Bộ Công Thương họp khẩn: Không để thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý

Thứ bảy, ngày 07/03/2020

(BDO)

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh họp khẩn với các đơn vị bàn giải pháp ứng phó với dịch COVID-19. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chiều nay (7/3), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc họp khẩn với các đơn vị chức năng về công tác phòng chống dịch COVID-19 nhằm đánh giá tình hình thị trường cũng như chủ động các giải pháp đảm bảo cung cầu các mặt hàng thiết yếu.

Hàng dự trữ rất dồi dào

Báo cáo tại cuộc họp, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin ngay khi Chính phủ công bố dịch COVID-19 vào đầu tháng Hai và Thành phố Hà Nội công bố có 1 ca nhiễm bệnh, đã xảy ra tình trạng một số người dân đổ xô đi mua hàng dự trữ các mặt hàng thiết yếu và một số mặt hàng khác như khẩu trang, nước rửa tay, giấy vệ sinh, nước đóng chai.

Trước tình hình đó, Sở Công Thương đã chủ động yêu cầu các hệ thống phân phối tăng cường dự trữ hàng hóa nhằm đáp ứng kịp thời khi thị trường có nhiều biến động.

Cụ thể, từ đêm 6/3 và sáng sớm ngày 7/3, lượng hàng dự trữ tại các doanh nghiệp tăng trung bình từ 4-5 lần so với ngày bình thường, riêng hệ thống Vinmart hàng hóa tăng 40 lần. Ngoài ra, các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội…

Đơn cử, hệ thống siêu thị Coopmart tăng lượng dự trữ ngay tại các kho của Hà Nội, Bắc Ninh 30%, huy động 100% cán bộ nhân viên đi làm phục vụ công tác bán hàng.

Còn tại hệ thống BigC lượng hàng tăng từ 30-40%, doanh nghiệp này cũng bố trí cán bộ liên tục phục vụ hàng trong siêu thị, vận chuyển hàng hóa từ các kho về hệ thống phân phối...

Người dân mua hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thông tin thêm về lượng hàng dự trữ, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Central Group Việt Nam, cho biết từ khi dịch bệnh xảy ra, doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng lớn, đặc biệt là thực phẩm tiêu dùng, gạo, hàng hoá thiết yếu… với lượng tăng 300 - 400%.

Tuy nhiên, do tâm lý người tiêu dùng khi nghe thông tin về ca nhiễm bệnh đầu tiên tại Hà Nội nên lượng khách hàng mua sắm tăng cao so với ngày bình thường, ảnh hưởng tới việc cung cấp tại một số thời điểm.

“Doanh nghiệp đã huy động hết nguồn cung trong nước, làm việc với nhà cung cấp tăng tần suất giao hàng gấp 4 lần so với mọi ngày với hàng thực phẩm tươi sống, đồng thời chủ động nhập khẩu 15 tấn thịt heo nên nguồn cung không có vấn đề lớn,”  bà Phương nói.

Về phía Saigon Coop, lượng hàng dự trữ tại 3 tổng kho với số lượng trên 500 tỷ đồng ngay từ đầu mùa dịch. Đại diện doanh nghiệp này khẳng định sẽ không tăng giá hàng hoá trên toàn hệ thống.

“Từ đêm 6/3 khi có thông tin về ca dương tính với dịch bệnh, Saigon Coop đã chỉ đạo vận chuyển hàng về trong đêm, nguồn hàng dự trữ tại các điểm bán ở Hà Nội với trên 100 tỷ đồng; chuyển nguồn hàng từ trung tâm phân phối miền Nam và miền Tây, rau củ quả từ đà Lạt, thịt từ Visan đủ cung ứng cho thành phố,” đại diện Saigon Coop nói.

Không để thiếu hàng trong mọi tình huống

Trước diễn biến của dịch bệnh, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố, trong đó tập trung vào cấp độ 3-4 nhằm đảm bảo sẵn hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly của thành phố.

Cụ thể, theo bà Trần Phương Lan, cấp độ 1-2 là bình thường, cấp độ 3 là có 20 người lây nhiễm, cấp độ 4 là từ 1.000 người trở lên. Với tình hình trên Sở đã xây dựng phương án nếu 1.000 người lây nhiễm cách ly thì xây dựng phương án cho hẳn 5.000 người.

Bộ trưởng đề nghị nhà phân phối làm việc với các nhà cung cấp để bảo đảm nguồn cung, chất lượng hàng hóa. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Công Thương đã chỉ đạo phòng Quản lý công nghiệp nắm bắt kịp thời các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, nước diệt khuẩn để đáp ứng nguồn cung phục vụ nhân dân. Yêu cầu các nhà cung cấp, các nhà sản xuất đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho các hệ thống phân phối và phục nhu cầu nhu cầu của nhân dân và kết nối với các địa phương khác sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra…

Gần đây, Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường công tác  kiểm tra, kiểm soát không để hiện tượng găm hàng, bán tăng giá, không niêm yết giá…

“Trong bất kỳ tình huống nào các hệ thống phân phối của Hà Nội cũng đảm bảo đầy đủ nhu cầu của nhân kể cả hàng khi lượng mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng và phân bổ lượng hóa đầy đủ trong hệ thống không để địa bàn bị trống hàng, thiếu hàng,” bà Lan thông tin.

Bà Lan cũng đề nghị các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền để người dân yên tâm, không nên dự trữ hàng hóa khi có dịch xảy ra, tăng cường hình thức mua sắm onile để tránh gây tập trung đông người.

Ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Vụ Thị trường trong nước rà soát cùng với địa phương xây dựng các kế hoạch và kịch bản trước diễn biến dịch bệnh, các giải pháp ứng phó của doanh nghiệp trong hệ thống và chuỗi cung ứng, từ đó có phương án chủ động đảm bảo nguồn cung không chỉ ở Hà Nội mà trên phạm vi cả nước.

Ông cũng lưu ý Vụ Thị trường trong nước và Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tăng thu gom dự trữ. Đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hoá dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về năng lực sản xuất, Bộ trưởng khẳng định nguồn cung sản xuất rất tốt nên năng lực của nền kinh tế sẽ không thể để thiếu hàng, tăng giá cả hàng hoá. Vì vậy, cần cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời, đầy đủ và trung thực giữa điều hành Chính phủ và các bộ ngành, địa phương.

Với diễn biến thị trường như vừa qua, Bộ trưởng lưu ý Sở Công Thương Hà Nội bám sát các diễn biến của thị trường, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối tăng cường các biện pháp cung ứng hàng hóa phục vụ người dân, làm việc với các nhà cung cấp để bảo đảm nguồn cung, chất lượng hàng hóa cung cấp cho hệ thống bán hàng của doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Theo TTXVN

Từ khóa: