Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải đáp nhiều vấn đề về ngành điện

Thứ năm, ngày 14/06/2012

 Là người thứ ba đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, sáng nay (14-6), Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã tập trung giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến các nhà máy thủy điện, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho; chống độc quyền ngành điện...

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) đặt vấn đề bao giờ hết độc quyền ngành điện, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong việc để tình trạng này kéo dài quá lâu trong ngành điện, và lộ trình tiến tới thị trường điện cạnh tranh có thời gian thực hiện quá lâu. Cũng liên quan đến vấn đề điện lực, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (đoàn Bình Định), đại biểu Nguyễn Văn Minh (đoàn TP.HCM) đặt vấn đề về sự đầu tư tràn lan của các công trình thủy điện dẫn tới mất đất sản xuất, gây hạn hán, lũ lụt, môi trường ô nhiễm…

Xem xét rút ngắn lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, theo lộ trình xóa bỏ độc quyền ngành điện thì đến ngày 1/7/ 2012 sẽ thị trường phát điện cạnh tranh bắt đầu được vận hành, năm 2014 hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, đến năm 2022 sẽ thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Hiện nay, hoạt động truyền tải điện vẫn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện, về phát điện, ngoài EVN còn có một số doanh nghiệp khác gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam… tham gia.

Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ tách khâu phân phối điện ra khỏi EVN, theo đó thành lập 3 Tổng Công ty phát điện, là tiền đề thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh.

Lý giải về lộ trình thực hiện kéo dài, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vì điện là mặt hàng đặc biệt liên quan đến đời sống của người dân và sản xuất nên phải có bước đi thận trọng. Thời gian tới, trong quá tình tái cơ cấu Bộ Công Thương sẽ tham mưu Chính phủ có bước phù hợp hơn.

Hài lòng một phần phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nhưng đại biểu Bùi Mạnh Hùng cho rằng dự thảo Luật Điện lực mới đây được Bộ trình chưa thấy dòng nào đề cập đến xoá bỏ độc quyền cho ngành điện. Đại biểu Hùng lấy ví dụ ngành bưu chính viễn thông đã từng được coi là độc quyền, nhưng nay đã xoá bỏ được và mang lại nhiều quyền lợi cho người dân, liệu Bộ Công Thương có thể rút ngắn hơn lộ trình này.

Với tinh thần cầu thị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: “Việc rút ngắn lộ trình còn phụ thuộc vào điều kiện thị trường, câu chuyện điều chỉnh nghe đơn giản, nhưng mỗi lần tính toán điều chỉnh luôn có sự phản ứng khác nhau, Bộ sẽ tiếp thu và nếu có điều kiện rút ngắn được phân khúc này bộ sẽ rút ngắn”. Cũng theo Bộ trưởng, xoá bỏ thị trường độc quyền không chỉ nằm trong luật mà nằm trong nhiều văn bản khác, đây là vấn đề đồng bộ.

Làm rõ thêm vấn đề chống độc quyền ngành điện, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ liên quan tham gia tích cực, không có việc nơi lỏng hay thiếu trách nhiệm. Thủ tướng yêu cầu quá trình triển khai phải thực hiện qua các bước hết sức thận trọng, việc xóa bỏ độc quyền đồng thời phải đáp ứng yêu đáp ứng đủ nhu cầu điện, không gây hỗn loạn cho thị trường điện.

Liên quan đến phát triển thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng đây là một tiềm năng năng lượng sơ cấp lớn, chi phí rẻ cần phải tận dụng, ngoài việc góp phần cung cấp điện còn giải quyết chống lũ, chống hạn nếu sử dụng đúng mục đích. Đến nay theo quy hoạch cả nước có 1.097 dự án thủy điện với tổng công suất 24.000 MW. Đã có 195 dự án đã đi vào hoạt động đã sản xuất 36% sản lượng điện quốc gia.

