Bộ Y tế: Các ổ dịch bệnh bạch hầu nhỏ vẫn trong tầm kiểm soát
(BDO) Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết các ổ dịch bạch hầu chủ yếu xảy ra ở khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi điều kiện cung cấp vaccine tiêm chủng mở rộng còn khó khăn.
Nhân viên y tế tại tỉnh Cao Bằng phun thuốc khử trùng nơi bệnh nhân mắc bạch hầu sinh sống.
Liên quan đến trường hợp mới nhất là bệnh nhân 11 tuổi (ở Cao Bằng) tử vong do bệnh bạch hầu, ông Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết các ổ dịch nhỏ vẫn trong tầm kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm thành dịch lớn, diện rộng là thấp, dù số ca mắc bạch hầu vẫn ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương.
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết những năm gần đây chỉ ghi nhận rải rác các ca bệnh tại các nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 100% đối tượng tiêm. Các ổ dịch chủ yếu xảy ra ở khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi điều kiện cung cấp vaccine tiêm chủng mở rộng còn khó khăn nên tạo vùng lõm tiêm chủng.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Năm 2023, trên toàn quốc có 57 trường hợp mắc và 7 trường hợp tử vong. Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2024 đến ngày 25/11, Việt Nam ghi nhận 10 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó 2 trường hợp tử vong.
Cụ thể, có 3 trường hợp mắc tại tỉnh Hà Giang (trong các tháng 1, 2, và 4 tại các ổ dịch cũ); 1 trường hợp mắc và tử vong tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An (tháng 6); 2 trường hợp mắc tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (tháng 7); 3 trường hợp mắc ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa (tháng 8) và 1 trường hợp mắc, tử vong mới đây tại huyện Bảo Lâm, Cao Bằng.
Bệnh bạch hầu có thể lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi. Thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch, không để bùng phát dịch trong cộng đồng.
Ông Đức cho biết bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng người lớn cũng có thể mắc nếu không có miễn dịch. Hiện đã có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, do bệnh vẫn chưa được loại trừ nên việc tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp phòng ngừa quan trọng và hiệu quả nhất.
Vaccine phòng bệnh bạch hầu được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1985, đã tạo được miễn dịch trong cộng đồng, giúp giảm số mắc hàng trăm lần so với thời điểm năm 1983, với khoảng 3.500 ca.
Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện xử lý ổ dịch, phòng bệnh chủ động cho người dân đúng theo hướng dẫn.
Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ (từ 2 tháng đến 7 tuổi) thuộc đối tượng tiêm chủng mở rộng đi tiêm chủng các vaccine có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trường hợp hoãn tiêm, tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời. Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế./.
Theo TTXVN