BS Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế: Chiến dịch sẽ góp phần phòng chống dịch bệnh hiệu quả hơn…

Thứ tư, ngày 01/06/2016

(BDO) Chiến dịch “Tổng vệ sinh môi trường và Truyền thông phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH), bệnh do vi rút Zika và bệnh tay chân miệng (TCM)” là một chiến dịch lớn được tổ chức hàng năm trong phạm vi toàn tỉnh. Để hiểu hơn về chiến dịch năm nay, phóng viên báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bác sĩ (BS) Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế (ảnh).

- Mùa mưa đã bắt đầu, nguy cơ bùng phát bệnh SXH, bệnh do vi rút Zika và bệnh TCM trong cộng đồng là rất lớn. Đến thời điểm này, ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch như thế nào, thưa BS?

- Năm 2015, Bình Dương là một trong các tỉnh, thành phố có số bệnh nhân mắc và tử vong do SXH đứng đầu cả nước. Trong các tháng đầu năm 2016, diễn biến bệnh SXH vẫn còn rất phức tạp. Ngành y tế Bình Dương đã tích cực, chủ động trong công tác phòng chống SXH. Việc điều tra ca bệnh, giám sát ổ dịch, đẩy mạnh công tác điều trị và phun hóa chất diện rộng diệt muỗi được tiến hành cùng lúc. Đặc biệt, công tác vệ sinh môi trường đã được triển khai từ năm 2015 đến nay tại các xã, phường, thị trấn trọng điểm. Do đó, tình hình dịch bệnh SXH đã cơ bản được khống chế. Hiện nay, Bình Dương chưa có trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika. Tuy nhiên, do muỗi truyền bệnh Zika cũng chính là muỗi Aedes truyền bệnh SXH nên nguy cơ dịch bệnh do vi rút Zika có thể xảy ra tại Bình Dương.

Hiện mùa mưa đã bắt đầu, tạo điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH và Zika phát triển, nguy cơ bùng phát 2 loại dịch bệnh này rất cao. Ngành y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế công lập và ngoài công lập triển khai các biện pháp phòng chống dịch, chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, dịch truyền; tổ chức tập huấn kiến thức phòng chống dịch bệnh SXH, Zika cho cán bộ y tế… sẵn sàng xử lý triệt để ổ dịch và nâng cao hiệu quả cấp cứu, điều trị bệnh nhân.

Đặc biệt, ngành y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 1251/KH-UBND ngày 27-4-2016 “Triển khai Chiến dịch Tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng chống dịch bệnh SXH, Zika và TCM trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2016”. Để khởi động cho chiến dịch năm nay, ngành y tế đã xây dựng kế hoạch lễ phát động chiến dịch “Nhà nhà diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết”. Lễ phát động và thực địa sẽ được tổ chức vào ngày 3-6-2016 tại TP. TDM.

- So với những năm trước, chiến dịch năm nay có điểm gì mới, thưa BS?

- So với những năm trước, chiến dịch năm nay có nhiều điểm mới. Về tên gọi, năm nay chiến dịch có tên gọi là “Chiến dịch Tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng chống dịch bệnh SXH, bệnh do vi rút Zika và tay chân miệng”, nghĩa là trong hoạt động của chiến dịch sẽ bao gồm tuyên truyền, vận động phòng chống cả dịch bệnh Zika là bệnh mới phát sinh trong năm 2016. Về thời gian tổ chức, chiến dịch sẽ diễn ra từ tháng 5 đến tháng 12- 2016 (Những năm trước chiến dịch chỉ chia làm 2 đợt). Về địa bàn tổ chức, những năm trước chiến dịch tổ chức dàn trải trên các địa phương toàn tỉnh.

Năm nay, chúng tôi tổ chức chiến dịch có phân biệt địa bàn trọng điểm và địa bàn không trọng điểm. Qua khảo sát, chúng tôi chọn 3 địa bàn trọng điểm là: TP.TDM, TX.Dĩ An và TX.Thuận An gồm tổng cộng 5 phường, 34 khu phố/ấp. Về phương pháp triển khai thực hiện: Địa bàn trọng điểm sẽ tổ chức nhiều hoạt động tổng hợp như truyền thông, vãng gia, xử lý ổ dịch vệ sinh môi trường 2 tuần/lần với sự tham gia của nhiều ban, ngành, đoàn thể cùng người dân tại địa phương nhằm giải quyết triệt để các vật dụng nguy cơ và vật dụng chứa nước có lăng quăng; địa bàn không trọng điểm sẽ tổ chức truyền thông, chủ yếu qua các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình bệnh Zika, SXH và TCM, các biện pháp phòng tránh cũng như vận động người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh.

- Theo kế hoạch của UBND tỉnh, năm nay chiến dịch được tổ chức từ tháng 5 đến tháng 12-2016. So với những năm trước, chiến dịch năm nay dài hơn rất nhiều về mặt thời gian. Tại sao lại có sự thay đổi nhiều như thế, thưa BS?

- Như đã nói ở trên, năm nay chiến dịch có nhiều điểm mới, trong đó có điểm mới về thời gian tổ chức chiến dịch, không tổ chức 2 đợt như các năm trước mà triển khai suốt từ tháng 5 đến tháng 12-2016. Việc kéo dài thời gian tổ chức chiến dịch có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, tình hình bệnh Zika, SXH có diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Số mắc bệnh đang tăng cao tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bình Dương cũng là tỉnh có số mắc SXH cao, vì vậy chúng tôi tổ chức chiến dịch có thời gian dài hơn những năm trước. Thứ hai, mùa mưa thường diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11, là mùa thuận lợi cho sự phát triển của muỗi Aedes. Nếu chúng ta chỉ tổ chức 2 đợt chiến dịch như những năm trước thì kết quả phòng chống dịch bệnh sẽ không kéo dài, số ca mắc sẽ tăng cao sau khi kết thúc chiến dịch và do đó nguy cơ dịch vẫn có thể xảy ra.

Tổ chức chiến dịch thời gian dài, có trọng điểm, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể sẽ tạo cho người dân ý thức, sự thay đổi hành vi, tự giác hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình họ. Từ đó, chúng tôi hy vọng hiệu quả phòng chống dịch bệnh sẽ tăng cao hơn những năm trước đây.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

 HỒNG THUẬN (thực hiện)