Bồ Đào Nha sắp nối gót Hy Lạp

Thứ năm, ngày 07/04/2011

Bồ Đào Nha đang đứng trước khả năng chấp nhận gói cứu trợ của EU sau khi công ty đánh giá tín dụng Moody cho rằng nước này không thể tránh vết xe đổ của Ireland và Hy Lạp.

 Người dân Bồ Đào Nha biểu tình phản đối các biện pháp khắc khổ của chính phủ.  

Trước mắt cần thêm 1 tỷ euro

 

Moody đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Chính phủ Bồ Đào Nha xuống thêm một bậc, từ A3 xuống Baa1. Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đến một tháng, Moody hạ mức xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha. Moody giải thích lý do hạ mức xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha vì cho rằng Chính phủ Bồ Đào Nha khó có thể đạt được những mục tiêu về giảm thâm hụt ngân sách giai đoạn 2011-2014 trong bối cảnh những bất ổn gia tăng về chính trị, ngân sách và kinh tế ở nước này hiện nay. Trước đó, ngày 29-3, Công ty Xếp hạng tín nhiệm tín dụng Standard & Poor’s (S&P) cũng đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha từ BBB xuống BBB-.

 

Theo đánh giá của Moody, Chính phủ Bồ Đào Nha cạn tiền mặt để trả lãi các khoản vay từ nay đến lúc đáo hạn vào mùa hè này. Theo Reuters, Lisbon phải huy động thêm 1 tỷ euro để trang trải các dịch vụ công. Tình hình càng trầm trọng hơn khi các ngân hàng tại Bồ Đào Nha đã từ chối cho chính phủ tạm quyền hiện nay vay thêm tiền. Bồ Đào Nha sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 6 tới sau khi Quốc hội nước này bác bỏ các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ do Thủ tướng José Sócrates đứng đầu, dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ do đảng Xã hội đứng đầu.

 

Giám đốc các ngân hàng tại Bồ Đào Nha trong cuộc gặp với Thống đốc Ngân hàng nước này đã yêu cầu kêu gọi EU tài trợ cho các khó khăn tài chính cho tới khi đáo hạn và tổng tuyển cử. Bồ Đào Nha phải trả 4,2 tỷ euro tiền trái phiếu đến hạn vào ngày 15-4 và thêm 4,9 tỷ USD vào tháng 6.

 

Trong lúc này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự báo sẽ nâng lãi suất vào ngày 7-4, điều này sẽ làm tăng thêm gánh nặng nợ nần của Bồ Đào Nha. Tây Ban Nha và nhiều nước thành viên khác của EU đã than phiền về tác hại của việc tăng lãi suất cho vay trong lúc họ vẫn đang vật lộn để phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, dường như ECB đang đặt công tác chống lạm phát lên trên sự nguy hiểm của các nền kinh tế thành viên khi quyết định nâng lãi suất.

 

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã bênh vực quyết định nâng lãi suất của ECB khi cho rằng điều này ít tác động đến các nền kinh tế yếu trong khu vực đồng euro. OECD cho rằng Ngân hàng Trung ương các nước nên tập trung kiềm chế lạm phát khi các nền kinh tế lớn trên thế giới đang bắt đầu hồi phục. OECD bác bỏ khả năng nền kinh tế thế giới gặp suy thoái kép.

 

Tác động dây chuyền

 

Chính phủ Bồ Đào Nha thừa nhận họ đã không đáp ứng được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách năm 2010. Mức thâm hụt của Bồ Đào Nha năm ngoái lên tới 8,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 7,3%. Những động thái trên đã làm tăng thêm quan ngại việc Bồ Đào Nha sẽ bị buộc phải đề nghị các đối tác châu Âu cứu trợ tài chính. Cho đến nay, nước này vẫn chưa kêu gọi trợ giúp tài chính, song nhiều nhà phân tích cho rằng vấn đề chỉ là thời gian. Hầu hết các quan chức tài chính ở châu Âu đều cho rằng nhiều khả năng Bồ Đào Nha sẽ phải cầu viện cứu trợ từ bên ngoài. Thậm chí một số nhà phân tích còn cho rằng nếu không được cứu trợ, hầu như chắc chắn Bồ Đào Nha sẽ bị vỡ nợ.

 

Mạng tin “Dự báo thị trường” (Anh) còn nhận định mặc dù tới nay châu Âu vẫn chống chọi được với cơn bão khủng hoảng nợ công, nhưng những diễn biến mới nhất ở Bồ Đào Nha đang đe dọa đẩy cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực khỏi tầm kiểm soát.

 

Theo SGGP