Bức thư gửi lại người đang sống

Thứ bảy, ngày 23/04/2016

(BDO) Đất đá văng tứ tung, rơi đập vào đầu, vào lưng chúng tôi, đau điếng. Khi B.52 qua rồi chúng tôi đứng dậy phủi bụi đất và tìm nhau. Tiểu đội trưởng cùng bốn chiến sĩ nữa lần lượt đứng lên. Người nào cũng rờ khắp thân mình xem có bị thương không, rồi vội đi tìm các đồng chí mình. Gặp đồng chí đầu tiên nằm sấp trên mặt đất giữa hai hố bom bị thương ở đầu, không động đậy. Sờ vào tim không còn đập, ngực không còn hơi thở, mép và mũi có những vệt máu chảy xuống má, chân tay đã lạnh, nhưng khắp mình không có một vết mảnh bom nào, chỉ quần áo thì rách tươm. Có thể đồng chí bị sức ép của bom quá mạnh mà người thì đã yếu. Người thứ hai, trời ơi, lại là trung đội trưởng Thành của chúng tôi, đồng chí nằm nghiêng trên bờ một hố bom, nửa người bị nát bét, may mà còn nhìn ra được dáng hình và nửa mặt bên kia. Thế là tiểu đội chúng tôi mất đi người chỉ huy, người đồng chí nhiều kinh nghiệm chiến đấu nhất và cũng là người thạo khu rừng này nhất. Người thứ ba là Tựu, người vạm vỡ nhất trong tiểu đội. Tựu nằm bất tỉnh dưới một cành cây, một cánh tay bị nát và gãy đứt, chỉ còn miếng thịt mỏng và miếng da nối liền với vai trái. Khắp mình bị cây đập, người bị nhiều vết sứt, vết bầm, quần áo tả tơi. Tôi vừa tới thì Tựu mở mắt ra nhìn ngơ ngác như không hiểu sự việc gì xảy ra. Tôi đỡ Tựu dậy, tay trái lủng lẳng, người rã rời. Nhưng may quá chỉ có vết thương cánh tay là nặng. Sau khi đã tỉnh, biết cánh tay trái dập nát không còn tác dụng, Tựu rút dao găm bên mình ra cắt bỏ luôn rồi mới để tôi băng bó giúp. Đồng chí thứ tư gặp được là Sơn, không hề gì đang giúp băng vai mới bị thương cho Hùng, đã bị thương mông trước đây. Như vậy là còn một đồng chí nữa. Đó là đồng chí Bảy Đước quê Cà Mau, là người lớn tuổi nhất trong tiểu đội chúng tôi, người luôn tự hào về quê hương của mình. Bảy Đước thường kể cho anh em nghe những câu chuyện vui của ông Ba Phi vùng U Minh làm ai cũng thích thú. Bảy Đước là con người luôn lạc quan, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người và thường chỉ nói đến một ước mơ: Hòa bình rồi, nước nhà giải phóng rồi, tôi sẽ xin được đi khắp đất nước để nhìn tận mắt mình bà con, làng mạc, cây trồng, đất đai. Tôi mong tất cả mọi miền đều tốt như ở rừng U Minh, lúa, cá nhiều như ở Cà Mau chúng tôi và cây gỗ nhiều như ở miền Đông này và mọi người như anh em trong một gia đình hòa hợp. Chưa tìm được Bảy Đước, chúng tôi đã nhớ đến những câu chuyện anh kể, đến ước mơ mà anh luôn nhắc tới. Chúng tôi chia nhau đi khắp nơi, đến từng hố bom. Cuối cùng chúng tôi tìm ra cây súng tiểu liên của Bảy Đước ở một gốc cây đổ, súng bị cong vẹo. Những mảnh vải ba lô, những mảnh của bộ quần áo độc nhất bằng ni lông mà anh thường bận quanh năm, từng mảnh rách mắc vào cành cây ngã ở một hố bom. Chúng tôi đoán Bảy Đước đã phải chịu cả một quả bom. Thân anh không còn lấy một mảnh, đã trở thành bụi để bón cho đất miền Đông.

