Biwase lãi 8 triệu USD nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả
(BDO) Sau đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp khá chật vật trong việc phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhưng tại Bình Dương, trong 5 tháng đầu năm 2022, Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đã có khoản lãi 8 triệu USD nhờ sử dụng vốn vay đúng cam kết để đầu tư, mở rộng mạng lưới cấp nước đến người dân, doanh nghiệp.
Tháng 5 vừa qua, Biwase tiếp tục được Tổ chức DEG (Cộng hòa Liên bang Đức) tài trợ vốn vay 25 triệu USD. Đây là lần thứ hai Biwase được các nhà tài trợ chấp thuận cho vay vốn mà không phải thông qua bảo lãnh của Chính phủ
Mở rộng sản xuất, đón đầu làn sóng đầu tư
Năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên toàn cầu, chuỗi sản xuất cung ứng cho các ngành sản xuất đều chịu nhiều tác động, chủ yếu là do điều kiện đi lại, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu bị giới hạn từ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của các nước. Khi bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa, doanh nghiệp, nhà đầu tư chọn giải pháp kinh doanh, sản xuất an toàn, không mở rộng, đầu tư lớn trong hoạt động bởi nhiều nguyên nhân khách quan trong đó có ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trao đổi với P.V, ông Trần Chiến Công, Tổng Giám đốc Biwase, chia sẻ trong khi nhiều doanh nghiệp gần như “co cụm”, hoạt động sản xuất cầm chừng trong giai đoạn ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, các doanh số chỉ tiêu dù có tăng nhưng không được như kỳ vọng, thay vì chọn giải pháp sản xuất, kinh doanh an toàn, Biwase chọn cho mình một “con đường riêng” để thích ứng có hiệu quả, nhất là sẵn sàng tăng tốc khi kết thúc đại dịch. Đó là đầu tư đi trước để đón đầu làn sóng nhà đầu tư đến Bình Dương sau dịch bệnh Covid-19.
Biwase quyết định dành vốn để đầu tư nâng cao công suất, mở rộng phạm vi cấp nước cho những khu đô thị, khu công nghiệp tiềm năng, nhất là với ý nghĩa nhân văn đưa được mạng lưới cấp nước sạch đến khu vực nông thôn, khu vực sản xuất ngoài khu công nghiệp mà nhiều tỉnh, thành khác vẫn chưa thể thực hiện được. Hướng đi đúng đắn của Hội đồng Quản trị Biwase đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cổ đông. Hướng đi này đã giúp Biwase mang lại khoản lãi 8 triệu USD trong 6 tháng đầu năm nhờ những biến động về giá trên thị trường.
Sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả
Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Biwase, cho biết chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, Biwase đã thu được khoản lãi trên 8 triệu USD, nguồn thu này của đơn vị chính là do sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích. “Khoản lợi nhuận bất ngờ Biwase thu được bất chấp xu hướng tăng giá toàn cầu là bởi năm 2021 công ty được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) giải ngân khoản vay bằng hình thức tín chấp 16 triệu USD. Tháng 2-2022, toàn bộ số ống gang được nhập về Việt Nam đúng lúc giá sắt thép thế giới bất ngờ tăng đến 60%, tương đương 8 triệu USD so với thời điểm giải ngân. Khi có sẵn ống để thi công dự án theo đúng kế hoạch, Biwase đã lãi to nhờ giá”, ông Thiền nói.
Như đã nói ở trên, trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và sản xuất trong nước bị đình trệ do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhưng ngay khi được chấp thuận vốn vay, Biwase đã sử dụng hết số vốn trên để mua ống gang theo đúng cam kết để mở rộng mạng lưới cấp nước, đưa nước sạch đến với người dân, mở ra nhiều cơ hội để phát triển công nghiệp tại khu vực phía bắc của tỉnh và các địa phương mà Biwase đang tích cực hợp tác phát triển. Cụ thể, Biwase đã triển khai dự án mở rộng nhà máy, đổi mới công nghệ, phát triển hạ tầng cấp nước Gia Tân (tỉnh Đồng Nai), đưa nước sạch về huyện Cẩm Mỹ với công suất cấp nước đạt trên 30.000m3/ngày đêm. Cẩm Mỹ là huyện giáp ranh sân bay Long Thành và huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi lâu nay người dân chưa được sử dụng nước sạch. Đây cũng là địa điểm được dự báo sẽ phát triển mạnh đô thị, công nghiệp, dịch vụ, sân bay quốc tế trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, Chi nhánh cấp nước Chơn Thành, tỉnh Bình Phước tiếp tục đầu tư phát triển tuyến ống cấp nước từ giáp ranh tỉnh Bình Dương đến TX.Bình Long (tỉnh Bình Phước). Đây được xem là trung tâm công nghiệp, đô thị và dịch vụ của tỉnh Bình Phước. Cũng tại dự án này, Chi nhánh cấp nước Chơn Thành còn phát triển thêm tuyến ống tải ven Quốc lộ 14 đến cầu Nha Bích. Đây là điểm son phát triển của tỉnh Bình Phước với Khu công nghiệp đô thị Becamex Bình Phước. Các tuyến ống trên đáp ứng công suất cấp nước trên 200.000m3/ngày đêm được đánh giá sẽ giải quyết “cơn khát” nước sạch cho địa phương, tạo động lực để thu hút nhà đầu tư, nâng cao chất lượng đời sống của người dân trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Thiền thẳng thắn chia sẻ, nắm quyền điều hành tại Công ty Cấp nước Cần Thơ 1 và 2, Biwase sẽ tập trung đổi mới công nghệ, phát triển khách hàng để khai thác, vận hành hiệu quả. Đồng thời, lĩnh vực thu gom xử lý chất thải của công ty đã và đang hoạt động ổn định. Biwase đang tiếp tục hoàn thiện các nhà máy sản xuất phân bón compost công suất 840 tấn/ngày đêm và nhà máy phát điện công suất 5 MW/ngày đêm sử dụng nguồn nhiệt từ xử lý rác thải. Công nghệ này vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa mang lại lợi ích kinh tế lớn nhờ chủ động nguồn năng lượng tái tạo. Hai nhà máy trên sẽ chính thức hoạt động vào cuối năm 2022, đánh dấu trình độ công nghệ, năng lực khoa học kỹ thuật của Biwase trong hoạt động xử lý môi trường và sử dụng năng lượng tái tạo.
MINH DUY