Thừa nhận bên cạnh mặt được của các thủy điện, Bộ trưởng cho biết mặt chưa được là môi sinh môi trường, rừng đầu nguồn bị ảnh hưởng. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra và đã loại bỏ 52 công trình không đáp ứng yêu cầu, và tới đây Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra để phát hiện công trình không khả thi. Đồng thời, để khắc phục mặt tiêu cực của các công trình thủy điện, Bộ sẽ tiếp tục rà soát lại quy hoạch, yêu cầu chủ đầu tư trong quá trình vận hành, xây dựng phải tuân thủ nghiêm túc các quy định xung quanh vấn đề cấp nước, phòng lũ, thực hiện theo quy trình hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Để có 1 MW thủy điện cần 6,2 ha đất các loại (trong đó 3,9 ha đất rừng). Về nguyên tắc khi lấy 1 ha rừng bắt buộc phải trồng trả 1 ha rừng, tuy nhiên Bộ trưởng cũng thừa nhận câu chuyện xác định quỹ đất trồng rừng không dễ, bởi có địa phương không có quỹ đất trồng bù lại rừng.

Việc bù lại diện tích rừng, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chính phủ đã có chỉ đạo các địa phương tập hợp và báo cáo lại Bộ NN&PTNT trên cơ sở đó có thể bố trí cân đối diện tích trồng rừng ở địa phương.

Liên quan đến vấn đề an toàn đập Thủy điện Sông Tranh 2, Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, chưa có cơ sở nào khẳng định không an toàn, nếu có thì Bộ sẽ kiên quyết dừng. Đây là dự án được sử dụng công nghệ hiện đại bê tông đầm lăn, áp dụng tiêu chuẩn cả nước ngoài, hiện có 600 công trình thủy điện trên thế giới sử dụng, tại Việt Nam có 12 công trình, trong đó, có Thủy điện Sơn La, Bản Vẽ đều hoạt động tốt.

Bổ sung thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết đập thủy điện Sông Tranh 2 đã an toàn, kết quả này được khẳng định do tư vấn Nhật bản, nền của đập là nền đá granit, về thi công đập đã tích nước tải đủ 4 tháng, như vậy đây là hiện tượng rò rỉ. Giải pháp khắc phục đang được các cơ quan chức năng triển khai và bộ mời thêm cả chuyên gia độc lập của Thụy Sỹ kiểm tra chéo.

Bổ sung chế tài trong xử lý vi phạm gian lận thương mại

Trả lời về tình trạng gian lận thương mại gia tăng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận công tác kiểm tra còn kẽ hở, các quy định xử phạt các hành vi gian lận thương mại chưa đủ răn đe, Bộ đã báo cáo Chính phủ và đề nghị có bổ sung chế tài xử phạt trong hành vi vi phạm

Ngoài ra, trong biện pháp tổ chức, Bộ đề nghị Chính phủ tăng cường thêm công cụ công tác cho lực lượng chức năng hoạt động, bởi hiện nay đoạn của phần tử sai phạm có phương tiện cơ giới thông tin rất hiện đại, nếu ta không có đủ thiết bị ứng phó thì hiệu quả sẽ thấp

Về câu hỏi của đại biểu Trương Thị Ánh (TP.HCM) liên quan đến tình trạng công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, đây là một yếu điểm của ngành công nghiệp. Trong nhiều năm qua, chủ trương của Chính phủ là phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao khả năng sản xuất trong nước, giảm nhập siêu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên, việc ban hành khung pháp lý và tổ chức thực hiện chậm, trong đó, có trách nhiệm của Bộ Công Thương.

Tháng 2-2011, Bộ mới trình Chính phủ ban hành Quyết định 12 về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, phối hợp với các Bộ Tài chính ban hành cơ chế về thuế, Bộ Khoa học và Công nghệ về chính sách ưu tiên phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nếu kiên trì thực hiện thì bức tranh công nghiệp sẽ cải thiện tốt hơn thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề giải quyết hàng tồn kho, Bộ trưởng cho biết đây là trọng tâm Chính phủ đang chỉ đạo các bộ ngành giải quyết. Tỷ lệ tồn kho hàng trong 5 tháng đầu năm tăng 20-25% so cùng kỳ 2011, là một bức xúc đang đặt ra. Cùng với các giải pháp kiên trì thực hiện của Nghị quyết 11/2011 và Nghị quyết 13 của Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường thực chất hơn cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, hạn chế nhập khẩu, cùng với chính sách tài khoá, đầu tư, nếu phối hợp đồng bộ hàng tồn kho sẽ giảm.

Theo Chinhphu.vn