Bộ máy công quyền ưu tú phải vì dân, lắng nghe dân
(BDO) Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú là chuyên đề vừa được Ban Tổ chức Trung ương tổ chức thuyết trình trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong nước sáng qua (6-8). Mục đích của buổi thuyết trình theo ông Mai Văn Chính, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương là nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của Singapore về cải cách hành chính, xây dựng bộ máy công quyền theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú là sự cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm việc xây dựng bộ máy Nhà nước dựa vào dân, lắng nghe dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tất cả các cơ quan Nhà nước phải dựa vào nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về một Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân thể hiện rõ các quan điểm lý luận về bản chất, chức năng, cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước. Trong đó, tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức là tư tưởng nhất quán, thể hiện tầm nhìn vượt thời gian và có giá trị lâu bền, xuyên suốt. Đến nay, các quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa thực tiễn to lớn đối với nhiệm vụ xây dựng bộ máy nhà Nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Để xây dựng thành công bộ máy Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại hội lần thứ 6 của Đảng năm 1986 xác định thực hiện một cuộc cải cách lớn về tổ chức bộ máy của các cơ quan Nhà nước theo phương hướng: Thực hiện một quy chế làm việc khoa học, có hiệu suất cao; xây dựng bộ máy gọn nhẹ có chất lượng cao với một đội ngũ có phẩm chất chính trị và năng lực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Trung ương Đảng tiếp tục ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú chính là sự cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.
Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú không thể tách rời nhiệm vụ xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ưu tú. Nói cách khác, để xây dựng thành công bộ máy công quyền ưu tú, đòi hỏi phải xây dựng được đội ngũ công chức, viên chức ưu tú. Thực tế cho thấy ở đâu có những công chức, viên chức trình độ cao, đạo đức tốt, tôn trọng dân, biết lắng nghe ý kiến nhân dân thì ở đó có bộ máy công quyền được nhân dân tôn trọng, đánh giá cao. Ngược lại, ở đâu có những công chức, viên chức sách nhiễu, thiếu tôn trọng dân, thiếu các kỹ năng về nghiệp vụ, giao tiếp thì bộ máy công quyền nơi đó bị nhân dân đánh giá thấp. Xây dựng bộ máy công quyền ưu tú chính là xây dựng bộ máy Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh và các nghị quyết đã được Trung ương Đảng đề ra, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn đổi mới đất nước hiện nay.
LÊ QUANG