Bộ sưu tập độc đáo của một cựu chiến binh

2024-06-14 09:08:54

Sau hơn nửa thế kỷ cất công sưu tầm, cựu chiến binh Nguyễn Tiến Bình (ngụ phường Mỹ Phước, TP.Bến Cát) đã có hàng trăm ấn phẩm báo chí ghi lại những thời khắc lịch sử của cách mạng Việt Nam. Không những thế, ông còn sở hữu bộ sưu tập độc đáo với nhiều tư liệu quý, hiếm về tem thư, tiền, sách…

Thời khắc lịch sử qua những trang báo xưa

Một ngày đầu tháng 6, chúng tôi cùng các cựu chiến binh (CCB) phường Mỹ Phước ghé thăm “bảo tàng lịch sử” ngay trong nhà của CCB Nguyễn Tiến Bình. Căn phòng rộng khoảng 30m2 ở tầng 1 của nhà ông không khác một “bảo tàng” thu nhỏ với những tờ báo đã ngả vàng theo thời gian nhưng hình ảnh, chữ viết vẫn còn nhìn thấy rõ. Các trang báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Tia Sáng… đưa tin về những sự kiện quan trọng được ông ép nhựa cẩn thận và lồng vào khung kính theo từng giai đoạn lịch sử cách mạng Việt Nam. Ông Bình còn tỉ mỉ viết chú giải cho từng sự kiện lịch sử để dễ theo dõi.


Ông Nguyễn Tiến Bình giới thiệu những trang báo đưa tin các sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam

Tham quan căn phòng này, chúng tôi rất bất ngờ trước những trang báo đưa tin về Chiến thắng Phước Long (tháng 1-1975), Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng (tháng 3-1975), Xuân Lộc (tháng 4-1975)… Thông qua các trang báo đã phần nào tái hiện được một phần lịch sử oai hùng trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước của dân tộc ta.

Giới thiệu từng trang báo, người CCB ấy như một “sử gia” kể vanh vách những mốc son lịch sử của cách mạng Việt Nam. Qua lời kể của ông, cùng những trang báo, chúng tôi như đang ở trong thời khắc lịch sử của ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945), hay những ngày đầu ở miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước (sau ngày 30-4-1975)…

Để có được bộ sưu tập với nhiều tờ báo quý hiếm, ông Bình đã dành không ít tâm huyết và thời gian. Ông cho biết trước đây cha ông có thói quen đọc báo nên ông thường xin cha đọc lại những tờ báo cũ. Khi đó cậu thanh niên Nguyễn Tiến Bình bị cuốn hút bởi những thông tin thời sự trên các trang báo nên xin cha giữ lại để làm kỷ niệm và bắt đầu có thói quen sưu tầm những trang báo đưa tin về những sự kiện lịch sử của dân tộc. Đến tháng 9-1978, chàng thanh niên Nguyễn Tiến Bình tạm gác lại niềm vui cá nhân, lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại Chiến trường Campuchia. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, người CCB này không ngừng phấn đấu học tập và có công việc tốt, ổn định cuộc sống.

Khi cuộc sống bớt khó khăn, ông tiếp tục nuôi dưỡng đam mê sưu tầm các trang báo quý. Ông thường xuyên kết nối với nhiều người có chung sở thích ở TP.Hồ Chí Minh để “săn” tìm những trang báo hiếm nhằm làm phong phú thêm bộ sưu tập của mình. “Tôi thường giao lưu với những người có chung đam mê sưu tầm ở TP.Hồ Chí Minh nên có dịp tiếp cận nhiều sách, báo thuộc loại hiếm. Cũng như tôi, nhiều người rất muốn sở hữu những tờ báo này để làm phong phú bộ sưu tập của mình nhưng không phải lúc nào tiền bạc cũng giúp người sưu tầm có được một trang báo “cổ” mà phải tùy cơ duyên. Đối với những người sưu tầm, báo xưa không chỉ có giá trị về vật chất mà còn là “đứa con” tinh thần. Nếu gặp đúng người thì người sưu tầm sẵn sàng nhường lại “đứa con” của mình cho người cùng đam mê “nuôi dưỡng”, ông Bình tâm sự.



Các trang báo của những tờ báo đầu tiên ở Việt Nam trong bộ sưu tập của CCB Nguyễn Tiến Bình

Sẵn sàng chào đón khách đến tham quan

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hội CCB TP.Bến Cát, cho biết CCB Nguyễn Tiến Bình là một trong những thành viên hoạt động tích cực trong Tổ Tuyên truyền cựu chiến binh phường Mỹ Phước. Những sách, báo, tư liệu do ông Bình sưu tầm rất quý giá, có giá trị lịch sử và cần được trân trọng. Chính vì vậy, việc ông Bình sẵn sàng mở cửa đón khách đến tham quan “bảo tàng” của mình rất đáng được hoan nghênh, qua đó giúp mọi người, nhất là đoàn viên, thanh niên, học sinh hiểu rõ hơn sự anh dũng và những hy sinh của thế hệ cha, ông trong các cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước.

Đam mê với hiện vật lịch sử

Ngoài “kho tàng” báo chí, ông Bình còn có một số bộ sưu tập đặc biệt khác, trong đó phải kể đến bộ tem bưu chính. Để có bộ sưu tập này, ông đã dành nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để sưu tầm. Ông Bình kể thời mình còn đi học rộ lên phong trào sưu tầm tem bưu chính. Khi đó người nào có nhiều tem thì được xem là “giàu có”. Từ đó, ông bắt đầu đam mê sưu tầm tem bưu chính và nâng niu như “báu vật”.

Ngoài tem bưu chính, ông Bình còn sở hữu một bộ sưu tập tiền “độc nhất vô nhị” của Việt Nam qua các thời kỳ. Với ông Bình, tiền không chỉ là một tờ giấy bạc mà còn ẩn chứa câu chuyện lịch sử, văn hóa gắn liền với từng thời kỳ của dân tộc.

Trong nhà của mình, ông Bình còn dành một góc để tái hiện lại lớp học xưa bằng vách tre, mái lá. Trong không gian lớp học “xưa”, chủ nhân trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu quý về giáo dục vào thời Pháp thuộc, như chứng chỉ, bằng cấp được in bằng tiếng Pháp.

Căn nhà khang trang 3 tầng của ông Bình có vị trí 2 mặt tiền ở khu phố 3, phường Mỹ Phước, nhưng ông chỉ sử dụng tầng 1 để mở quán nước, còn 2 tầng được dùng để trưng bày các ấn phẩm báo chí, cùng nhiều tư liệu có giá trị lịch sử khác. Chia sẻ với chúng tôi, người CCB ấy hy vọng sẽ có thêm nhiều người biết “bảo tàng” của mình và sẵn sàng mở cửa tiếp đón những người cùng đam mê đến tham quan, nhất là thế hệ trẻ muốn tìm hiểm thêm về lịch sử cách mạng Việt Nam.

Tính đến nay, ông Nguyễn Tiến Bình đã sưu tầm hơn 500 trang báo lưu giữ những thời khắc hào hùng của dân tộc. Trong đó đáng chú ý là những tờ báo đầu tiên ở Việt Nam như: Gia Định báo (tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam xuất bản năm 1865 ở Sài Gòn), Phụ Nữ Tân Văn (xuất bản số đầu năm 1929 ở Sài Gòn), Lục Tỉnh Tân Văn (nhật báo đầu tiên của làng Báo Sài Gòn), Trung Bắc Tân Văn (nhật báo phát hành đầu tiên tại Hà Nội, giai đoạn 1915-1941)…

Ngoài ra, ông Bình còn có bộ sưu tập những số báo đầu tiên của những tờ báo hiện nay, như Báo Thanh Niên (3-1-1986 với tên gọi Tuần tin Thanh Niên), Tạp chí Cộng Sản (số 1, xuất bản tháng 7-1950), Tuổi Trẻ… Hiện nay, ông Bình đang tích cực tìm kiếm số báo đầu tiên của tờ Sông Bé để hoàn thiện bộ sưu tập của mình.

NGUYỄN HẬU

Báo Bình Dương