Bloomberg: Những vấn đề quyết định sự thành công của đàm phán Mỹ-Trung
(BDO)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Modern War Institute)
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc ngày 7/1 đã bắt đầu cuộc đàm phán thương mại với hy vọng đạt được một thỏa thuận trong thời gian tạm ngừng đòn đáp trả thuế quan kéo dài 90 ngày giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Báo Bloomberg đăng bài phân tích nhận định, nhiều khả năng hai bên phải đối mặt với việc khôi phục đòn đáp trả thuế quan vào tháng 3 tới nếu họ không đạt được một thỏa thuận.
Dự kiến, các cuộc thảo luận cấp cao hơn sẽ diễn ra vào cuối tháng này, với việc tờ South China Morning Post đưa tin Tổng thống Trump có khả năng tổ chức cuộc gặp với Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ).
Bài viết đã nêu 7 vấn đề chính quyết định sự thành công của cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
1. Tài sản trí tuệ
Washington cáo buộc Trung Quốc ép các công ty Mỹ phải chia sẻ các công nghệ nhạy cảm và đánh cắp các tài sản trí tuệ là một trong những vấn đề gai góc nhất, và có khả năng đạt được hoặc phá vỡ bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào.
Washington cho rằng, các cuộc thương lượng trong thời hạn 90 ngày nêu trên sẽ tập trung vào "những thay đổi cơ cấu" trong cách Trung Quốc thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ, bảo vệ tài sản trí tuệ, đánh cắp qua mạng và các vấn đề khác. Trong khi, Trung Quốc tuyên bố đang soạn thảo một đạo luật để ngăn chặn hoạt động chuyển giao công nghệ bắt buộc.
2. Huawei và 5G
Tập đoàn công nghệ Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất của Trung Quốc, lâu nay vẫn bác bỏ cáo buộc của Mỹ và các đồng minh về việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động gián điệp được nhà nước bảo trợ. Tập đoàn này đang chạy đua phát triển công nghệ 5G.
Tuy nhiên, những nỗ lực của tập đoàn này bị Mỹ vô hiệu khi Washington cấm cơ quan chính phủ mua các sản phẩm của công ty này và khuyến khích các nước khác cũng làm như vậy.
3. Kế hoạch sản xuất tại Trung Quốc năm 2025
Kế hoạch "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025" của Bắc Kinh nhằm đưa gã khổng lồ châu Á trở thành nước đứng đầu trong ngành sản xuất tiên tiến bằng cách nhằm vào 10 lĩnh vực mới nổi, trong đó có nghiên cứu việc sử dụng người máy trong công nghệ chế tạo, xe chạy bằng năng lượng sạch và công nghệ sinh học.
Tham vọng công nghiệp này đã chọc giận Nhà Trắng vì Washington cho rằng sự can thiệp do nhà nước đứng đầu của Trung Quốc vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và có khả năng tạo ra sân chơi không công bằng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
4. Năng lượng
Căng thẳng thương mại đã cản trở điều đáng lẽ là một thỏa thuận ngọt ngào cho hai nước: Mỹ sẽ trở thành nhà xuất khẩu dầu và khí đốt chủ chốt còn Trung Quốc trở thành khách hàng lớn nhất của cả hai mặt hàng này trên thế giới.
5. Nhập khẩu nông sản
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi xem liệu Trung Quốc có dỡ bỏ mức thuế đáp trả đối với các nông sản Mỹ hay không, trong đó có đậu nành, ngô, bông và thịt lợn, vốn gây phương hại nghiêm trọng cho Washington.
Việc dỡ bỏ thuế quan này có khả năng khuyến khích các khách hàng tư nhân lập tức nối lại việc mua sắm các nông sản của Mỹ.
Trung Quốc cũng có thể dỡ bỏ thuế chống bán phá giá và chống trợ giá đối với ngũ cốc của Mỹ mà gã khổng lồ châu Á là khách hàng lớn nhất, cũng như cho phép nhập khẩu thịt lợn Mỹ sau khi Bắc Kinh bật đèn xanh mua gạo của Mỹ. Nếu cuộc đàm phán này thất bại, Trung Quốc có thể cũng hủy một số hợp đồng đậu nành đạt được thời gian qua.
6. Thuế xe hơi
Sau khi áp thuế 25% đối với xe hơi nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc tạm thời dỡ bỏ mức thuế này bắt đầu từ ngày 1/1/2019 khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tìm cách hạ nhiệt căng thẳng thương mại.
7. Cơ hội thị trường cho các ngân hàng
Trung Quốc đã cam kết gia tăng cơ hội cho các hãng tài chính thuộc sở hữu nước ngoài. Chủ tịch Tập Cận Bình cho hay, động thái mở cửa này sẽ mở rộng dần dần, các ngân hàng và công ty chứng khoán nước ngoài có thể đạt lợi nhuận hơn 32 tỷ USD tại Trung Quốc trước năm 2030./.
Theo TTXVN