Bỏ phiếu tín nhiệm: Việt Nam đã cho thấy một hình ảnh khác
Dư luận trong nước và thế giới có nhiều cách nhìn khác nhau về cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên tại Quốc hội Việt Nam, song nhìn chung đều có quan điểm cho rằng Việt Nam đang cho thấy một hình ảnh khác trước.
Dân trí nhìn lại những đánh giá của báo chí nước ngoài cũng như một số đánh giá ở trong và ngoài nước về sự kiện quan trọng này của Việt Nam trong tuần qua.
Trong bài viết được đưa ra ngay sau khi kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với 47 người nắm chức vụ cao nhất nước được công bố rộng rãi trên hệ thống truyền thông nước ta, hãng tin Reuters của Anh cho rằng: “việc các nhà lãnh đạo Việt Nam được đánh giá công khai trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm như thế này là điều vô cùng hiếm hoi”.
Hãng tin tài chính Bloomberg cũng khai thác sự kiện này nhưng hoàn toàn dưới góc độ kinh tế.
Theo Bloomberg, cuộc bỏ phiếu diễn ra vào thời điểm nền kinh tế Việt Nam chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp tăng trưởng dưới 6% kể từ năm 1988. Hiện tại, chính phủ Việt Nam cũng đang tìm cách cải cách lĩnh vực ngân hàng đang bị nợ xấu đè nặng và cố gắng tăng hiệu quả của các công ty và tập đoàn nhà nước.
Bloomberg còn trích lời Giáo sư Jonathan London thuộc trường Đại học Hong Kong nói rằng “cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đã trao một tiếng nói cho Quốc hội” và điều này sẽ “tạo ra những thay đổi đáng kể” mà trước đây ông khó có thể tượng tượng.
Trong khi đó, đài BBC cho rằng cuộc lấy phiếu tín nhiệm và công bố kết quả rộng rãi là dấu hiệu cho thấy Quốc hội Việt Nam đã trở thành một nghị trường đích thực khi ngày càng tạo ra sức hút lớn với báo giới, đảm bảo tính công khai và thực hiện được vai trò giám sát của một cơ quan làm luật.
Giới chuyên gia, học giả trong và ngoài nước cũng “mổ xẻ” sự kiện quan trọng này dưới những góc nhìn khác nhau.
Theo nhà sử học phương Đông Vladimir Kolotov, cuộc bỏ phiếu tín nhiệm là “tín hiệu nghiêm túc đối với tầng lớp chính trị ở Việt Nam”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì cho rằng đây có thể được coi là “nét mới trong hoạt động của Quốc hội”. Mặc dù vẫn còn một số thắc mắc liên quan đến thể thức tiến hành, song theo ông Nguyễn Quang A, “nếu bước khởi đầu này làm tốt thì đó cũng là một bước tiến”.
Trả lời BBC qua điện thoại, cựu đại biểu Nguyễn Lân Dũng bày tỏ hy vọng việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ mở đầu cho các thay đổi trong tương lai.
Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu Việt Nam tại Đại học Duke (Mỹ) Edmund Malesky được tờ Bưu điện Jakarta dẫn lời nói rằng đợt bỏ phiếu tín nhiệm nhân sự cho thấy các đại biểu Quốc hội đã được thực hiện chức trách của mình, khẳng định một phần trách nhiệm đối với Hiến pháp.
Nhận định về kỳ bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu tiên tại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã nói: “Kết quả chung đã phản ánh được tình hình kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng và tư pháp của đất nước. Nhìn chung cách đánh giá của đại biểu Quốc hội là khách quan”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây chỉ là bước đầu và sẽ là cơ sở rút kinh nghiệm cho các lần tiến hành sau ở các cấp hội đồng nhân dân.
Mọi tiến trình thay đổi đều cần có thời gian và những bước đi đầu tiên bao giờ cũng ẩn chứa nhiều khó khăn, thách thức. Điều quan trọng nhất là những tiến trình thay đổi đó có được tiếp tục thực hiện theo hướng thực sự đem lại hiệu quả và ý nghĩa cho đời sống chính trị - xã hội của đất nước hay không.
Theo Dân Trí