Bục giảng không giáo án!

Thứ năm, ngày 01/03/2012

Thường, sau khi nghỉ hưu ai cũng muốn dành thời gian cho mình để bù đắp lại một thời bận rộn. Ấy vậy, vẫn có những con người lại bận rộn hơn với những việc đặc biệt hơn sau khi nghỉ hưu. Mặc dù không “đao to, búa lớn”, nhưng công việc của họ chứa đựng giá trị nhân văn cao cả. Ông - Thầy - Bùi Công Nông ở phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An là một điển hình như thế.

Cựu cán bộ công an đi dạy... viết chữ đẹp

Từng là công an, nghỉ hưu ông Bùi Công Nông đã dành thời gian để đi học viết chữ đẹp, sau đó bắt đầu đi dạy luyện chữ đẹp cho con cháu, đặc biệt là dạy viết chữ từ thiện cho các em khuyết tật ở khắp mọi nơi, từ Bình Dương đến TP.HCM, Tiền Giang, Thanh Hóa... Gặp ông trong một dịp đầu xuân Nhâm Thìn 2012 để xin “thưởng thức” những nét chữ đẹp, khiêm tốn ông nói: “Tôi có sở thích luyện viết chữ đẹp nên đã dành thời gian để đi luyện viết chữ đẹp tại các trung tâm ở TP.HCM. Không riêng tôi, mà bất cứ ai nếu có sở thích thì cũng có thể luyện viết được chữ đẹp. Tôi nhận thấy hiện có rất nhiều người viết chữ chưa đẹp. Đi học để viết chữ đẹp trước tiên là để giúp các cháu trong gia đình, con cháu bạn bè và sau đó là để cống hiến cho xã hội...”.

   Thầy Nông trong một buổi dạy các em luyện viết chữ đẹp  Thầy Nông kèm cặp các em học sinh nghèo tại nhà Thầy Nông chụp ảnh lưu niệm với các em học sinh tại Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An

Ông - Thầy Nông quan niệm, nét chữ là nét người. Không có chữ xấu, cũng không có con người xấu mà chỉ có sự thiếu rèn luyện, giáo dục, quan tâm của gia đình và xã hội mới đưa đẩy con người sa ngã. “Tôi đã có dịp đến dạy luyện chữ đẹp cho các em tại trường thiếu niên hư hỏng ở quận Gò Vấp (TP.HCM). Chỉ sau 8 buổi, tôi nhận thấy các em thay đổi hẳn từ nét chữ đến tính cách, lối ứng xử và cả những tình cảm”, thầy Nông nhớ lại. Có nghe thầy Nông tâm sự mới hiểu tại sao thầy lại tâm đắc với việc luyện chữ đẹp đến như vậy! Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc luyện viết chữ không còn phổ biến như trước đây, song giá trị của việc rèn chữ ở đây cũng giống như bất kỳ một môn học khó nào đó. Nó cần phải có sự chuyên cần, trau chuốt, khổ luyện mới thành công. Nếu không tạo được thói quen này, mà cứ vội vàng, cẩu thả thì sớm muộn gì chữ cũng xấu. Các môn học khác hay việc làm khác cũng vậy, đó là ý chí, là sự kiên nhẫn nếu muốn thành công.

Sau khi đã thành công việc luyện viết chữ đẹp cho những người trong gia đình và con cháu bạn bè, thầy Nông có suy nghĩ táo bạo hơn- luyện viết chữ đẹp cho người khuyết tật. Đây là công việc vô cùng khó khăn, bởi phải tiếp cận với những con người không trọn vẹn như câm, điếc... Tuy nhiên, cũng như việc rèn chữ, bằng những khả năng rất riêng của mình, thầy Nông đã dạy thành công cho các em có phận đời không may mắn. 