Đoàn Bình Giã làm lễ xuất quân tham gia chiến dịch Mậu Thân năm 1968.
(Ảnh: Tư liệu bảo tàng Quân đoàn 4)

Mặt trời đã xế về tây. Chúng tôi vội gom các đồng chí đã chết chôn chung gần một gốc cây lớn chưa bị trốc, những cành lá gãy trơ trụi, giữa vệt tàn phá của B.52. Chúng tôi khắc ba tên vào gốc cây, tuy chỉ chôn được có hai thây đồng đội. Xương thịt của anh Bảy Đước cũng ở đây thôi, chỉ khác là rải rác khắp cùng trên mặt đất mà không phải ở dưới một huyệt nào. Thực tình chúng tôi nghĩ rằng anh Bảy đã chết rồi thì những cái còn lại là trách nhiệm của những người đang sống. Chết như thế nào để cho năm tháng đã sống được gọi là sống, đời người dù 20 hay 70 hay 80 tuổi vẫn chỉ là khoảnh khắc. Cái quan trọng là cái khoảng đời mình dù dài hay ngắn có cái gì để mọi người chứng nhận rằng đã có một con người tồn tại...”.

Ông Trí người lão thành trong đội, từ nãy giờ trầm ngâm bỗng nói to:

- Đúng quá. Các đồng chí vẫn tồn tại mãi mãi trong tâm trí chúng tôi, trong con cháu sau này. Có người đang sống chưa hẳn đã gọi được là tồn tại. Biết sống đã khó. Biết chết cũng đâu phải dễ.

Mọi người im lặng, gật gù, ngẫm nghĩ, không ai đáp lời, giống như lời nói bây giờ là thừa, đến nỗi Văn cũng im không đọc tiếp. Trời đứng gió. Cây lá xung quanh phăng phắc, không một lay động giống như cùng tham gia vào cuộc chuyện trò giữa những người chết và những người sống. Rừng cây, đất đá ở đây hẳn là tự hào đã chứng kiến một sự kiện diễn ra từ đầu thời chiến tranh cho tới thời hòa bình. Năm phút trôi qua mới có người nhắc Văn đọc tiếp:

“Chúng tôi tập hợp đi tiếp về phía đông bắc. Còn lại tất cả 8 người, trong đó có 2 là thương binh mà mọi người phải chia sẻ thêm một phần sức lực để dìu đi. Các đồng chí thương binh muốn từ chối tất cả sự giúp đỡ. Không muốn tiểu đội còn ít ỏi, bị mệt nhoài, lại phải gánh thêm gánh nặng “Chúng tôi không là gì cả, đừng phí thêm sức của tiểu đội”. Anh em thương binh nói vậy.

Các đồng chí đó nghĩ cũng đúng. Bản thân chúng tôi mỗi người không là gì cả đối với vận mệnh của dân tộc. Đừng nghĩ đến mình quá trong những giờ phút lịch sử này.

Các đồng chí thương binh nghĩ như vậy, nhưng chúng tôi thì không thể như vậy. Nghĩa cả có nên được là phải do sự cộng sức của mọi người: “Đông có mày, tây có tao” mà. Chúng tôi đã cùng sống chết có nhau, không thể lúc khỏe thì khăng khít, mà lúc bị thương, kiệt sức thì “bay chết mặc bay”. Bản thân mình khi cần sẵn sàng hy sinh không do dự, nhưng phải biết nâng niu quý trọng từng sức lực nhỏ còn lại của mỗi người. Sống có nhân nghĩa, có thủy có chung, vì bè vì bạn là lẽ sống của người Việt Nam từ ngàn xưa như vậy. Chúng tôi lại nhớ đến lời Bác Hồ: “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa. Từ khi có Đảng ta lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà”. Các đồng chí thương binh ơi! Chúng tôi không thể bỏ bạn bỏ bè nửa chừng. Hãy để chúng tôi mang hết súng ống đồ đạc cho các đồng chí, dìu các đồng chí đi, dù cho chúng tôi có kiệt sức thì đến lúc nào đó chúng ta cùng nằm xuống trên mảnh đất thân yêu này”.

Văn không đọc được nữa, sau lưng anh, hai cậu thanh niên khóc nấc lên thành tiếng. Văn cũng lấy khăn tay chặm mắt.

