Brexit và chuyến đi may – rủi

Thứ sáu, ngày 07/02/2020

(BDO) Tuyên bố ngắn gọn của Hội đồng châu Âu nhấn mạnh: “Kể từ thời điểm đó (23h00 giờ GMT ngày 31-1) trở về sau, Vương quốc Liên hiệp Anh sẽ không còn là một quốc gia thành viên EU".

Brexit đang mở ra một “Giai đoạn chuyển tiếp” trong quan hệ giữa Anh và EU kéo dài 11 tháng (tới ngày 31-12) để đàm phán về mối quan hệ giữa 2 bên trong tương lai. Trong giai đoạn quá độ này, Anh sẽ tiếp tục áp dụng luật pháp của EU, song sẽ không còn được đóng góp đại diện trong các tổ chức EU.

Những thay đổi nhãn tiền

Sẽ có nhiều thay đổi trong cuộc sống của người dân ở 2 bên khi diễn ra Brexit. Hộ chiếu của công dân Anh được cấp trước ngày 31-1-2019 là màu đỏ Bordeaux nhưng kể từ ngày 1-2, người dân Anh sẽ được nhận hộ chiếu có màu xanh nước biển.

Tại các cửa khẩu, công dân Anh sẽ tiếp tục được xếp hàng nhập cảnh cùng với công dân các quốc gia thành viên EU cho tới muộn nhất là vào ngày 31-12-2020. Và một khi giai đoạn quá độ kết thúc, họ sẽ phải xếp hàng nhập cảnh vào châu Âu tại cửa dành cho công dân các nước ngoài châu Âu và sẽ phải mất nhiều thời gian chờ đợi hơn. Những người kém may mắn nhất có lẽ là các sinh viên. Sinh viên châu Âu đã đăng ký học tại đại học của Anh và ngược lại, vào tháng 9-2020, dự kiến sẽ phải trả một khoản phí "trái tuyến".

Ngoài ra, sau năm 2021, một sinh viên châu Âu chẳng hạn, có thể sẽ phải trả tới 30.000 euro để học tại Anh. Điều này cũng sẽ tương tự đối các sinh viên Anh, dù rằng phí đăng ký nhập học tại các trường đại học châu Âu thấp hơn gấp 2 lần so với các đại học của Anh.

Thủ tướng Anh Boris Johnson trên con đường đầy chông gai để đưa nước Anh rời khỏi EU. Ảnh: politico.eu.

Trong khi đó, trong năm 2020, chuyển vùng quốc tế sẽ vẫn miễn phí, tuy nhiên kể từ ngày 1-1-2021, những người sử dụng điện thoại di động Anh có thể sẽ phải trả phí chuyển vùng quốc tế khi tới EU và ngược lại. Vương quốc Anh bắt đầu đàm phán về các thỏa thuận thương mại với EU.

Giới quan sát châu Âu cho rằng tiến trình đàm phán này sẽ phải tốn nhiều thời gian và công sức của cả hai bên. Và nước Anh thực sự không còn ảnh hưởng trong các quy định, luật lệ của EU.

EU sẽ tìm cách duy trì quyền đánh bắt cá của mình tại vùng biển của Anh sau năm 2021. Vấn đề này sẽ là một điểm chính trong các cuộc đàm phán thương mại trong suốt năm 2020.

Điều thực sự thay đổi sau Brexit, đó là EU sẽ lần đầu tiên mất đi một quốc gia thành viên, một trong những quốc gia lớn nhất và giàu nhất, chiếm 15% sức mạnh kinh tế. Với sự ra đi của 66 triệu người, EU sẽ chứng kiến dân số giảm xuống còn 446 triệu người. Lãnh thổ của EU sẽ giảm 5,5%. Là công dân của một quốc gia ngoài EU, người Anh sẽ không còn có thể đảm nhận các vị trí công chức tại Brussels.

Vùng đệm không yên ả

Điều mà cả EU và Anh lo ngại nhất chính là giai đoạn chuyển tiếp. Đây được xem là giai đoạn nhạy cảm và được tiên đoán là rất phức tạp vì nó sẽ phải giải quyết tranh chấp thương mại cũng như hợp tác trong các vấn đề như an ninh và tình báo, tiêu chuẩn cho hàng không dân dụng, tiếp cận vùng biển quốc tế để đánh cá, tham gia chương trình trao đổi sinh viên Erasmus, cung cấp điện và khí đốt hoặc quy định về thuốc... Không chỉ thế, EU sẽ không cho phép Anh tiếp cận thị trường chung châu Âu mà không tuân thủ các quy định về lao động, thuế quan và môi trường...

Tuy nhiên, cả Anh và EU đều khẳng định mong muốn sẽ mở ra một tương lai mới thật suôn sẻ. Các nhà lãnh đạo hàng đầu của EU gồm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli đã cùng công bố một lá thư gửi tới Anh, trong đó khẳng định việc London rời EU mở ra một "bình minh mới" cho châu Âu.

Ở phía bên kia, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng nêu rõ Brexit không phải là một sự chấm hết mà là một sự khởi đầu mới, đánh dấu thời điểm cho sự đổi mới và những hành động thay đổi đất nước.

Để tránh cú sốc cho cả EU và nước Anh, mục đích của giai đoạn chuyển tiếp là để London và Brussels nhất trí về mối quan hệ trong tương lai và tập trung xung quanh một thỏa thuận thương mại mới vào cuối năm nay. Tuy nhiên, khung thời gian chuyển tiếp chặt chẽ một cách khác thường, trừ phi Thủ tướng Boris Johnson đảo ngược hoàn toàn cam kết không gia hạn thời gian quá độ của mình.

Giải thích cho các kế hoạch trong năm nay là quá gấp rút, theo luật, Brussels không được phép tiến hành các cuộc đàm phán chính thức về một thỏa thuận thương mại mới cho đến khi EU-27 (hiện chỉ còn 27 thành viên) nhất trí về một sự ủy nhiệm đàm phán chung. Tiến trình đó có thể mất vài tuần, có nghĩa là các cuộc thảo luận chính thức sẽ không bắt đầu cho tới sớm nhất là tháng 3 và vì một thỏa thuận sẽ cần được phê chuẩn nên các cuộc đàm phán trên thực tế phải được hoàn tất vào đầu mùa xuân năm nay, nếu không muốn nói là cuối mùa hè.

Bất kỳ thỏa thuận nào mà Anh và EU nhất trí sẽ cần phải được Quốc hội ở Brussels, có khả năng là Tòa Công lý châu Âu (ECJ), thông qua. Bởi vậy, các chính trị gia của Anh và EU có thể cũng phải đối mặt với những sự hạn chế đáng kể trong việc thiết lập một cơ cấu pháp lý Anh-EU mới.

Với việc phê chuẩn có thể diễn ra trong vài tháng, có rất nhiều việc phải làm trong mùa xuân và mùa hè này mà không có nhiều thời gian, chẳng hạn như việc biến thỏa thuận ra đi dày hơn 600 trang thành một thỏa thuận thương mại. Và để thể hiện quyết tâm, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cam kết không gia hạn giai đoạn chuyển tiếp vốn sẽ kết thúc vào ngày 31-12 để tránh nguy cơ khiến Brexit bất ổn hơn. Bởi, nếu điều này xảy ra, cả Brussels lẫn London cần quay trở lại bàn đàm phán với một loạt sáng kiến mới.

Tương lai khó đoán

Việc Anh rời khỏi EU là sự kiện chính trị được nhiều chuyên gia bình luận nhất ở thời điểm hiện nay. Nhiều chuyên gia cho rằng, so sánh Brexit với các thách thức lớn để thấy hậu quả của Brexit và tại sao nước Anh đã lựa chọn thời điểm rủi ro và nguy hiểm để quyết định ra đi.

Nhìn một cách tổng thể, giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng cho phép Anh tiếp tục ở lại Liên minh Hải quan và thị trường chung châu Âu. Trong giai đoạn này, Anh phải thực hiện những điều kiện mới với EU để giữ lại được thị trường chiếm gần một nửa hàng xuất khẩu của nước này. Đồng thời, ông Johnson cũng đặt hi vọng lớn hơn vào một hiệp định xuyên Đại Tây Dương với Mỹ. Tuy nhiên, ông không thể đạt được trọn vẹn mong ước của mình.

Châu Âu muốn Anh tiếp tục tuân thủ các quy định của khối về an toàn thực phẩm, nhưng những quy định này lại mâu thuẫn với những quy định dễ chịu hơn của Mỹ. Một bước ngoặt khác là quyết định của Anh trong tuần qua theo đuổi mối quan hệ đối tác với tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc Huawei nhằm nâng cấp mạng lưới kết nối quốc gia. Điều này đã khiến Washington khó chịu.

Để thuyết phục người dân trong nước ủng hộ Brexit, "củ cà-rốt" kinh tế được tính đến. Việc Thủ tướng Johnson lựa chọn Sunderland, chứ không phải London, làm địa điểm tổ chức cuộc họp nội các đầu tiên sau Brexit là một phần trong những nỗ lực nhằm thắt chặt tình đoàn kết quốc gia.

Nhằm góp phần “nâng cấp” phần còn lại của nước Anh so với London, ông cam kết đề ra những quy định nhằm thúc đẩy đầu tư vào khu vực phía Bắc kém phát triển của nước này, khoản đầu tư trị giá 100 tỷ bảng (179 tỷ USD) cho cơ sở hạ tầng và chính sách khôi phục các ngành công nghiệp chiến lược. Chính phủ cũng sẽ rót thêm tiền vào lĩnh vực y tế và cảnh sát vốn đã bị tác động mạnh bởi các chính sách khắc khổ kể từ cuộc suy thoái năm 2008. Dự án lớn nhất của ông Johnson có lẽ sẽ là tạo ra một sự tự tin mới ở nước Anh giúp loại bỏ sự chia rẽ chính trị ở xứ sở sương mù.

Những đớn đau hậu Brexit

Các cuộc đàm phán đầy chông gai còn nằm ở phía trước, trong bối cảnh Anh sẽ đi con đường riêng song vẫn phải nỗ lực duy trì các mối liên hệ với đối tác thương mại lớn nhất của mình, bao gồm mọi thứ từ thuế quan và tiêu chuẩn hàng hóa tới khả năng tuyển dụng lao động nước ngoài của ngành công nghiệp Anh và việc EU được tiếp cận các ngư trường của Anh.

Chính phủ Anh chỉ có 11 tháng để đàm phán một thỏa thuận thương mại toàn diện nhằm quyết định triển vọng các hoạt động kinh doanh của Anh trong những thập kỷ sắp tới. Cơ quan Thống kê Quốc gia cho biết năm 2016, EU chiếm tới 54% hàng hóa nhập khẩu của Anh và 43% hàng hóa xuất khẩu của nước này. Theo AFP, các báo của Anh tối 1-2 đưa tin rằng chính phủ hiện đã sẵn sàng cho một cuộc chiến đầy đau đớn.

Tờ Telegraph có tư tưởng hoài nghi châu Âu nói rằng Thủ tướng Boris Johnson đã "kín đáo tỏ ra tức giận" vì những nỗ lực của EU bị cho là nhằm "cản trở một thỏa thuận thương mại tự do toàn diện".

Còn theo tờ Times, một thông báo nội bộ từ Ngoại trưởng Dominic Raab bị rò rỉ ra ngoài đã yêu cầu các nhà ngoại giao Anh phải ngay lập tức cắt đứt liên hệ với các đồng minh châu Âu cũ theo nhiều cách, chẳng hạn như không được ngồi bên cạnh họ trong các hội nghị quốc tế. Thông báo này chỉ dẫn các nhà ngoại Anh phải "có quan điểm như một quốc gia độc lập và tự tin".

Đáp lại hành động của phía Anh, hàng chục quốc gia thành viên của EU đã gửi đi một thông điệp rằng liên minh này vẫn rất mạnh mẽ cho dù đã mất đi một trong số những thành viên lớn nhất. Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa ngày 1-2 phát biểu: "Hôm nay là ngày đầu tiên Liên minh châu Âu chỉ còn 27 thành viên và trong thời khắc chia ly này, điều quan trọng là gửi đi một thông điệp về sự đoàn kết".

Và sự "mát mẻ" của các nhà lãnh đạo EU đã cảnh báo những vấn đề gai góc trong quan hệ hai bên, kể từ thời điểm 1-2. Bởi, cho dù vấn đề khó khăn nhất được giải quyết ngay trong vòng đàm phán đầu tiên giữa EU và Chính phủ Anh thì vấn đề nan giải liên quan tới Bắc Ireland vẫn rất khó giải quyết.

Ngoài ra, một vấn đề khác là Scotland. Tại Scotland, nơi đại đa số đã bỏ phiếu ủng hộ việc tiếp tục ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 thì Brexit đã làm hồi sinh những lời kêu gọi độc lập. Trong khi đó, Brexit đang định hình lại nền kinh tế và những người lao đông đến từ EU đã bắt đầu đưa ra quyết định của riêng họ.

Thị trưởng London, ông Sadiq Khan, tuần trước nói rằng ngày càng ít công dân EU tới làm việc tại thành phố này và có quá nhiều người đang rời đi, khiến các ngành như xây dựng, khách sạn nhà hàng và chăm sóc xã hội bị thiếu hụt lao động.

Sự "mát mẻ" của các nhà lãnh đạo EU còn cho thấy rõ một điều, các nước EU đã cảm thấy "gió đổi chiều", việc rời khỏi EU trở nên ít có lợi, các đảng theo chủ nghĩa nghi ngờ châu Âu ở Pháp, Đức và Italy lần lượt từ bỏ mọi ý định vận động cho sự ra đi. Cách đây một năm, đảng Dân chủ Thụy Điển (bảo thủ và chống nhập cư) cũng dừng kêu gọi Swexit (ám chỉ việc Thụy Điển rời khỏi EU), đồng thời tuyên bố rằng cách tốt nhất để cải tổ EU là thay đổi từ bên trong.

Hiện những người ủng hộ cuối cùng cho việc rời EU chủ yếu thuộc các đảng phái nhỏ mà tiếng nói cử tri ít có trọng lượng. Frexit, Nexit, Swexit hay thậm chí là Czechxit đều không xảy ra.

Theo CAND

Từ khóa: