Bức thư gửi lại người đang sống

Thứ tư, ngày 20/04/2016

(BDO)  LTS: “Bức thư gửi lại người đang sống” là câu chuyện rất cảm động của cố Thượng tướng Trần Văn Trà, được in trong tập hồi ký “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” của ông. Chuyện kể rằng: Sau trận đánh thắng lợi của quân ta ở Bông Trang - Nhà Đỏ, nhằm bảo đảm rút lui an toàn, quân ta đã thực hiện mưu kế nghi binh. Đơn vị được giao nhiệm vụ này là: Chiến sĩ Tiểu đội 1, Trung đội “Ký Con” của Trung đoàn Bình Giã chủ lực Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ nghi binh, tiểu đội chỉ còn lại 3 người bị thương rất nặng, họ giăng võng giữa rừng Chiến khu Đ và lần lượt trút hơi thở cuối cùng. Sau ngày hòa bình, người ta phát hiện có 3 bộ hài cốt nằm giữa rừng, trong đó có một “Bức thư gửi người đang sống”… Nội dung bức thư là một thông điệp cực kỳ sâu sắc, là bản anh hùng ca một thuở cháy bỏng lòng yêu nước. Con người, sự kiện trong câu chuyện này là một ẩn số đang được độc giả cả nước rất quan tâm. Nhân kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Báo Bình Dương trân trọng giới thiệu toàn bộ truyện ngắn này đến độc giả.

 

 

Trung đoàn 1 chủ lực Miền chiến thắng trận Bình Giã nhận danh hiệu mang tên “Đoàn Bình Giã”, tháng 1 năm 1965 (ảnh tư liệu)

Suốt một ngày trời mà đoàn người chưa đi được bao nhiêu đường đất. Bởi lẽ họ mất gần hết buổi sáng thả dọc sông Đồng Nai, mê mải ngắm nhìn màu xanh ngút ngàn của nông trường “giải phóng” được xây dựng từ ngày hòa bình lập lại. Vừa buông tay súng, một bộ phận cán bộ và chiến sĩ Quân giải phóng miền Đông đã cầm ngay dao, rựa, cuốc, xẻng, lái máy ủi đất, phá rừng vỡ hoang, trồng cây lương thực, định kế lâu dài. Tiếp tục cuộc đời chiến sĩ trên mặt trận sản xuất, họ vẫn bám núi rừng đất đai màu mỡ, cái vốn bao dung dân tộc muôn đời sẵn có, để làm giàu cho đất nước còn nghèo nàn lạc hậu lại bị tàn phá suốt mấy mươi năm. Bên bờ tả ngạn, ba nghìn mẫu ruộng thấp vừa thu hoạch xong vụ lúa đông xuân và nay đang chuẩn bị cho vụ hè thu. Xa xa về phía bắc trên các ngọn đồi cao, cây bị chặt thấp cho ra nhiều cành lá, một đàn dê, cừu đông đúc rướn mình trẩy từng chùm lá xanh ngon. Còn bên hữu ngạn nơi họ đang đi theo con đường ngoằn ngoèo men dọc bờ sông thì hàng trăm mẫu chuối, mỗi buồng có đến chục nải; hàng trăm mẫu đu đủ thấp lè tè, trĩu trái, trồng ngay hàng thẳng lối. Xen kẽ thưa thưa giữa chuối và đu đủ là những cây cọ dầu vươn hẳn lên cao, tạo thành một tầng lá đẹp đẽ reo vui trước gió. Thấy mọi người nhìn ngó trầm trồ, Tín - Phó Giám đốc nông trường cùng đi với đoàn, giải thích:

Nói thật với các anh, chúng tôi đã phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được như ngày nay. Mà khó nhất lại là thắng những cám dỗ của cái cảnh phồn hoa đô hội của thành phố. Nhiều anh em nghĩ rằng thắng giặc rồi ta bỏ rừng núi về đô thị tha hồ mà sướng, cái gì cũng có, chỉ trong vài bốn năm, nước ta sẽ giàu mạnh không kém ai. Đâu phải chuyện giỡn, họ lầm giữa tiềm năng và hiện thực!

Đúng - ông già Trí trong đoàn nói - cánh lính chúng mình thực tế thật. Chiến đấu không thể mơ mộng được. Làm ăn cũng vậy thôi. Đánh giặc khó rồi, sản xuất càng không dễ. Chỉ khác là đánh giặc tồi thì hậu quả là chết hàng loạt ngay trước mắt, còn sản xuất kém thì chết dần chết mòn. Đến vỡ nợ rồi mới biết. Chung quy là phải lấy kết quả thực tế mà kiểm nghiệm và kịp thời rút ra kết luận thôi.

Một người khác xen vào:

Dù sao các anh đã có cơ sở vững vàng rồi, chúng tôi bây giờ mới khó hơn, bắt đầu xây dựng mà.

Kỹ sư Phố trẻ tuổi hăng hái nói ngay:

Nhưng đừng chủ quan nhé, chúng tôi tìm được đất trồng cây trái xuất khẩu, lập nhà máy chế biến tại chỗ với nguồn điện Đa Nhim và sau này điện Trị An nữa thì có thể… Chúng tôi sẽ vượt các anh, anh Tín ạ.

Hay đấy - Tín trả lời - các anh cố gắng mà vượt. Chúng tôi cố gắng không để các anh vượt. Chúng ta cùng đi lên, hai bên đều có lợi thôi.

Đó là vào mùa xuân 1984, đoàn người từ thành phố lên đây, dựa vào nông trường “giải phóng” đi sâu vào rừng mênh mông chưa khai thác để tìm nơi đất tốt lập nông trường trồng cam, quýt… xuất khẩu. Trưởng đoàn là Nhân - một người đứng tuổi, to lớn khỏe mạnh, nước da ngăm đen, tánh tình điềm đạm ít nói. Vốn là một thượng tá quân đội chuyển ngành, trước đây đã dày dạn chiến đấu khắp các tỉnh miền Đông này và đã từng là tham mưu trưởng của một sư đoàn chủ lực. Anh em thường nhận xét về anh: dường như anh Nhân chỉ nói khi cần thiết phải nói thôi. Anh quen biết nhiều với Tín khi Tín còn là tiểu đoàn trưởng rồi sau là trung đoàn trưởng của một sư đoàn khác, nhưng cùng chiến trường. Tín là công nhân xe lửa Sài Gòn, đi chiến đấu từng ngày Pháp quay trở lại đánh ta, người rất chín chắn. Đã nói là làm không sai chạy. Rất kiên dũng khi đánh giặc. Trong đoàn còn có kỹ sư nông nghiệp Phố, kỹ sư địa chất Hà, đều mới ra trường và nhiều người khác ở nhiều lứa tuổi như ông Trí - người chiến sĩ bộ đội địa phương năm xưa của tỉnh Thủ Biên rành địa thế. Ông hay trầm ngâm suy nghĩ, đố ai biết ông nghĩ những gì. Điều ấy đặc biệt phù hợp với nét mặt xương xương và thân hình gầy guộc của ông. Tất cả ăn bận gọn gàng, cõng ba lô trên vai, bi đông, võng, dép râu như các chiến binh thời chiến. Mới qua chín năm hòa bình, thói sinh hoạt, thói quen, suy nghĩ trước đây chưa đến nỗi phai mờ trong họ.

Họ tách khỏi bờ ở một đoạn sông ngoằn ngoèo, đi về hướng tây rồi ra khỏi giới hạn nông trường, xuyên vào rừng rậm. Đây là một cụm rừng nguyên thủy, chưa bị tàn phá và khai thác, có lẽ vì xa xôi và trước đây không có đường sá thuận lợi, toàn là cây to lâu năm như cẩm lai, gõ, mun, bằng lăng mặt võng, nu, sao… Tín sôi nổi giới thiệu:

Khu rừng này rộng đến 30 nghìn mẫu, gỗ quý nhiều, thú rừng lắm loại. Chúng tôi cực nhọc lắm mới bảo vệ được. Đã bắt và đuổi đi một số tên bất trị định vào đốn cây, làm củi cũng như các thợ săn tinh ranh, mới giữ được nguyên vẹn như thế này đây. Chiến sĩ ta ai mà không quý rừng, anh Nhân nhỉ?

