Bốn nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19
(BDO)
Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)
Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, chung sức, đồng lòng cùng doanh nghiệp quyết tâm nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch trên địa bàn thành phố.
Tập trung để hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhanh chóng hoạt động trở lại
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, kế hoạch trên nhằm huy động hiệu quả mọi nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ở những nơi có nhu cầu, hoạt động hiệu quả và đảm bảo điều kiện an toàn theo tiêu chí của Ủy ban Nhân dân Thành phố. Qua đó, góp phần giữ ổn định tăng trưởng kinh tế, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh khi dịch được kiểm soát, đảm bảo thu ngân sách nhà nước và chi thường xuyên.
Ngoài ra, kế hoạch còn nhằm duy trì hoạt động hỗ trợ vốn, giảm chi phí cho các doanh nghiệp đang sản xuất để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19. Đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống cho người lao động; hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người lao động, người sử dụng lao động.
Theo kế hoạch này, Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra 4 nhóm giải pháp hỗ trợ gồm: tín dụng; tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; mở rộng thị trường; thông tin, đào tạo nguồn nhân lực.
Các giải pháp này được triển khai ngay trong tháng 8/2021; trong đó đặc biệt tập trung vào các giải pháp để hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhanh chóng hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Đối với giải pháp hỗ trợ về tín dụng, Ủy ban Nhân dân Thành phố giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên địa bàn thành phố trong năm 2021 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đồng thời nghiên cứu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi để dự trữ nguyên liệu, vật tư, hàng hóa dành cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường và phục hồi sản xuất sau khi dịch được kiểm soát; các doanh nghiệp sản xuất vật tư tiêu hao phục vụ dụng, chi nhánh ngành y tế.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng được giao nhiệm vụ tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tăng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động theo mô hình 3 tại chỗ, một cung đường 2 điểm đến (hoặc mô hình đã được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thực hiện, gọi tắt là doanh nghiệp 3T) cao hơn mức hỗ trợ hiện hành về vốn vay ngân hàng và đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ cho vay.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các tổ chức tín dụng đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, chương trình bình ổn giá, nắm bắt thông tin tình hình khó khăn doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiếp cận và cập nhật các chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cũng được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ phối hợp với các sở ngành liên quan, các địa phương triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được vay lãi suất 0%, không phải bảo đảm tiền vay, để trả lương ngừng việc cho người lao động phải ngừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Hỗ trợ tổ chức sản xuất và chăm lo đời sống cho người lao động
Về giải pháp hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động, Ủy ban Nhân dân Thành phố giao Cục Thuế thành phố bên cạnh việc chủ động triển khai đến doanh nghiệp chính sách hỗ trợ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, thực hiện tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố kiến nghị Chính phủ chấp thuận dịch COVID-19 đang diễn ra là tai nạn bất khả kháng để doanh nghiệp được giảm 50% tiền thuê đất trong thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh theo quy định.
Cục Thuế thành phố cần chủ động xây dựng phương án hỗ trợ tiền thuê đất cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch; tăng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp 3T cao hơn mức hỗ trợ hiện hành về thuế và đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ.
Thực hiện giãn cách trong khu vực chế biến thủy sản của công ty APT trong Khu công nghiệp Tân Tạo. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
Thành phố cũng giao các đơn vị liên quan triển khai các chính sách hỗ trợ giảm giá tiền điện cho người dân và doanh nghiệp; kiến nghị Bộ Công Thương về chính sách giảm giá điện sản xuất và miễn tiền điện sinh hoạt của công nhân trong các doanh nghiệp 3T như chính sách đối với các khu cách ly tập trung; thực hiện chủ trương giảm 10% tiền sử dụng nước sinh hoạt cho tất cả khách hàng sử dụng nước trên địa bàn thành phố trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 11/2021; nghiên cứu thực hiện chính sách miễn, giảm tiền sử dụng nước cho các doanh nghiệp 3T.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng phân loại doanh nghiệp theo mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tác động đối với kinh tế-xã hội thành phố gồm 3 nhóm doanh nghiệp: phá sản, tạm dừng, đang hoạt động (mô hình 3T); xác định tiêu chí xác định doanh nghiệp cần được ưu tiên tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, đạt kết quả nhanh, có danh sách thứ tự ưu tiên theo lĩnh vực ngành nghề.
Đồng thời nghiên cứu, ban hành quy chuẩn hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch để doanh nghiệp quay lại hoạt động với lộ trình cụ thể, có thể mở từng bước để kiểm tra tính an toàn, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, trước mắt thí điểm đối với một số khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoàn thành việc tiêm vaccine mũi 2 để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và an toàn sản xuất.
Thành phố giao cho các quận huyện, thành phố Thủ Đức chịu trách nhiệm tổ chức tiêm vaccine cho lao động tại các doanh nghiệp. Vaccine do nhà nước cung cấp, doanh nghiệp chịu trách nhiệm đàm phán với đơn vị tiêm chủng tư nhân hoặc công lập do nhà nước điều phối để tổ chức tiêm, đảm bảo nguyên tắc người được tiêm vaccine không phải trả bất cứ chi phí nào.
Về vấn đề tiêm vaccine, Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng giao Sở Y tế tham mưu cho thành phố đề xuất cơ chế cho phép doanh nghiệp được chủ động đàm phán, mua vaccine từ các nguồn quốc tế cũng như trong nước. Nêu rõ danh sách vaccine được sử dụng và các thủ tục cần thực hiện, tạo điều kiện tối đa để tận dụng nguồn lực của doanh nghiệp trong tiêm vaccine, giảm bớt áp lực về ngân sách, nhân lực cho thành phố.
Mặt khác, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng danh mục các thiết bị, xét nghiệm nhanh có thể sử dụng để cho phép doanh nghiệp tự chủ động tổ chức xét nghiệm nhanh đối với lực lượng lao động và cơ chế công nhận kết quả tự xét nghiệm của doanh nghiệp.
Thành phố tổ chức hội nghị trực tuyến gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 để kịp thời lắng nghe khó khăn, nắm bắt thông tin, điều chỉnh bổ sung kịp thời các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Đối với giải pháp hỗ trợ mở rộng thị trường, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, kênh thương mại trực tuyến do các tổ chức nước ngoài triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, tìm kiếm các thị trường mới thay cho các thị trường truyền thống lâu nay; tổ chức chuỗi sự kiện tuần lễ sản phẩm doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tại thành phố và các tỉnh thành trong nước sau khi dịch bệnh được kiểm soát để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa nội địa, kết nối chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu, cung cấp các mặt hàng chất lượng cao cho các tỉnh thành và mở rộng thị trường, kênh phân phối nội địa.
Song song đó, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu và quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm quốc tế gắn với kết nối doanh nghiệp (B2B), kết nối với người tiêu dùng (B2C) của nước sở tại; kết nối với hội doanh nhân Việt kiều tại các nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập các mối quan hệ , kịp thời nắm bắt thông tin các thị trường xuất khẩu tiềm năng...
Đối với giải pháp hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, từng bước nâng cao hiệu quả quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất; từng bước chuyển khu vực kinh tế dịch vụ đơn thuần sang số hóa như thương mại điện tử , kinh tế kinh tế chia sẻ, thúc đẩy phát triển các nền tảng trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục và y tế; xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; xây dựng cơ chế minh bạch về nguồn dữ liệu mở thuộc khu vực công để các doanh nghiệp công nghệ có thể tiếp cận nguồn tài nguyên số để phát triển các sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo.
Trong lĩnh vực du lịch, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý điều hành, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ nguồn nhân lực du lịch nhằm tái cấu trúc, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trong ngành du lịch thành phố, giữ chân lực lượng này trong điều kiện bị tác động bởi dịch COVID-19.
Để sớm đưa các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngay trong tháng 8/2021, Ủy ban Nhân dân Thành phố giao các sở, ban ngành, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận, huyện tiếp tục theo dõi sát tình hình hoạt động, chủ động nắm bắt các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người lao động./.
Theo TTXVN