Bộ sưu tập rồng qua gốm sứ: Thú chơi tao nhã

Thứ sáu, ngày 30/10/2015

Trong văn hóa, tín ngưỡng của người Việt, hình tượng con rồng luôn có vị trí hết sức đặc biệt, được xếp vào hàng bậc nhất trong tứ linh “Long, Lân, Qui, Phụng”, là tượng trưng cho quyền uy của các bậc vua chúa. Vì thế, hình ảnh con rồng trong các vật dụng xưa vẫn luôn giữ một vị thế rất trân trọng. Đặc biệt là hình tượng rồng trong gốm sứ Việt Nam vừa thể hiện sự uy nghiêm, vừa gần gũi trong đời sống sinh hoạt hàng ngày…

(BDO)  Anh Đào Duy Thắng (bìa trái) bên bộ sưu tập Rồng trưng bày tại Hội ngộ trưng bày gốm Nam bộ lần thứ I tổ chức tại Hà Nội

Có dịp trò chuyện cùng các anh tại Hội Cổ vật TX.Thuận An, chúng tôi có thêm tài liệu mới về tài nghệ của những nghệ nhân xưa ở các thể loại khác nhau như: gốm, sơn mài, điêu khắc… Qua bao nhiêu năm thăng trầm cùng cuộc sống, nhưng mỗi lần nhìn lại tác phẩm của họ vẫn nguyên vẹn giá trị tinh thần của nó. Và tại Hội Cổ vật TX.Thuận An, hiện có đến gần 50 thành viên cùng tham gia sinh hoạt. Mỗi người có một sở thích khác nhau nhưng chung quy lại đó là việc quảng bá, gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trước đây, chúng tôi trò chuyện cùng Đức Nguyên, người có đam mê sưu tầm, nghiên cứu rất chi tiết về sơn mài truyền thống Việt Nam. Và hôm nay, cũng ở hội này, chúng tôi được anh Đào Duy Thắng dẫn dắt một câu chuyện về Rồng trên gốm sứ đầy thú vị và tự hào. Anh Thắng là con “nhà nòi” có ông và cha từng nghiên cứu, làm nghề đồ cổ vì thế ngay từ bé anh cũng đã bắt đầu tập tành “vào nghề”. Trước đây, anh sưu tập các vật dụng chủ yếu là đồ Tàu, nhưng từ khi vào TP.HCM lập nghiệp năm 1991 đến nay, tình yêu dành cho gốm thôi thúc anh nghiêm cứu về nó sâu hơn, chuyên nghiệp hơn. Hiện tại, anh đã có trong tay bộ sưu tập gốm Nam bộ khá đồ sộ, đầy ngưỡng mộ cả những người bạn cùng chơi.

Trong bộ sưu tập của anh, chúng tôi khá ấn tượng với bộ Rồng các thời kỳ qua đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân ở các làng gốm như: Thanh Lễ, Lái Thiêu, Cây Mai, Biên Hòa, Quảng Hòa Sương… Trong đó, anh Thắng đã giới thiệu với chúng tôi trước tiên là cặp rồng thời Lý từ gốm Lái Thiêu của lò Quảng Hòa Sương. Thể loại này thường xuất hiện ở các ngôi miếu, đình… Vì thế, anh dành cho bộ sưu tập này một vị trí hết sức trân trọng ngay tại nhà của mình. Ngoài sự uy nghiêm toát ra từ thần thái của đôi rồng, chúng tôi còn thấy ở đó sự điêu luyện của người nghệ nhân qua từng nét vẽ.

Gần gũi hơn, hình tượng con rồng xuất hiện khá nhiều trong các vật dụng gia đình được sử dụng hàng ngày như chén, dĩa, bình hoa… Ở các vật dụng này, hình tượng rồng được anh lưu giữ khá phong phú, đẹp mắt. Trong đó, câu chuyện về hành trình hơn 10 năm để sở hữu được 50 con rồng gác đũa bằng gốm trên bàn ăn của quý tộc xưa đã thật sự thu hút chúng tôi. Mỗi con mang về nhà là một câu chuyện thú vị khác nhau. Trong số đó, có 6 con được mang về từ nhà sưu tập Bùi Xuân Tấn tại Pháp đầy thú vị và bất ngờ. Anh Thắng chia sẻ: “Với mô típ rồng thời Lý, 50 con rồng tôi sở hữu là cả quá trình, rất thú vị, tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm bởi màu men, hình dáng đã thu hút những người sưu tập như chúng tôi, đó là niềm vui và đam mê…”.

Cũng từ bộ sưu tập này, tại Hội ngộ trưng bày gốm Nam bộ lần thứ I tổ chức tại Hà Nội anh đã “rinh” về giải nhất đầy tự hào. Thế nhưng với anh vui hơn đó chính là được cùng với mọi người giữ gìn bản sắc văn hóa Việt.

 

 CÔNG DANH

Từ khóa: