Bộ Y tế: Tỷ lệ thiếu hụt iốt đang dưới ngưỡng đảm bảo sức khỏe
(BDO)
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn.
Kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến việc phòng, chống rối loạn trong cuộc sống của Bộ Y tế cho thấy hiện nay, tỷ lệ thiếu hụt về vi chất dinh dưỡng liên quan đến iôt vẫn chưa đạt được ngưỡng cho phép để đảm bảo được sức khỏe cho người dân.
Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết trong phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều nay, 7/11, về vấn đề Bộ Y tế chưa sửa đổi Nghị định 09 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19 năm 2018.
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Đỗ Đức Hiển, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thực hiện chủ trương của Đảng, của Quốc hội về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, Chính phủ đã có Nghị quyết 19 năm 2018 giao Bộ Y tế nghiên cứu sửa đổi Nghị định 09 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm theo hướng bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt” tại điểm a, khoản 1, Điều 6; bãi bỏ quy định “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” tại điểm b khoản 1, Điều 6 của Nghị định 09. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng.
Theo đại biểu Đỗ Đức Hiển, các hiệp hội ngành nghề phản ánh đến nay, sau hơn 5 năm, các quy định nêu trên chưa được sửa đổi, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ sửa đổi Nghị định 09 nêu trên và liệu nội dung nêu trên của Nghị quyết của Chính phủ có được thực thi hay không?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết Nghị định số 09 về việc tăng cường vi chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho người dân đã được triển khai từ năm 2016 đến nay. Trong quá trình triển khai thực hiện nghị định này, Bộ Y tế đã đánh giá 5 năm về vấn đề bổ sung vi chất, trong đó có iốt trong thực phẩm đối với người dân.
Trong quá trình đánh giá, Bộ Y tế đã phối hợp cùng với các bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp cũng đề xuất việc bổ sung iốt này chỉ mang tính chất tự nguyện thay vì bắt buộc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân và cần phải có thời gian đánh giá lâu dài. Bộ Y tế đã có báo cáo nghiên cứu khoa học liên quan đến việc phòng, chống rối loạn trong cuộc sống. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiện nay tỷ lệ thiếu hụt về vi chất dinh dưỡng liên quan đến iốt vẫn chưa đạt được ngưỡng cho phép để đảm bảo được vấn đề sức khỏe cho người dân.
“Chính vì vậy, Bộ Y tế đã báo cáo với Chính phủ về việc sửa đổi hay không sửa đổi Nghị định số 09. Trên cơ sở báo cáo đánh giá thực trạng về vấn đề iốt với sức khỏe của người dân, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo về việc đề nghị Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp, các hiệp hội để tạo sự đồng thuận trong vấn đề đảm bảo sức khỏe của người dân và tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 09 về tăng cường bổ sung dinh dưỡng,” Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, với trách nhiệm của Bộ Y tế, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, bộ sẽ tiếp tục rà soát và đánh giá những cơ sở khoa học trong việc triển khai thực hiện Nghị định 09.
“Trong thời gian tới, khi đạt được những tiêu chuẩn, mục tiêu đề ra sẽ có những điều chỉnh, sửa đổi để đảm bảo phù hợp trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của người dân nhưng cũng đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp,” Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói./.
Theo TTXVN