Tín lẩm bẩm: Phải, sống có tình có nghĩa, đồng bào, đồng chí. Trong chiến đấu sống chết có nhau, vì nhau. Trong sản xuất cũng phải có lý, có tình mới có hiệu quả. Không có trách vụ nào, dù nhỏ dù lớn mà lại không phải là mệnh lệnh của khối óc và trái tim. Toàn nông trường chúng con phải học theo lời dạy của Bác Hồ, sẽ noi tấm gương cao quý về những lời tâm huyết để lại của những người đã mất.

Anh Nhân đề nghị ngừng nghỉ chốc lát, lấy nước ra uống rồi sẽ tiếp tục. Không khí trầm lặng bao trùm cả ba bộ xương trên võng và những người sống ngồi quanh đây, như có cái gì thiêng liêng đã nối thông họ lại với nhau, như quyện nhau làm một trong không gian lặng lẽ của rừng già.

Sau 15 phút, Văn lại lấy giọng và đọc:

“Tiểu đội trưởng ra lệnh. Đến rừng chúng ta còn phải nhử địch cho chúng đuổi theo đúng như anh Thành, trung đội trưởng kính yêu đã chỉ thị, giữ địch ít nhất hết ngày nay. Kìa, khu trục, trực thăng đã thả bom bắn hỏa tiễn khắp khu rừng giáp với vệt B.52 rồi. Nếu kiểm tra không thấy dấu vết gì của trung đoàn chúng ta, chúng lại quay về đuổi theo hướng khác thì không hay tí nào. Này, chúng ta hãy ráng hết sức đi nhanh hơn, vượt “Sông Bé”. Đường đi thật là gian nan nhưng không thể tránh ngã khác được cứ phải trèo lên tụt xuống lúc thì gò đất lúc thì thân cây, cành lá chằng chịt. Thế nhưng phải đi nhanh và phải dìu thương binh. Nhưng rồi mọi người cũng đã qua được hết. Lại vượt rừng bỏ xa khu vực này để bảo đảm an toàn hơn. Nhìn đất đai, cây lá, đồng chí Sơn reo lên “Sắp đến bờ sông Bé rồi”. Sơn quê xã Phước Sang, huyện Phú Giáo, nhà nghèo, từ nhỏ đã sống nhờ rừng. Vì vậy, đồng chí thuộc rừng miền Đông như thuộc từng đường mòn, bụi cây trong xóm mình sinh đẻ. Khi trung đoàn cần hành quân đến bất cử địa điểm nào ở nguồn sông Đồng Nai hay nguồn sông Bé và bất cứ xuất phát từ đâu, Sơn đều có thể cắt rừng đưa đơn vị đến nơi chính xác theo đường gần nhất. Anh có thể kể rành rọt đâu có bàu nước, suối con, đâu có sườn núi cao, có khe hẻm khó qua. Tuyệt nhất là anh biết cách sống ở rừng bằng các loại lá cây thế lương thực. Anh biết ở vùng nào có trái cây nuôi sống như trái trám, trái gùi, xoài mút... ở đâu có củ mài, củ chụp hoàn toàn có thể thay cơm gạo, anh còn nhớ rõ các “Xóm voi”, “Xóm heo rừng”, “Nhà nai”, “Bàu sấu”... Nhìn lá nhìn thân cây, anh biết ngay đó là loại gỗ quý gì, cỡ bao nhiêu tuổi... Tiểu đội chúng tôi từ lâu đã có những bữa ăn thịnh soạn thực sự nhờ anh biết cách bắt chim cò ngãng, một loài chim sống rất nhiều trong rừng toàn miền Nam nước ta, lớn bằng chim bồ câu nhưng thịt chắc và nhiều hơn. Khi có lệnh nghỉ, anh liền tách ra khỏi hàng quân vào rừng vài ba mét, giăng lưới, thổi. Trong thời gian ngắn ngủi ấy, anh cũng bắt được có khi 5, 6 con, ít ra cũng được vài ba con. Hành quân đến địa điểm cắm trại là có một bữa ăn ngon và bổ cho tiểu đội rồi và còn chia cho tiểu đội khác nữa. Anh Thành, trung đội trưởng cũng rành như vậy nhưng nay thì anh đã nằm lại dọc đường. Giờ đây cả tiểu đội chúng tôi dựa vào Sơn như cột trụ. (Còn tiếp)

Cố Thượng tướng TRẦN VĂN TRÀ