Bối rối với tan trường lúc 19 giờ

Thứ tư, ngày 01/02/2012

Chiều 31-1, nhiều phụ huynh và cả giáo viên ở Hà Nội vẫn chưa biết tường tận về việc đổi giờ học, hoặc còn quá nhiều băn khoăn về việc thay đổi này.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định đa số phòng GD-ĐT và các trường đã có phương án bố trí thời khóa biểu phù hợp, có giải pháp khắc phục khó khăn.

Phương án đó phải phổ biến cho toàn bộ giáo viên, học sinh và thông báo cho phụ huynh. Theo ông Thống, nếu giáo viên, học sinh nào đến giờ không rõ về việc đổi giờ học thì trách nhiệm thuộc về các hiệu trưởng, trưởng phòng GD-ĐT.

 Phụ huynh đón học sinh tan học ở Trường tiểu học Thịnh Hào, Q.Đống Đa, Hà Nội Bà Bùi Thị Vân Anh - trưởng Phòng GD-ĐT Cầu Giấy - cho biết đối với bậc mầm non, tiểu học, THCS bất cập chỉ nằm ở hai vấn đề. Thứ nhất là thời gian nghỉ trưa của học sinh quá ngắn và phát sinh việc làm ngoài giờ của giáo viên để đáp ứng nhu cầu phụ huynh.

Do 100% học sinh trên địa bàn Q.Cầu Giấy đều học hai buổi/ngày tại trường nên phòng đã thống nhất phương án lùi giờ của ca học chiều khoảng 30 phút. Như vậy học sinh tan học ca sáng lúc 11g30 thì bắt đầu học ca chiều lúc 14g30. Do chiều chỉ là buổi học phụ nên dù lùi 30 phút, học sinh vẫn không bị về quá trễ. Tuy nhiên, bà Vân Anh cho biết phương án này chỉ thực hiện được khi học sinh học hai buổi/ngày.

Theo quy định, các trường mầm non, tiểu học vẫn phải đón học sinh sớm hơn 30 phút và trả muộn hơn 30 phút so với quy định giờ học, do phần đông học sinh hai bậc học này được cha mẹ đưa đến trường và phải đi học về nhà phù hợp với giờ làm việc của cha mẹ. Để thực hiện việc này, cán bộ, giáo viên sẽ phải làm thêm giờ. Bà Vân Anh bày tỏ băn khoăn: “Chúng tôi không hiểu tiền trả cho giáo viên làm thêm giờ lấy ở đâu ra. Theo Luật lao động, cán bộ công nhân viên chức nhà nước nếu làm thêm cũng không được quá 200 giờ/năm. Bây giờ, để thực hiện “đổi giờ học” sẽ có nhiều người phải tăng số lượng giờ làm thêm ngoài quy định”.

Bà Vân Anh cho biết quy định học sinh tiểu học tan học lúc 17g30, nhưng theo chương trình học hiện nay có những buổi học sinh tan học từ 16g30. “Chúng tôi không thể giữ trẻ ở trường đúng giờ mới cho ra được, những phụ huynh đón sớm chúng tôi vẫn phải trả học sinh”.

Bất cập nhất và cũng gây bức xúc nhất là việc học sinh THPT phải tan học lúc 19g. Chị Hằng, ở khu tập thể Trung Tự (Hà Nội) đang có con học Trường THPT Kim Liên, cho biết thời tiết mùa đông ở miền Bắc chỉ 17g đã tối, trong khi các cháu phải học đến 19g. “Lớp của con tôi có hơn 50 học sinh nhưng có đến 46 cháu bị cận thị. Tôi lo ngại với tình trạng thiếu sáng phòng học trong khi phải học quá muộn, sẽ còn nhiều cháu mới bị cận thị, nhiều cháu bị tăng độ”.

Một số phụ huynh có con học lớp 10 Trường THPT Lê Quý Đôn bức xúc không biết việc đổi giờ giải quyết việc ùn tắc giao thông đến đâu nhưng khiến nhiều gia đình bị xáo trộn lớn. Các cháu còn nhỏ, phần đông đi xe đạp đến trường, nếu giờ tan học lúc 19g họ không thể cho con đi xe đạp, vì giao thông thời điểm đó rất nguy hiểm. Mà không đi xe đạp, có nghĩa bố mẹ phải đưa đón. Thay vì về nhà lúc 17g-18g, nhiều phụ huynh phải chờ đón con lúc 19g.

Ở một số trường THPT, để tránh học chéo ca đối với một lớp, đảm bảo đến trường lúc 14g, tan học lúc 19g, nhà trường phải bố trí lại thời khóa biểu theo hướng tăng số tiết/buổi. Theo giáo viên một trường THPT thuộc Q.Đống Đa, tất cả các buổi học/tuần của học sinh phải học sáu tiết/buổi. Như vậy học sinh sẽ bị quá tải, chưa kể trở về nhà, ăn cơm tối xong là 20g-21g, học sinh không còn đủ sức ngồi vào bàn học nữa.

Bà Bùi Thị Minh Nga, phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, băn khoăn nhiều cô giáo phải dạy học đến 19g trong khi con nhỏ lại tan học lúc 17g, chưa biết phải xoay xở thế nào.

Xe buýt, cảnh sát giao thông làm việc sớm hơn

Sở GTVT Hà Nội cho biết để đảm bảo giao thông theo quyết định điều chỉnh giờ học, giờ làm của UBND TP Hà Nội, các lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông sẽ phải tham gia điều tiết giao thông từ 6g (sớm hơn 30 phút).

Thời gian hoạt động phục vụ giờ cao điểm của hệ thống xe buýt sẽ kéo dài hơn 60 phút so với hiện nay để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể, giờ cao điểm sáng bắt đầu từ 6g-9g, cao điểm chiều từ 16g30-19g30. Ngoài ra, trên những tuyến có nhiều trường ĐH, lượng phương tiện cá nhân cao như Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Xuân Thủy... sẽ tăng tần suất xe buýt trong giờ cao điểm từ 10 phút/lượt hiện nay lên 7-8 phút/lượt... nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách. Sở GTVT điều chỉnh giờ chạy và tăng chuyến của sáu tuyến buýt nhanh từ 86 chuyến/ngày hiện nay lên 123 chuyến/ngày.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết cơ quan này đang nghiên cứu tổ chức thêm sáu tuyến buýt nhanh khác với tổng số 97 chuyến/ngày nhằm đáp ứng hiệu quả việc đổi giờ.

Theo ông Nguyễn Xuân Tân - phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cũng từ ngày 1-2 các loại xe máy, xe thô sơ không được phép lưu thông trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo quyết định của Bộ GTVT nhằm tăng năng lực lưu thông cho ôtô trên tuyến đường có mật độ phương tiện đông đúc và cũng để chuẩn bị việc nâng cấp tuyến đường quan trọng ở cửa ngõ thủ đô này.

Theo TTO