Chẳng quản đường xa

Năm nay 56 tuổi, cái tuổi cần nhiều thời gian nghỉ ngơi, nhưng ông vẫn không ngại đường xa, một mình “khăn gói” đến tận những nơi cần có sự rèn luyện, sẻ chia trong cuộc đời. Không chỉ dạy các em khiếm thính ở TX.Thuận An, thầy Nông còn tham gia dạy cho nhiều trẻ khác ở làng S.O.S tại quận Gò Vấp. Tiếng lành đồn xa, thầy được nhiều nơi mời về dạy chữ, như trường câm điếc ở Tiền Giang, các trường tiểu học ở xã An Long (Phú Giáo), xã Lai Uyên (Bến Cát) của Bình Dương. Rồi 12 giáo sinh của trường đại học ở Đồng Nai, hơn 80 giáo sinh của trường Đại học Sư phạm TP.HCM cũng đã cắp tập vở theo thầy luyện chữ...

Thầy Nông cũng đã từng lặn lội ra tận xã Quảng Long, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình để luyện chữ đẹp cho các em. Lần đầu có người còn nghi ngại, nhưng sau 10 buổi dạy thì toàn bộ học sinh và thậm chí cả thầy cô giáo của 2 trường tiểu học và mầm non nơi đây đã viết chữ rất rõ ràng, đẹp hơn. Cũng trong năm đó, học trò của thầy Nông đã đạt được giải cao trong đợt thi viết chữ đẹp cấp tỉnh. Không những thế, thầy Nông còn dành dụm tiền để tài trợ cho trường dạy tiếng Anh cho các em. Với những tình cảm sâu nặng ấy, đến tận bây giờ thầy Nông vẫn còn nhớ mãi những kỷ niệm khó quên. Vào cái ngày chia tay ấy, thầy trò nơi đây ai cũng rơi lệ không nói nên lời, còn phụ huynh và cán bộ chính quyền địa phương thì ngậm ngùi, luyến nhớ.

“Giáo án” tình thương

Bằng tình thương, sự an ủi để cảm hóa các em khuyết tật, thầy Nông đã có những thành công hơn mong đợi. Ở thầy, các em học sinh khiếm khuyết tìm được sự sẻ chia, sự vị tha, quý mến nên đã nghe theo lời dạy của thầy. Thầy còn giúp các em vượt qua được sự tự ti để vươn lên trong cuộc sống qua việc luyện chữ. Thành công từ việc luyện chữ cũng cho các em thấy rằng, một công việc dù lớn, dù nhỏ muốn thành công đều phải có sự khổ luyện. Sự khổ luyện sẽ đem lại cho cuộc sống những điều tốt đẹp hơn, bớt đi những tủi hờn mà các em đã gánh chịu trong cuộc đời này.

Nhớ lại lần đầu tiên thử tiếp cận với các em khiếm thính tại Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An, thầy Nông nói: “Tôi nhận thấy khả năng tiếp thu rất nhanh của các em chứ không như mọi người nghĩ”. Được sự ủng hộ nhiệt tình của cô hiệu trưởng và các Sơ tại trung tâm này, thầy Nông lên lớp đều đặn hơn và đã thành công sau 10 buổi dạy. Nét chữ của các em khiếm thính đã tròn hơn, đẹp hơn và không còn nghiêng ngả như trước. Chính điều đó đã làm cho các giáo viên và học viên đều rất đỗi vui mừng, nên không chỉ các em học viết chữ đẹp mà còn tạo nên một phong trào trong cả trung tâm, từ học sinh đến giáo viên.

Phương pháp dạy của thầy Nông cũng rất khác thường, để thu hút được sự chú ý của các em, đặc biệt là các em học sinh khuyết tật, thầy đã dùng cả những động tác tay chân, nét mặt để minh họa. Đối với những lớp học luyện chữ, thầy không bao giờ dùng hình phạt, mà chỉ có tình yêu thương và sự khích lệ để động viên tinh thần các em; giúp các em nhận ra sự khiếm khuyết để nỗ lực phấn đấu nhiều hơn. Công việc của thầy Nông tuy nhỏ, nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa mang giá trị nhân văn! Bởi theo thầy Nông, có bao nhiêu nét chữ thì có bấy nhiêu tính cách con người và để luyện chữ, luyện người cũng cần có bấy nhiêu tình thương yêu.

TRUNG ĐỒNG