Bỏ Hội đồng Nhân dân phường: Cần thận trọng vì ‘‘đụng’’ Hiến pháp
(BDO)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Lê Thanh Vân. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Tại phiên thảo luận về việc thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân tại các phường của thành phố Hà Nội, diễn ra chiều 14/11, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Lê Thanh Vân băn khoăn “Không có Hội đồng Nhân dân thì thành tố còn lại gọi là gì khi không đủ cấu thành chính quyền địa phương.” Do đó, vị đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét thận trọng vì “đụng đến 2 điều trong Hiến pháp.”
Không có HĐND thì thành tố còn lại gọi là gì?
Đề cập đến tầm quan trọng của bộ máy hành chính, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh cơ sở pháp lý được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ để Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội là chưa vững chắc.
Ông Vân dẫn chứng Điều 110 của Hiến pháp quy định phường là đơn vị hành chính. Điều 111 của đạo luật cao nhất này cũng nêu rõ: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.”
Tuy nhiên, “theo Tờ trình thì phường sẽ không có Hội đồng Nhân dân. Tức là chỉ có một nửa chính quyền, mà một nửa chính quyền thì không gọi là chính quyền,” ông Nghĩa nêu quan điểm.
Mặt khác, theo ông Vân, Điều 114 của Hiến pháp quy định Ủy ban Nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng Nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng Nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng Nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
Như vậy, quy định này đảm bảo quyền của nhân dân thông qua bầu Hội đồng Nhân dân để kiểm soát chính quyền, cũng như đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, xuyên suốt của nền hành chính quốc gia.
“Nay bỏ Hội đồng Nhân dân thì không thể gọi Ủy ban Nhân dân là cơ quan nhà nước theo đúng nghĩa chính quyền địa phương,” ông Vân nêu quan điểm và cho rằng lãnh đạo Ủy ban Nhân dân phường do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, thị xã quyết định để hợp thành một số chức danh của Ủy ban Nhân dân thì “mất ý nghĩa chế độ tập thể làm theo nguyên tắc đa số.”
Vị đại biểu quốc hội tỉnh Cà Mau cũng lưu ý, với sự thay đổi trên, điều quan trọng là cần làm rõ nguyên nhân vì sao hoạt động của Hội đồng Nhân dân phường không phát huy hiệu quả. Đó là do trao quyền nhưng không đảm bảo cho họ thực hiện, do cơ cấu đại biểu Hội đồng Nhân dân nặng về hình thức hay chính đại biểu chưa tương xứng và làm hết trọng trách nhân dân giao cho.
“Tôi rất ủng hộ chủ trương cải cách bộ máy, tinh giảm theo hướng tập trung vai trò cá nhân nhưng phải có kiểm soát mạnh mẽ. Do đó Quốc hội cần hết sức thận trọng khi xem xét việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân,” ông Vân đề nghị.
Trước khi kết thúc ý kiến, ông Vân nhấn mạnh hiến pháp rất tường minh. Đừng hiểu cấp chính quyền địa phương ở đây là cấp đơn vị hành chính. Ở đâu có đơn vị hành chính, ở đó có chính quyền địa phương và được cấu thành bởi Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân. Khi không có Hội đồng Nhân dân thì thành tố còn lại gọi là gì khi không đủ cấu thành chính quyền địa phương? Do đó, một lần nữa ông đề nghị xem xét thận trọng vì “đụng đến 2 điều trong Hiến pháp.”
Cùng chung quan điểm, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Lê Xuân Thân băn khoăn "trước đây chúng ta đã thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường. Sau đó, đến 2015 đã chấm dứt việc thí điểm. Tuy nhiên, giờ chúng ta lại tổ chức không thí điểm ở Thủ đô thì có gì khác so với thí điểm trước đây?"
Ông Thân cho rằng thực chất thí điểm lần này là không còn cấp chính quyền phường ở Hà Nội. Bởi theo quy định tại điều 114 của Hiến pháp thì đã là chính quyền địa phương phải có đầy đủ Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Nhân dân do Hội đồng Nhân dân bầu ra.
Vì thế "cần thiết kế lại quy định này sao cho hợp lý," ông Thân nhấn mạnh.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) cũng lo ngại khi toàn bộ chức năng của Hội đồng Nhân dân phường được chuyển lên cấp quận sẽ có nhiều vấn đề phát sinh cần phải quan tâm. “Nếu đã không còn Hội đồng Nhân dân phường thì phải bổ sung thêm một chức năng nữa cho Ủy ban Nhân dân là nơi đại diện cho tiếng nói của nhân dân thay thế cho Hội đồng Nhân dân,” ông Nghĩa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng đề nghị ở những nơi không còn Hội đồng Nhân dân thì phải tăng số lượng công chức ở phường, nhất là số lượng ủy viên Ủy ban Nhân dân để đảm bảo thực hiện tốt 8 nhiệm vụ, chức năng đã được nêu rõ trong Nghị quyết của thành phố Hà Nội.
Kiến nghị thí điểm thêm các tỉnh, thành phố khác để so sánh
Trái ngược quan điểm trên, đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng Phùng Văn Hùng cho rằng việc thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường vẫn hợp hiến. “Hiến pháp quy định Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính và điều này là bất di bất dịch,” ông Hùng nhấn mạnh.
Phân tích sâu hơn về nhận định trên, ông Hùng cho hay cách thức tổ chức chính quyền địa phương mấy chục năm qua không thay đổi, trong khi vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nhà nước đã được điều chỉnh cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội.
“Ví dụ giao thông bây giờ rất phát triển, khiến việc đi lại rất dễ dàng; dịch vụ công trước đây nhà nước bao hết, bây giờ xã hội hoá rất nhiều,” ông Hùng dẫn giải.
Vẫn theo ông Hùng, quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, dân cư sống tập trung, là điều kiện để thí điểm không tổ chức cấp chính quyền phường nữa. Tuy nhiên, “chúng ta cần đặt thẳng vấn đề là không tổ chức cấp chính quyền phường nữa thì sẽ dễ hiểu hơn là thí điểm bỏ Hội đồng Nhân dân phường,” ông Hùng lưu ý thêm.
Từ những phân tích trên, đại biểu Phùng Văn Hùng cho rằng cần tiến tới nghiên cứu tổ chức lại một cách toàn diện hệ thống đơn vị hành chính trên toàn quốc. “Đất nước ta diện tích có hạn mà chia thành 63 tỉnh, thành phố là quá nhiều. Thực tế này làm cho nguồn lực về con người, tài nguyên trở nên manh mún, cộng với tình trạng cát cứ địa phương nữa sẽ làm đất nước khó phát triển,” ông Hùng nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Bình Thuận nhắc lại cuộc thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường tại 10 tỉnh, thành phố trước đây, được đánh giá là mang lại nhiều kết quả tốt.
Nữ đại biểu cũng đồng tình với phân tích của Chính phủ là hoạt động Hội đồng Nhân dân phường còn mang tính hình thức, làm gián đoạn tính thông suốt, hiệu quả của hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền thành phố.
Do vậy, “tôi kiến nghị Quốc hội cho phép thí điểm mô hình này tại một số tỉnh, thành phố khác để có cơ sở so sánh, đánh giá, rút kinh nghiệm để hoàn thiện mô hình giúp triển khai áp dụng sau này,” bà Bình nêu ý kiến.
Ngoài ra, nữ đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị tên gọi của nghị quyết là “thí điểm không tổ chức cấp chính quyền địa phương tại các phường của thành phố Hà Nội.” Bởi theo bà, Ủy ban hành chính là tên gọi phù hợp với tính chất, nhiệm vụ, hoạt động của cơ quan hành chính tại địa bàn phường.
“Nếu thí điểm thì không gọi cơ quan hành chính ở phường là Ủy ban Nhân dân nữa. Không nên lấy lý do nếu đổi tên thì nó phức tạp vì phải đổi con dấu, đổi giấy tờ, bởi giữ tên gọi cũ sẽ không đúng bản chất. Phải khẳng định rằng đây chỉ là cơ quan đại diện hành chính của quận, thị xã tại phường chứ không phải là một cấp hành chính,” đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Lê Xuân Thân góp thêm ý kiến.
Đại biểu Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. (Nguồn ảnh: TTXVN)
“Nếu kết luận là vi hiến thì chúng tôi không làm tiếp”
Về phía địa phương thí điểm, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định thí điểm lần này là phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Bởi theo bà, việc thí điểm bỏ Hội đồng Nhân dân tại phường là để tổ chức mô hình chính quyền đô thị 2 cấp thay vì 3 cấp như hiện nay.
Phân tích rõ hơn về đề xuất nêu trên, cuối phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh việc xây dựng đề án thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp phường tại Hà Nội xuất phát từ nhu cầu của thành phố là mong muốn xây dựng hệ thống chính quyền gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, gần dân và đáp ứng các yêu cầu của người dân tốt hơn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ: “Khi xây dựng đề án, ngay từ đầu, chúng tôi đã quan tâm đến nội dung này. Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị lấy ý kiến các nhà luật học, các nhà quản lý về nội dung này. Các ý kiến đóng góp đều cho thấy đây là đề án thí điểm và không vi hiến.”
Ông Hải cũng cho biết Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ngày 25-10-2019, tại trang 2, dòng thứ hai từ dưới lên có nêu: “Nội dung của dự thảo Nghị quyết cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; tính thống nhất của dự thảo Nghị quyết với hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.”
“Ủy ban Pháp luật cũng đã rất cân nhắc vấn đề này. Như tôi đã nêu, việc chuẩn bị đề án thí điểm công phu, lấy nhiều ý kiến của các cơ quan. Nếu nội dung đề án được các cơ quan kết luận là vi hiến thì chúng tôi không làm tiếp,” Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhấn mạnh./.
Theo TTXVN