buộc chặt cho đỡ mất máu thôi. Bây giờ thấy mệt ghê gớm, khát nước không sao tả được. Người như khô cháy cả ruột gan. Nhìn vào đâu, trên thân cây, lá cây, quanh bờ bụi, đất, đá, đều mơ có nước. Bây giờ chúng tôi mới thấy hết cái khổ sở của một con người mất nước mà không tìm đâu ra nước. Đồng chí Chí nói theo cách chơi chữ: “Chúng ta mất Nước, khát Nước nên đi chiến đấu để giành lại Nước và giờ đây chúng ta khát nước quá nên việc trước tiên là phải lo tìm cho có nước”. Chúng tôi lại dìu nhau, dựa vào nhau đi kiếm cái suối chảy quanh năm, đâu gần đây mà đồng chí Sơn khi còn sống đã dẫn chúng tôi đi. Từng bước vịn vào nhau, vịn vào cây rừng, có lúc bò qua một gò đất, leo qua một cây ngã, chúng tôi cứ đi mặc dầu không biết phương hướng nào, đi về đâu. Cái khát kéo chúng tôi đi, đòi chúng tôi phải đi để tìm cho được nước. Thỉnh thoảng chúng tôi ngất đi, nằm lịm trên mặt đất, không biết bao lâu, rồi lại tỉnh dậy, rồi lại đi. Ngày và đêm không thành vấn đề đối với chúng tôi nữa. Ngày cũng thế mà đêm cũng thế thôi. Chỉ có ngất lịm nằm đó rồi tỉnh dậy, lê đi. Và cũng không biết bao nhiêu lần ngất đi để mà tỉnh nữa.
Các chiến sĩ Trung đoàn 1 tấn công quân Ngụy ở đồng nước trong chiến dịch Bình Giã, tháng 12-1964. Ảnh tư liệu Bảo tàng Quân đoàn 4
Rồi một hôm nào đó không biết làm sao chúng tôi đưa nhau đến được khu rừng này và cảm thấy tỉnh táo lạ lùng. Khu rừng đẹp đẽ xanh tươi, có tiếng chim hót, có tiếng sóc nhảy từ cành này qua cành khác. Mặt trời lên cao, ánh nắng xuyên qua kẽ lá từng tia, từng giọi rơi xuống mặt đất, rơi vào chúng tôi. Nhờ tỉnh táo lại, chúng tôi trao đổi với nhau. Không còn hy vọng tìm ra nước. Đã nhiều ngày không có gì ăn. Máu đã mất nhiều, những cơn sốt thường xuyên hành hạ từng người. Chúng tôi cũng không thể hiểu sao lại còn sống đến giờ này. Cái sống quả thật cũng dai dẳng kỳ lạ. Tự mỗi người chúng tôi thấy không còn sống được bao lâu nữa, quá kiệt sức rồi. Vậy đi nữa để làm gì? Giả dụ có tìm được củ chụp cũng không đủ sức mà đào, có tìm được nước uống thỉ phỏng có cứu sống được để thoát khỏi khu rừng này, không biết nó nằm ở đâu để trở về với đồng đội, đồng bào. Vậy thì ta dừng lại ở đây, chọn khu rừng đẹp đẽ này làm nơi an nghỉ cuối cùng. Biết dừng lại kịp thời, đúng lúc, mới là con người trí dũng. Nếu cứ tiến lên chạy theo cái khát đi tìm suối một cách tuyệt vọng rồi gục chết nơi nào đó chưa biết, thì thật là ngông cuồng dại dột chẳng ích lợi gì”.
- Ừ nhỉ - Anh Nhân nói như với mình, không hướng về ai: Đây cũng là một điều mà không phải ai cũng biết, tiến lên có khi dễ mà dừng lại được rất khó. Dừng lại đúng lúc càng khó hơn. Người khôn kẻ dại khác nhau ở đó chăng. Trong chiến đấu tiến công lắm khi dễ hơn rút lui nhiều. Như trận đánh này chẳng hạn.
Văn lại đọc tiếp:
“Quyết định rồi chúng tôi tự nhiên thấy khoan khoái lạ thường. Sáng suốt hẳn lên. Chúng tôi bàn nhau rất tiếc là tiểu đội không còn một người sống để về báo cáo nhiệm vụ hoàn thành và kinh nghiệm rút ra từ những thực tế. Vậy dừng lại ở đây với một ít sức lực còn lại, viết một tường trình cuộc chiến đấu gởi lại cho ai đó tìm được. Nhất trí với nhau rồi, chúng tôi phấn khởi hẳn lên, mỗi người đứng trước cái chết của mình cố gắng dùng một chút sức còn lại, quả thật rất ít ỏi, để xây dựng ngôi mộ cho mình và sau đó an tâm bàn ý rồi thay nhau chấp bút. Chúng tôi đã chọn cây gõ tơ còn sống lâu này làm trụ, giúp nhau mắc võng cho từng người, thống nhất nhau tư thế nằm trên võng, sắp xếp vài vật còn lại. Chúng tôi lên võng nằm thử để tự mình được nhìn thấy rõ cái mộ chung của mình, một nấm mồ giữa trời và đất. Ban đêm những tán lá sum suê được cài muôn ngàn những vì sao lấp lánh, phải chăng là những vòng hoa thiên nhiên không bao giờ tàn tạ đã dành cho chúng tôi. Tiếng gió rì rào như tiếng nhạc rừng cùng tiếng chim ca hót vào buổi bình minh phải chăng là bản hòa tấu âm thanh muôn thuở ru hồn chúng tôi trong giấc ngủ ngàn thu. Chúng tôi rất bằng lòng, lòng thanh thản kỳ lạ. Thì ra cái chết có gì là ghê gớm lo âu đâu. Chúng tôi sẽ chết ung dung thư thái như đã từng sống mãnh liệt mà thư thái với công việc của mình đã làm”. (Còn tiếp)
Đồng chí Chí nói theo cách chơi chữ: “Chúng ta mất Nước, khát Nước nên đi chiến đấu để giành lại Nước và giờ đây chúng ta khát nước quá nên việc trước tiên là phải lo tìm cho có nước”. Chúng tôi lại dìu nhau, dựa vào nhau đi kiếm cái suối chảy quanh năm, đâu gần đây mà đồng chí Sơn khi còn sống đã dẫn chúng tôi đi. Từng bước vịn vào nhau, vịn vào cây rừng, có lúc bò qua một gò đất, leo qua một cây ngã, chúng tôi cứ đi mặc dầu không biết phương hướng nào, đi về đâu. Cái khát kéo chúng tôi đi, đòi chúng tôi phải đi để tìm cho được nước.
Cố Thượng tướng TRẦN VĂN TRÀ