Bộ kích sóng Wi-Fi có tác dụng thật không
(BDO) Mang lại vùng phủ sóng mạnh hơn, nhưng bộ kích sóng Wi-Fi có thể không cung cấp trải nghiệm mạng ổn định và hiệu quả như mong đợi.
Cách đây một tháng, chị Phương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã đăng ký lắp đặt mạng Internet và được tặng một bộ phát Wi-Fi miễn phí. Tuy nhiên, mỗi khi lên tầng trên là gần như chị không bắt được sóng Wi-Fi hoặc cột sóng rất chập chờn và khó sử dụng, vì nhà chị lắp bộ phát dưới tầng một. Sau khi tìm hiểu và hỏi thăm các đồng nghiệp, chị quyết định mua một bộ kích sóng Wi-Fi với giá gần 200 nghìn để cải thiện tình trạng. Hiện tại, chị đã kết nối dễ dàng với mạng Wi-Fi ở trên tầng, nhưng đôi lúc vẫn bị chập chờn và không ổn định như mong đợi.
Khác với chị Phương, anh Trung, một chủ quán cafe ở Thái Hà (Hà Nội) trước đây cũng thử lắp bộ kích sóng Wi-Fi ở các tầng của quán, nhưng khách vẫn phàn nàn về chất lượng mạng kém và hay mất đột ngột nên anh phải đầu tư lắp các modem Wi-Fi riêng cho các tầng và nối dây tới modem chính để đảm bảo mạng ổn định.
Bộ kích sóng Wi-Fi (Wi-Fi repeater) thâm nhập thị trường Việt Nam từ khoảng vài năm nay. Đây là thiết bị có khả năng thu sóng Wi-Fi từ modem Wi-Fi chính và phát đi với khoảng cách xa hơn, nhằm tăng vùng phủ sóng tới những điểm mà sóng Wi-Fi chính không thể tới. Với mức giá dao động chỉ trên dưới 200 nghìn đồng, nhiều người đã lựa chọn bộ kích Wi-Fi trong gia đình để mong có được trải nghiệm mạng tốt hơn. Tuy nhiên, rất nhiều người dùng sau khi sử dụng đã có thắc mắc giống anh Trung, chị Phương rằng vì sao đã lắp thiết bị kích sóng Wi-Fi mà mạng vẫn không được cải thiện nhiều.
Anh Linh là một kỹ sư mạng cho biết, "việc sử dụng các thiết bị repeater đòi hỏi người dùng cần có kiến thức cơ bản về mạng. Về bản chất, nó là bộ lặp sóng, nên chất lượng mạng sẽ phụ thuộc rất nhiều yếu tố". Ngoài ra, theo anh Linh, những thiết bị repeater trên thị trường đang tồn tại một vài điểm yếu.
Có thể khiến chất lượng mạng đi xuống
Những thứ được xem là kẻ thù của mạng Wi-Fi là khoảng cách và vật cản. Chính vì thế càng ở xa bộ phát sóng Wi-Fi hay có nhiều vật cản, tốc độ mạng sẽ càng giảm, dù đó là các router hiện đại như thế nào. Khi sử dụng bộ kích Wi-Fi, chất lượng mạng cũng tỷ lệ thuận với vị trí đặt thiết bị.
Giả sử, khi đặt thiết bị repeater ở nơi modem Wi-Fi chính có vùng phủ sóng kém, tín hiệu yếu thì mạng mở rộng cũng sẽ chập chờn, không ổn định. Do đó, không nên đặt bộ kích sóng Wi-Fi ở quá xa vị trí modem Wi-Fi cần mở rộng vùng phủ sóng. Vị trí được các chuyên gia khuyên là trong khoảng 7 - 10 mét từ modem, hoặc nơi mà điện thoại bắt được ổn định 3 vạch sóng Wi-Fi.
Có thể thường xuyên xảy ra hiện tượng mất mạng
Hiện tại ở Việt Nam, đâu cũng tìm thấy mạng Wi-Fi. Do vậy, hiện tượng chồng chéo và trùng lặp kênh trên loại mạng này luôn có thể xảy ra. Thông thường, kênh của bộ kích Wi-Fi phụ thuộc vào kênh trên modem Wi-Fi gốc để nhận và truyền dữ liệu qua lại. Khi modem Wi-Fi đổi kênh, thiết bị kích sóng Wi-Fi cần phải thay đổi kênh theo mới tiếp tục hoạt động được. Nếu quá trình này không diễn ra, vùng phủ sóng Wi-Fi mở rộng sẽ không có mạng, hiện tượng mất kết nối Internet sẽ diễn ra.
Người dùng có thể khắc phục điều này bằng cách tắt/bật lại bộ phát Wi-Fi, hoặc chuyển sang sử dụng một kênh cố định cho modem Wi-Fi chính. Việc lựa chọn các kênh ít nhiễu nhất sẽ giúp cho hiện tượng mất mạng trên thiết bị repeater được cải thiện.
Dễ bị nhiễu
Bộ kích sóng Wi-Fi kết nối không dây với mạng Wi-Fi, cũng tương tự cách kết nối Wi-Fi của điện thoại thông minh hoặc máy tính xách tay. Do đó, thiết bị có thể bị nhiễu sóng bởi những đồ dùng trong nhà sử dụng tần số 2,4 GHz như điện thoại không dây, lò vi sóng, loa Bluetooth. Khi có hiện tượng nhiễu xảy ra, khả năng thu phát của bộ kích sóng Wi-Fi cũng sẽ kém đi và không ổn định. Do vậy, người dùng không nên để thiết bị repeater hay modem chính ở gần các đồ dùng nói trên.
Giảm băng thông
Bộ kích sóng Wi-Fi sử dụng cùng một kênh để truyền và nhận dữ liệu từ modem chính nên các thiết bị được sử dụng để kết nối vào mạng mở rộng từ repeater sẽ chỉ nhận được tối đa một nửa băng thông có sẵn. Khi băng thông thấp, tốc độ kết nối cũng chậm hơn. Nếu muốn cải thiện, người dùng bắt buộc phải tăng băng thông ở modem chính, đồng nghĩa với việc tăng gói cước và chi phí hàng tháng.
Theo VNE