Bức thư gửi lại người đang sống
Quả thật đi một đoạn nữa chúng tôi đến bờ sông. Mùa này, nước cạn lòng sông hẹp hơn mùa mưa nhiều, nhưng hai bờ lại sâu hoắm và nước thì chảy xiết. Chúng tôi vội vã chặt cây rừng nối lại cho dài và buộc vào một gốc cây sát mặt nước ở nơi hẹp. Đồng chí Sơn người còn khỏe nhất trong chúng tôi tình nguyện lội qua trước để cột đầu dây bên bờ sông phía bắc. Sơn đi ngược dòng nước một đoạn rồi băng mình lội qua, một tay giữ vững đầu dây. Anh đã buộc được dây, giúp chúng tôi lần lượt bám vào, lội qua với thương binh và đồ đạc. Tiểu đội trưởng lại thúc giục mọi người rời bờ sông ngay và tiếp tục đi nhanh. Cách bờ khoảng non cây số, chúng tôi lại dừng lại, giở trò lừa địch. Trời đã xế chiều, mặt trời đã bắt đầu xuống khỏi ngọn cây, xa xa vẫn vọng lại tiến nổ ì ầm của bom và pháo. Chúng tôi vội vã gom lá cây khô mục lại thành 20 đống rải rác một vùng rộng, tương ứng khu vực đóng quân của một trung đoàn. Mặt trời đã lặn hẳn, bóng tối bắt đầu tràn lan khắp khu rừng âm u. Tiểu đội trưởng ra lệnh nổi lửa. Từng vòi khói tuôn lên thẳng đứng vụt khỏi ngọn cây rồi tỏa theo hướng gió. Rõ ràng như có 20 bếp đại đội đang thổi cơm chiều. Chúng tôi lại tập hợp lại hành quân hàng dọc, sát nhau, về hướng đông bắc, dẫn đầu là đồng chí Sơn. Trời tối mịt, trong rừng lại càng khó nhận những gì xung quanh mình. Tiểu đội trưởng luôn thúc giục đi nhanh, cố rời bỏ vùng “Hạ trại của trung đoàn”, lúc này tất cả chúng tôi đều mệt mỏi rã rời. Ngày nay đã có cái gì vào bụng đâu, nhưng không ai còn nghĩ đến cái ăn. Lương thực đều bị mất hết rồi, có gì đâu mà ăn. Nước uống may ra còn, tranh thủ lấy đầy bi đông khi qua sông Bé. Chúng tôi vừa đi được một đoạn thì đã nghe OV-10 và RC-47 bay vù vù trên đầu. Chúng thính thật và đích thị là chúng quyết tâm đeo theo trung đoàn để gỡ lại trận thất bại. Hai máy bay trinh sát không những bay trên vùng có khói mà còn bay rộng ra khỏi cả nơi chúng tôi đang đi. Những chiếc trinh sát này dai như đỉa đói, chúng bám mục tiêu hàng mấy giờ liền và bắn cũng rát lắm.
(BDO)
Các chiến sĩ Sư đoàn 9 khiêng cối 120mm vượt đầm lầy hướng Tây Nam tiến về Sài Gòn. Ảnh tư liệu Bảo tàng Quân đoàn 4
Chúng tôi mải miết đi, biết rằng ngày càng xa nơi các đống rác cháy càng an toàn, nhưng vẫn lo một nỗi là có thu hút được địch không. Đường đi mỗi lúc một khó, phải leo lên những dốc ngày càng cao. Xuống khỏi một dốc đứng, qua một nơi trũng rồi leo lên một sườn dốc thoai thoải, chúng tôi lọt ra một cái trảng trống chỉ khoảng 400 mét nhưng dài có đến 3 cây số. Một làn gió mát lạnh làm cho chúng tôi tỉnh táo đôi chút. Sơn cho biết đây đã cách bờ sông Bé độ 13 cây số rồi. Tiểu đội trưởng lẩm nhẩm tính, gật gù đồng ý. Anh ra lệnh cho tiểu đội ngồi nghỉ. Vừa mệt, vừa buồn ngủ, vừa đói lại vừa khát, ai nấy ngồi thả phịch xuống cỏ một cách khoan khoái. Đã 3 giờ sáng, hôm nay không có trăng nhưng bầu trời cao đầy sao cũng giúp chúng tôi nhìn thấy lờ mờ không xa lắm quanh mình. Việc đầu tiên chúng tôi phải làm là săn sóc ngay cho thương binh. Tập trung hết băng cá nhân lại, chúng tôi bắt đầu thay băng cho các đồng chí và còn xé áo quấn chặt những vết thương nặng ra nhiều máu. Cánh tay của đồng chí Tựu cụt đến gần vai, bị nhiễm trùng sưng to lên. Đó là vết thương làm Tựu đau nhức nhiều hơn các vết khác. Người anh lực lưỡng là vậy mà nay đi muốn hết nổi vì vừa đau lại vừa đói. Còn Hùng, bị sốt cao, bả vai bị thủng và bể xương, máu luôn rỉ ra, mông thì không nguy hiểm nhưng cũng bị sưng xuống tận gần đầu gối. Mặt Hùng đanh lại, răng cắn chặt chịu đựng, không thốt một lời nào. Bây giờ ai nấy mới cảm thấy đói quá, đói như cào cấu trong ruột, nhưng không có cái gì để ăn. Sơn xin phép tiểu đội trưởng đi kiếm lá rừng ăn được. Đêm tối không thấy rõ nhưng Sơn có nhiều kinh nghiệm nên mò mẫm đi, khoảng nửa tiếng đã đem về một ôm lá non đủ loại. Sơn giải thích từng loại lá rành mạch khiến ai cũng tin tưởng. Chúng tôi chỉ nhớ được mấy tên như lá két, lá trâm lan, lá bứa, lá bếp, lá kim cang, lá búng (ngon như giá đậu xanh)... Chúng tôi nhai ăn một cách ngon lành, như dự một bữa tiệc thịnh soạn. Vị lá cây vừa chua chua, chát chát, vừa rất tươi mát, ăn vào làm tỉnh cả người, ruột đỡ cồn cào và cũng đỡ khát nước. Nhưng Tựu và Hùng không ăn gì được cả. Chỉ uống nước thôi, mà uống cũng phải tiết kiệm, không dám cho uống nhiều, chúng tôi thì không được uống để dành cho thương binh, vì theo Sơn, ở đây không có nguồn nước nào nữa. Anh nói:
- Cách đây không xa lắm, có một vùng có nhiều củ chụp, tới đó sẽ đào lên và tha hồ mà nấu cháo ăn.
- Sơn giải thích, ta sẽ chặt tre và làm những cái chụp mà đào. Củ rất dài, cắm sâu dưới đất, đào đỡ thì mỗi dây cũng lay lên được nửa củ đủ nấu cháo rồi. Qua đó một chút có một con suối nhỏ quanh năm có nước, ta lấy uống và dự trữ đem theo. Nói đến cháo và nước làm ai nấy mặt sáng hẳn lên, đầy hy vọng. Chúng tôi nghĩ như vậy đã hơn một tiếng đồng hồ, đồng chí tiểu đội trưởng vừa ra lệnh, vừa động viên: “Đứng lên! Các đồng chí, ráng sức đi theo đồng chí Sơn đến rừng củ chụp và suối nước trong. Ta sẽ dừng lại đấy lâu hơn để nấu cháo, các đồng chí thương binh rất cần cháo!”.
Thế là tất cả đều gắng sức đứng dậy, người đã đỡ mệt hơn trước. Nhưng tức thì, không ai bảo ai, mọi người đều nằm mọp ngay xuống - từng tràng bom nổ dữ dội đi đôi với những làn chớp kinh khủng của B.52. Tiếng tiểu đội trưởng reo lên: Địch lại mắc mưu ta rồi. Chúng dội bom xuống “nơi đóng quân của trung đoàn!”. Thế là chúng tôi đứng dậy nhìn về hướng “tác phẩm” của mình ở bờ bắc sông Bé. Từng đợt, từng đợt B.52 trùm cả khu vực các đống lửa. Chúng tôi quên cả đói, quên cả mệt, reo hò hân hoan. Như vậy là chúng tôi đã thành công, đã làm tròn nhiệm vụ giao phó. Hẳn giờ đây, toàn trung đoàn ta đang chuẩn bị rút kinh nghiệm về trận đánh tại nơi đóng quân an toàn.
Chúng tôi lại đi, rời trảng trống vào rừng, rừng ở đây lớn quá, cây cối còn tốt tươi, chưa thấy có dấu vết gì của khai thác, cũng chưa có dấu vết gì của chiến tranh. Chúng tôi nghĩ, hòa bình trở lại thì cây, gỗ này quý giá cho chúng ta biết dường nào. Giờ thì đối với chúng tôi, nó chưa có tác dụng gì. Rõ ràng mọi thứ trên đời phải đặt vào đúng chỗ và sử dụng đúng lúc thì mới rõ chân giá trị. Giờ đây đối với chúng tôi, một gáo nước trong, vài ba củ chụp đã là hạnh phúc biết bao, là mục đích tôi cần cho cuộc sống của đời chiến sĩ rồi”.
Ông già Trí, người chiến sĩ bộ đội địa phương già lại lên tiếng:
- Các bạn ạ, “cuộc sống là như vậy đấy”. Nó vô cùng nghiệt ngã, mà hạnh phúc cũng vô cùng. Cái tối cần là mục đích cuộc sống, lấy mục đích sống mà xác định mọi giá trị trên đời này. Đó là chân lý. Các đồng chí tiền bối của tôi ơi! - tuổi mấy mươi vẫn là tiền bối - các đồng chí đã để lại cho đời, cho chúng tôi và cho mai sau những bài học vô giá về thực tế của sự sống và cái chết của các đồng chí?
- Tôi nghĩ rằng ngày nay - kỹ sư Hà phát biểu - ta đang xây dựng xã hội chủ nghĩa, phải phấn đấu có nhiều của cải, giàu mạnh.
- Đúng vậy - ông Trí gật đầu. Nhưng không phải một lúc mà có tất cả. Phải đi lên từ tro tàn của chiến tranh, từ hai bàn tay trắng. Không chần chờ cũng không đốt cháy giai đoạn. Mỗi giai đoạn phải có chiến lược đúng nếu không thì đừng hòng có toàn thắng hôm nay. Xây dựng cũng vậy thôi.
- Ông già nói chí lý - Tín xen vào. Chuyện lớn, chuyện nhỏ cũng phải xác định phương hướng đúng. Chúng tôi sẵn sàng tự nguyện làm chỗ dựa để các anh xây dựng nông trường mới bên cạnh, giàu có hơn, hiện đại hơn. Không ai đứng một chân ở chỗ đất lún sụp mà chân kia có thể bước tới được, càng không thể bước lên cao. Ông Trí nói, tiếp tục dòng suy nghĩ của ông - “Chúng ta đều muốn nước ta giàu, dân ta hạnh phúc. Nếu không thì hy sinh chiến đấu 30 năm dằng dặc làm gì. Nhưng phải biết ăn biết làm cái gì đây mới được. Chỉ muốn thôi, không đủ. Phải biết nhìn kỹ bàn tay của mình - vừa nói ông vừa rờ hai bàn tay gân guốc của ông ta rồi chỉ xuống đất nói tiếp: - Và mảnh đất màu mỡ đây này”.
Nhân muốn kết thúc câu chuyện vừa cười vừa nói:
- Con người đừng mơ màng thần thông biến hóa như “Tề thiên đại thánh” nhảy một bước lên đến mây xanh. Nhưng bây giờ ta hãy nghe người chết nói đã. Văn làm việc tiếp đi.
Văn đọc:
“Vừa suy nghĩ, vừa lê tấm thân rã rời, vừa dìu từng bước các bạn thương binh, chúng tôi hầu như không đo được không gian cũng không tính được thời gian. Lên đến đỉnh một ngọn đồi, thấp thôi, cây cối thưa thớt thoáng mát, cơn buồn ngủ đã xâm chiếm chúng tôi không gượng lại nổi. Một đồng chí vừa đi vừa ngủ lúc nào không biết, va đầu vào một gốc cây, dội ngược lại ngã xuống. Mọi người tỉnh hẳn, vì ai cũng chập chờn. Tiểu đội trưởng ra lệnh ngồi nghỉ. Một đồng chí nào đó vội hỏi Sơn có còn xa nơi rừng củ chụp không. Sơn đáp: “Còn một đoạn đường nữa thôi nhưng ta đuối quá rồi đã đi được bao nhiêu đường đất đâu”. Tiểu đội trưởng nhắc anh em nghỉ cho đỡ mệt nhưng không ai ngủ vì ngủ thì không dậy nổi nữa để đi.(Còn tiếp)
Cố Thượng tướng TRẦN VĂN TRÀ