Bộ LĐ-TB và XH đề xuất hỗ trợ nhóm đối tượng lao động tự do

Thứ sáu, ngày 10/04/2020

(BDO)  

Gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là cấp bách và chưa có tiền lệ. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là cấp bách và chưa có tiền lệ; hỗ trợ các đối tượng trong thời gian sớm nhất, không để độ trễ trong chính sách; công khai, minh bạch, không để trục lợi.

Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19.

Đề xuất hỗ trợ nhóm đối tượng lao động tự do

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau," gói hỗ trợ với 62.000 tỷ đồng này với các nhóm đối tượng hỗ trợ bao gồm: người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải nghỉ việc do dịch; hỗ trợ người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính trả lương người lao động; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm phải dừng kinh doanh do dịch; người lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.

Ngoài ra là các nhóm đối tượng: Người có công với cách mạng; đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh gói hỗ trợ là cấp bách và chưa có tiền lệ, hỗ trợ các đối tượng trong thời gian sớm nhất, không để độ trễ trong chính sách; công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách.

"Những ngày vừa qua, vấn đề này nhận được sự quan tâm, kỳ vọng và ủng hộ của người dân cả nước. Số kinh phí lớn, đối tượng nhiều, đa dạng, nhưng tinh thần là không để đồng tiền của người dân để xảy ra vấn đề lạm dụng, trục lợi," Bộ trưởng cho biết, đồng thời đề nghị các bộ, ngành, tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo để thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Quá trình triển khai cần kiểm tra, xử lý ở mức nghiêm minh nhất các vi phạm trong triển khai hỗ trợ. Ủy ban giám sát sẽ được thành lập ở các địa phương, trong đó đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương, với sự tham gia của Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, đại diện đại biểu Quốc hội các địa phương...

Hiện, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ hoàn thành và trình Thủ tướng ban hành quyết định về quy trình cụ thể, tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục triển khai đúng đối tượng, thành phần quy định.

"Cho đến nay, dự thảo đã hoàn thiện, chiều nay trình Thủ tướng ký thông qua và sẽ triển khai ngay đầu tuần sau," Bộ trưởng nêu rõ.

Về cách thức, tiền hỗ trợ sẽ được chi trả trong tháng 4 và tháng 5. Đối với người có công, đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính quyền địa phương sẽ trực tiếp triển khai.

Ông Lê Văn Hải, người bán vé số tại thành phố Tuy Hòa (bên trái) nhận tiền hỗ trợ. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Đối với những đối tượng có quan hệ lao động, tháng nào giảm sâu, tháng nào bị ảnh hưởng thu nhập mà đủ điều kiện thì hỗ trợ. Đối với doanh nghiệp vay lãi 0% để trả lương, doanh nghiệp đứng ra vay, ngân hàng chính sách chi trả trực tiếp vào tài khoản của người lao động.

Về nhóm lao động không có giao kết hợp đồng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng đây là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp lớn nhất của dịch, cần được quan tâm. Nhưng đây là nhóm khó xác định nhất, dễ nảy sinh những hệ lụy.

Từ bài học kinh nghiệm hỗ trợ của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành, Bộ đề xuất người lao động được hỗ trợ sẽ nhận trực tiếp từ chính quyền cơ sở xã, phường nơi quê quán, hoặc cũng có thể nhận ở nơi lao động cư trú, sau khi có xác nhận của nơi mà người lao động sinh sống.

Với nhóm đối tượng này, Bộ đề xuất hỗ trợ tập trung vào những nhóm nghề như: người bán hàng rong, quà vặt, bốc vác, xe đẩy, xe ba gác, xe ôm, xe xích lô, người bán vé lưu động (không bao gồm các đại lý), người lao động tại các cơ sở ăn uống dịch vụ, du lịch... Ngoài ra, các tỉnh, địa phương có thể bổ sung hỗ trợ các đối tượng khác bằng nguồn ngân sách địa phương, hoặc các nguồn ngân sách khác.

Về việc chi trả hỗ trợ, Bộ sẽ phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội và các địa phương thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến.

Về danh sách các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng, về nguyên tắc, do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo rà soát từng cấp; nhất là trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp xã ở địa bàn của mình, các công ty, doanh nghiệp, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Các nhóm đối tượng được hỗ trợ

Sau khi thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương sẽ được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4-6/2020 được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng.

Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng.

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng.

Thời gian áp dụng đối với các nhóm đối lượng này là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả 1 lần.

Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương), người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng./.

Theo TTXVN