Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Người trồng lúa không lãi được 30%"

Thứ tư, ngày 12/06/2013

"Với giá lúa tại ruộng giảm sâu như hiện nay, người nông dân không thể có lãi 30% như mong đợi", Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận trước chất vấn của nhiều ĐB ở hội trường.

"Lúa chín đầy đồng"

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay việc tồn kho và thiếu thị trường tiêu thụ đã khiến giá các mặt hàng nông sản giảm mạnh. Mặt hàng trái cây, cá tra... đang thiếu thị trường tiêu thụ và "lúa đang chín đầy đồng" từ Bắc vào Nam...

  Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn chiều 12.6

"Giải pháp cấp bách nhất hiện nay là phải tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản. Ngoài ra cần hỗ trợ vốn, lãi suất để người nông dân không phải bán rẻ hàng hóa. Cũng cần có thêm biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp mua sản phẩm cho người nông dân", ông Phát nói.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt câu hỏi: Dư luận đặt vấn đề việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo mang lại cho doanh nghiệp 800 tỉ đồng có đúng không? Người nông dân được lợi bao nhiêu từ việc mua tạm trữ và có đảm bảo lợi nhuận 30% như chỉ đạo của Chính phủ hay không?

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay việc mua tạm trữ như một biện pháp hỗ trợ từ thị trường chứ không phải là biện pháp bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Vì thế có thể chính sách mua tạm trữ chưa phù hợp với một số địa phương vì mỗi tỉnh có điều kiện gieo trồng, thu hoạch khác nhau.

Ông Phát cho hay số tiền tung ra mua tạm trữ 1 triệu tấn vụ hè thu khoảng 7.000 tỉ đồng, với lãi suất 0% trong thời gian 3 tháng, nên việc doanh nghiệp lãi 800 tỉ đồng là không chính xác.

Ngành nông nghiệp đang vô cùng khó khăn nhưng tiếng nói của ngành nông nghiệp còn nhẹ. Người đứng đầu ngành nông nghiệp cần phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn để giúp đỡ người nông dân vượt qua khó khăn như lúc này

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)

"Tác động của việc mua tạm trữ khiến giá lúa tăng 100 - 150 đồng/kg. Ngay vụ hè thu, khi Chính phủ công bố mua tạm trữ, giá lúa đã tăng 200 đồng/kg", ông Phát nói.

Liên quan đến ngành chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay Bộ này đang có những biện pháp như phối hợp với địa phương phòng chống dịch gia cầm, kiểm soát giá con giống, thức ăn, tình trạng buôn lậu gia cầm... để giúp đỡ người chăn nuôi trong nước ổn định sản xuất.

"Nóng" chất vấn dự án thủy điện

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay trong thời gian qua phá rừng đã có dấu hiệu giảm nhưng vẫn còn nhiều vụ gây bức xúc cho dư luận.

"Năm tháng đầu năm, số vụ vi phạm phá rừng giảm 19% so với cùng kỳ", ông Phát nói.

Ông Phát cho hay trước tình trạng trên Bộ NN - PTNT đã phối hợp với các địa phương nhằm hạn chế tình trạng phá rừng. Ngoài ra Bộ cũng có chính sách giao khoán rừng cho người dân, từ đó chung tay bảo vệ rừng.

Người đứng đầu Bộ NN - PTNT phát biểu: "Tình trạng phá rừng có sự tiếp tay của một số cán bộ kiểm lâm thoái hóa. Đến nay Bộ đã luân chuyển 812 người, kỷ luật 127 người, 7 người làm việc trong ngành kiểm lâm bị buộc thôi việc".

Về việc kiểm soát thị trường thuốc bảo vệ thực vật, Bộ trưởng Phát cho hay vừa qua Bộ đã phối hợp với cơ quan chức năng 61 tỉnh thành kiểm tra 10 mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật.

Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục gia tăng kiểm soát cơ sở kinh doanh nào đạt loại C, thậm chí sẽ phạt, rút giấy phép và nêu tên lên phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở vi phạm nặng.

Cũng như các kỳ họp QH trước, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) tiếp tục chất vấn về dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Ông Vở chất vấn người đứng đầu Bộ NN - PTNT có nên loại hai dự án thủy điện này ra khỏi quy hoạch hay không?

Ông Phát cho hay bản thân ông đã đi thực địa một trong hai dự án thủy điện này. Quan điểm của Bộ NN - PTNT là hạn chế tối đa việc lấy rừng ở các khu vực đặc khu, xung yếu. Nếu quyết định lấy thì cần phải tuân thủ quy định của pháp luật.

"Hai dự án thủy điện này có diện tích 327 ha nhưng lấy rừng quốc gia Nam Cát Tiên 137 ha. Vấn đề này chúng tôi đã báo cáo với QH. Chủ trương có làm hay không là quyền của QH, còn chúng tôi chỉ có trách nhiệm báo cáo trung thực", ông Phát cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bổ sung: "Nếu dự án thủy điện 6 và 6A tác động xấu đến rừng quốc gia Nam Cát Tiên, chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ không xem xét. Đó là điều chắc chắn".

Doanh nghiệp lợi 200 tỉ đồng, nông dân lợi 100 - 150 tỉ đồng

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, chi phí sản xuất mà Bộ Tài chính đưa ra là khoảng 4.100 đồng/kg lúa. Như vậy giá thu mua lúa phải đạt 5.400 đồng/kg thì người trồng lúa mới lãi được 30%.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá lúa tại ruộng đạt 4.500 đồng/kg, lúa hạt dài là 4.800 đồng/kg. Gạo 25% tấm hiện xuất khẩu có giá 6.995 đồng/kg. Với giá này không đảm bảo người nông dân lãi 30% như mong đợi.

Ước tính, việc mua tạm trữ lúa gạo khiến doanh nghiệp có lợi khoảng 200 tỉ đồng. Tuy nhiên, tác động của nó sẽ khiến giá lúa tăng 100 - 150 đồng/kg. Chỉ tính riêng số lượng 1 triệu tấn mua tạm trữ cũng đã đem lại cho người nông dân chừng 100 - 150 tỉ đồng, theo ông Phát.

Theo TNO