Phải, hồi chiến tranh, chúng ta xuýt xoa tiếc rẻ khi nhìn những cây gỗ quý mấy người ôm bị bom đào trốc gốc và những cánh rừng già bị chất độc hóa học làm cho tàn tạ xác xơ.

Anh nhớ không? Ông Năm Quốc Đăng ấy mà. Gặp chiến sĩ nào chặt một cây gỗ quý, cốt một cây xoài mút hái trái ăn thì chết với ông ấy. Đã có lần ở Khu A, ông vác gậy đuổi cán bộ chiến sĩ chạy khắp rừng - Ông nói: “Bao nhiêu năm mới được một cây lớn như vậy sao không biết quý? Năm nay chặt cây xuống ăn trái thì sang năm lấy gì mà ăn?”. Chí lý lắm chứ anh!

Mãi chuyện trò họ đã đến một nơi rừng thưa, trũng, có con suối nhỏ chảy róc rách trong lòng cạn đầy sỏi đá. Chiều rồi, mặt trời đã lặn từ bao giờ. Xa xa bóng tối đã bắt đầu hạn chế tầm nhìn và không mấy chốc màn đêm như sắp choàng lên ngọn cây quanh họ. Đoàn trưởng quyết định hạ trại trên bờ suối, gom củi đốt thành một đống lửa to tướng, treo ga-mên nấu nước uống và đưa cơm vắt thịt kho ra ăn. Họ giăng võng quanh đống lửa, ngủ một đêm rừng dưới bầu trời sao để sống lại giây lát thời chiến tranh. Thích thú là những thanh niên mới lớn lên, chưa biết rừng núi, chưa biết giăng võng kiểu anh chiến sĩ giải phóng ngày trước. Họ xem như một buổi đi cắm trại, đắm say trước cảnh yên lặng của rừng đêm và ánh sáng bập bùng của lửa.

Sáng tinh mơ họ đã dậy. Gà rừng gáy vang khắp phía. Một cặp nai ngơ ngác kiếm ăn dọc suối, bị bất ngờ gặp người, “bép” mấy tiếng hoảng sợ rồi cất vó lao nhanh khuất vào bụi rậm. Họ lại lên đường dò theo bản đồ và địa bàn - giữ đúng hướng đi. Ra khỏi rừng già, họ mệt nhọc vượt mấy ngọn đồi liên tục, cây thưa đất sỏi cằn cỗi. Mặt trời đã nhô khỏi ngọn rừng, tỏa nắng vàng rực rỡ ôm trùm cảnh vật. Vượt khu đồi, băng qua một trảng trống rộng đầy cỏ - có lẽ ở đây chăn nuôi tốt. Họ lại đi vào rừng, phát hiện một dải đất đỏ ba-zan khá rộng - đất trồng cây công nghiệp đây rồi. Nhưng ra khỏi dải đất đỏ lại tiếp một vùng đất đen màu mỡ, cây cối xanh tươi. Trưa rồi, nhưng họ cứ hồ hởi tiến bước, quên cả mệt nhọc, cố xác định chiều rộng của vùng đất phì nhiêu. Qua mỗi vùng, họ đào lấy một mớ đất đá cho vào túi ni-lông mang theo, ghi chép cây cỏ họ gặp, xác định chiều cao của rừng và chiều dày của đất. Càng đi tới, cây càng tốt và trước mặt họ hiện ra một dãy rừng tuyệt đẹp, cây không to và mọc không dày lắm, gần giống như một rừng trồng, mặt đất khô ráo, gió thoang thoảng hương hoa. (Còn tiếp)

 Cố thượng tướng TRẦN VĂN TRÀ

Từ khóa: