Bộ trưởng Tài chính lý giải vì sao không đưa giá điện vào diện bình ổn

Thứ tư, ngày 24/05/2023

(BDO)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) chiều 23/5 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều Đại biểu đã có những đề xuất kiến nghị như đưa mặt hàng điện vào danh mục bình ổn giá, hay bày tỏ lo ngại nguy cơ xóa bỏ xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa…

Người dân sử dụng điện còn hơn xăng, dầu

Theo Đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, về hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo dự thảo luật bao gồm 10 loại hàng hóa, dịch vụ, tuy nhiên, không bao gồm giá điện. Trong dự thảo Luật hiện nay, giá điện đang quy định tại Phụ lục 2 Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quy định giá.

Đại biểu cho rằng nên bổ sung giá điện vào Phụ lục số 1 vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá vì đây là hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, tác động lớn đến kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Chỉ ra thực tiễn thời gian qua cho thấy, loại hàng hóa này chỉ có tăng, không có giảm, Đại biểu cho rằng việc tăng giá điện này vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí, dẫn đến ngành điện bị lỗ lớn, gây ra mất cân đối dòng tiền và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Do vậy, đại biểu Luận đề nghị loại hóa này cần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp, biện pháp nhằm ổn định giá và đưa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá thì hợp lý hơn.

Chung quan điểm này, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho đề nghị đưa vào danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá thay vì là mặt hàng do Nhà nước định giá bởi đây là mặt hàng thiết yếu, tất cả người dân đều sử dụng, thậm chí còn hơn cả xăng, dầu.

Đồng tình với việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên, Đại biểu Hòa đưa ra chính kiến giao cho doanh nghiệp quản lý quỹ là không phù hợp, mà cần giao Bộ Tài chính quản lý.

Ngoài ra, Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ thời điểm không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu để phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Theo Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp khi điều tiết giá, để việc Nhà nước điều tiết giá là phù hợp với quan hệ, quy luật cung cầu hàng hóa dịch vụ và không gây tổn hại cho các doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận Luật Giá hiện hành và dự thảo Luật Giá (sửa đổi) chưa quy định nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước, gây nhiều vướng mắc, bất cập trong việc điều tiết giá, đặc biệt là giá điện.

Giữ giá trần sách giáo khoa để có giá rẻ

Phát biểu thảo luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng nêu vấn đề về giá sách giáo khoa. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 4, trong phiên thảo luận ở hội trường, đại biểu cũng đã đề nghị Luật Giá (sửa đổi) giao Chính phủ quy định giá sách giáo khoa dưới hình thức khung giá bao gồm giá tối đa và giá tối thiểu như đối với các mặt hàng khác được Nhà nước định giá. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng Ban soạn thảo Hồ Đức Phớc đã phát biểu trước Quốc hội tiếp thu ý kiến này.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật trình ra Quốc hội lần này để xem xét thông qua lại không phản ánh ý kiến tiếp thu nói trên. Ban soạn thảo cũng không có giải trình ý kiến này.

Đại biểu thông tin thêm, Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng, Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông quy định thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Thế nhưng, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 thể hiện quan điểm khác với Nghị quyết 88 khi không trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục mà cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh.Từ những phân tích trên, đại biểu Thúy đề nghị trong trường hợp Quốc hội khóa này thấy chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mà Quốc hội khóa XIII đề ra có nhiều bất cập thì nên sửa Nghị quyết 88, chấm dứt việc thực hiện chủ trương này.

Còn trong trường hợp ngược lại vẫn áp dụng, Quốc hội nên bổ sung những quy định cần thiết trong Luật Giá để bảo đảm sự nhất quán về chủ trương; không nên để xảy ra tình trạng cơ quan lập pháp ban hành những quy định ngược chiều nhau: “một đằng khuyến khích xã hội hóa, một đằng tạo sơ hở để cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế xã hội hóa, thậm chí có nguy cơ xóa bỏ xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa và đề nghị cần giải trình, làm rõ những nội dung nêu trên.”

Giá điện đang được Nhà nước định giá, có lợi cho người dân hơn

Phát biểu giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng dự thảo luật Giá đã làm rất kỹ, tiếp thu nhiều vòng. Đối với một số mặt hàng bình ổn giá, trong dự thảo Luật có đề xuất Quốc hội quyết định các mặt hàng bình ổn giá, khi có biến động, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để từ đó thực hiện quy trình xem xét, quyết định.

Lý giải vì sao không đưa giá điện vào diện bình ổn, theo Bộ trưởng Phớc, giá điện đang được Nhà nước định giá, có lợi cho người dân hơn. Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách còn hạn hẹp, doanh nghiệp sản xuất điện hiện chủ yếu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam với vốn Nhà nước chiếm trên 50% nên nếu hỗ trợ phải sửa luật Ngân sách mới phù hợp.

Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, người đứng đầu ngành Tài chính xác định rằng việc duy trì quỹ này là cần thiết và cho biết sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu để có quy định cụ thể, hợp lý về nội dung này.

Đối với giá sách giáo khoa, ông Phớc khẳng định bỏ giá sàn, giữ giá trần để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, người học có giá sách rẻ./.

Theo TTXVN